1.001 lý do "nhầm lớp"
"Đứng nhầm lớp" suy cho cùng có hai dạng. Dạng thứ nhất, chúng tôi tạm gọi là "đứng nhầm lớp" tích cực. Dạng này ít phổ biến tập trung vào những giáo viên có bằng cấp, có thực lực nhưng vì một lý do nào đó phải dạy ở các cấp học không phù hợp với đẳng cấp đào tạo. Dạng thứ hai, phổ biến ở những người trình độ, thực lực một đằng, thực dạy một nẻo. Nói một cách rõ ràng hơn, đó là những người, vì trăm ngàn lý do khác nhau, đã không thể đáp ứng tương xứng tối thiểu với cấp học mà họ đang giảng dạy ở mặt chuyên môn.
Trong chuyện học sinh ngồi nhầm lớp, chúng ta chỉ cần một vài khảo sát nhỏ cũng đủ để lộ ra một vấn nạn. Ở đây cũng vậy. Bất cứ tỉnh thành nào, nếu làm một vài động thái thăm dò, kiểm tra thực chất như dự giờ, lấy ý kiến người học có bản lĩnh, tri thức tương đối... thì quả thật, chuyện giáo viên "đứng nhầm lớp" không phải là chuyện hiếm.
Có một thời, giáo dục nước ta do khủng hoảng thiếu đã rất nhập nhằng trong tiêu chí bằng cấp. Do nhu cầu và hoàn cảnh đất nước, giáo dục đã có những khóa đào tạo cấp tốc, nâng cao như "10+3" (nghĩa là tốt nghiệp trung học hệ 10 năm cộng thêm ba tháng đào tạo) là chúng ta đã có một giáo viên đứng lớp. Thời nay, bằng cấp rõ ràng nhưng không ít nhân lực chỉ là những học hàm, học vị hão huyền. Trong trường hợp này, cơ chế đã tạo ra những giáo viên đứng nhầm lớp. Có nơi do cơ sở vật chất như thiếu trường, thiếu lớp đã hình thành nên một khái niệm, một thực tế rằng mình là loại hình "trường nhô". Đó là trường ở những địa phương khó khăn, được đồng ý cho "nhô" thêm cấp học cao hơn (trường tiểu học biến thành tiểu học - phổ thông cơ sở; trường phổ thông cơ sở thành trường vừa TH cơ sở vừa TH phổ thông...). Rất nhiều giáo viên dạy ở các trường này trở thành những người "đứng nhầm lớp" bất khả kháng. Có giáo viên vốn được đào tạo ở hệ cao đẳng trở thành người dạy ở khối lớp 10, 11, 12. Thậm chí, với loại trường này, ngoài bi kịch nhầm lớp còn có trường hợp nhầm... môn dạy. Do thiếu giáo viên, một giáo viên chuyên ngành này đảm nhiệm luôn các môn dạy khác.
Ngoài ra có một lý do tế nhị khác. Một số giáo viên không có kinh nghiệm dạy các lớp cuối cấp. Tuy vậy, vì áp lực luyện thi, họ tìm mọi cách để được "đứng nhầm lớp".
Cần những giải pháp hợp lý
Thật ra, Bộ GD-ĐT đã biết từ lâu thực trạng này. Tuy nhiên do căn bệnh hình thức và cơ chế giải ngân hằng năm, những người có trọng trách đã tiến hành những giải pháp... không ổn chút nào. Mỗi kỳ nghỉ hè, họ tập trung giáo viên rồi tổ chức "bồi dưỡng nghiệp vụ" bằng những đợt học chu kỳ thiếu thực chất, nặng hình thức, vô thưởng vô phạt. Cạnh đó, là những kỳ thi giáo viên dạy giỏi, những đợt thanh tra chuyên môn, chủ trương tinh giản biên chế chiếu lệ, kém hiệu quả... Để rồi, cuối cùng đâu lại vào đấy.
Người ta nói rằng, người thầy, ngoài cái tâm rất cần thiết có cái tầm tương xứng. Với trình độ của người dạy xuất phát từ thực trạng trên, xã hội đang rất cần những động thái, chủ trương khả thi từ cơ quan chủ quản. Đã đến lúc, ngoài việc nói không với tiêu cực, bệnh thành tích, chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp"..., ngành giáo dục đang rất cần những thay đổi căn bản để có thể triển khai một cuộc vận động lớn nhằm nói không với những giáo viên "đứng nhầm lớp".
Bạch Lê Quang
Bình luận (0)