Dự án mang tính hoang tưởng
Ngày 23.5, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Giá xung quanh việc Eminence công bố đầu tư 30 tỉ USD vào Thanh Hóa. Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư rồi Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cho biết:
- Thông tin tôi có được về dự án 30 tỉ USD là từ báo chí. Từ những thông tin đó, với kinh nghiệm nhiều năm làm công việc thu hút đầu tư, thẩm định dự án, tôi xếp dự án trên vào loại không nên xem xét, vì nó không đủ căn cứ để đưa ra cân nhắc. Dự án này mang tính hoang tưởng. Tôi cho rằng nhà đầu tư có nộp cho Thủ tướng thì chắc chắc Văn phòng người ta cũng chỉ để đó chứ không ai xem xét, nó thiếu căn cứ và xa vời với cuộc sống. Tôi đề nghị với dự án này, chúng ta không nên hỏi nhiều vì mất công và mất uy tín của đất nước.
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
-
Ông Trần Xuân Giá - Ảnh: X.Toàn |
Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, riêng việc lựa chọn địa điểm cũng mất đến 7 năm. Ai cũng vậy thôi, khi muốn đầu tư người ta phải tìm hiểu, phải biết rõ chính sách của nước mà mình lựa chọn đầu tư. Tôi có cảm giác nhà đầu tư này chưa hiểu về chính sách của ta. Nếu đã tìm hiểu, chắc họ thừa hiểu rằng một dự án 30 tỉ USD thì không phải làm việc với địa phương mà phải làm với các cơ quan trung ương. Dự án 30 tỉ USD là phải trình ra Quốc hội xem xét để xin chủ trương đầu tư.
Thủ tướng phải là người trình ra Quốc hội. Kể cả việc công bố danh sách 14 nhà đầu tư tham gia dự án, chủ đầu tư cũng chưa hiểu về họ. Ngân hàng Thế giới chỉ cam kết bảo lãnh cho Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.2 70 triệu USD cũng phải mất khá nhiều thời gian. Thêm nữa, những tập đoàn lớn không bao giờ làm như ông Chủ tịch Eminence. Chủ tịch của họ không bao giờ xuất hiện khi chưa đâu vào đâu. Intel khi được cấp phép thì người đứng đầu đến Việt Nam.
* Ông đã gặp trường hợp nào nhà đầu tư vào đăng ký lập dự án, giành đất rồi bán chưa?
- Tôi cũng đã gặp phải trường hợp này. Họ bỏ tiền ra thuê các nhà nghiên cứu có uy tín để làm nhưng họ không phải là nhà đầu tư có chuyên môn về lĩnh vực đó, rồi lại bán dự án cho người khác. Năm 1992-1993 có một dự án về du lịch khoảng 200 triệu USD, lúc đó 200 triệu USD là khá lớn. Họ cũng làm nhưng sau đó không tập hợp được, không bán được, họ cũng bỏ luôn. Tôi có cảm giác nhà đầu tư này (Eminence - PV) cũng không thuộc nhóm này, mà còn kém hơn rất nhiều.
Với những gì mà báo chí đưa tin thì dự án đó không phải do những người có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn cao trong lĩnh vực gang, thép đưa ra mà chỉ là phóng ra một cách vu vơ. Ví dụ như làm một tổ hợp luyện kim thì phải nói rõ là lấy nguyên liệu ở đâu, sử dụng công nghệ gì chứ sử dụng công nghệ lò cao thì đã quá lạc hậu rồi, hiện nay người ta không làm.
* Các dự án kiểu như của Eminence có ảnh hưởng tiêu cực gì?
- Chắc chắn là có ảnh hưởng rồi. Phải mất thời gian để xem xét một dự án mà không khả thi. Ảnh hưởng lớn nhất là các nhà đầu tư khác thấy có người vào rồi thì họ không tham gia nữa. Cần thấy rằng, ta rất cần có các dự án đầu tư, kể cả trong và ngoài nước nhưng khi xem xét các nhà đầu tư thì phải hết sức cẩn thận trước khi tổ chức các cuộc gặp, trước khi giới thiệu rộng rãi. Hiện tại, chúng ta không còn phải đi đường vòng như nhiều năm trước nữa mà có thể trực tiếp kiểm tra.
Có rất nhiều điều đáng ngờ
Từ chối bình luận về dự án đầu tư vào Nghi Sơn của Tập đoàn Eminence trong mấy ngày trước vì lý do chưa nắm rõ thông tin, nhưng hôm qua 23.5, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn.
* Qua những thông tin mà ông nắm được, ông có cho rằng Eminence đủ năng lực thực hiện một dự án có quy mô như vậy không ?
Ông Nguyễn Tiến Nghi |
Ngay như POSCO là tập đoàn lớn về thép thứ 3, thứ 4 của thế giới, có tiềm năng tài chính, công nghệ rất lớn mà đầu tư một dự án 12 tỉ USD tại Ấn Độ còn trầy vẩy, đến nay chưa xong. Đại diện của POSCO cũng có gọi điện nói chuyện với tôi và họ rất ngạc nhiên. Cũng có một số tập đoàn thép khác gọi điện hỏi chúng tôi và nói là không hề thấy tên tuổi của Eminence trong ngành thép.
* Ông có thể nói gì về công nghệ mà Eminence dự kiến áp dụng tại dự án này?
- Theo như họ nói, giai đoạn 1 họ đầu tư 4 lò cao, mỗi lò 550m3 bằng thiết bị của Trung Quốc. Tôi biết là hiện nay, Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép đầu tư, xây dựng mới các nhà máy luyện thép có quy mô lò luyện 1.000m3 trở lên vì dưới 1.000m3 là loại nhà máy công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Một loại công nghệ mà Trung Quốc còn cấm mà lại đẩy sang ta để làm? Cho nên nếu họ có thể làm được thật thì chúng tôi cũng phải có ý kiến. Còn họ nói giai đoạn 4 sẽ làm lò 3.500m3 nhưng cũng rất xa vời, mờ mịt. Về nguyên liệu, họ nói có hơn 1 tỉ tấn quặng trên thế giới, cái này rất khó tin với một tập đoàn mới được thành lập. Hay như họ nói có 2 tỉ tấn than mỡ, lấy đâu ra? Điều khó hiểu nữa là để đầu tư một dự án có quy mô như thế này cần có một cầu cảng rất lớn.
Tôi biết là cầu cảng Nghi Sơn hiện chỉ có thể cho tàu 3 vạn tấn ra vào nhưng một công trình vốn lớn thế này phải có cảng chứa tàu 10-20 vạn tấn. Đây là dự án có rất nhiều điều đáng ngờâ. Chúng tôi sẽ tham khảo thêm thông tin từ Hiệp hội thép Đông Nam Á và các Tập đoàn thép lớn của Đông Nam Á về Eminence.
Xuân Toàn - Mạnh Quân
(thực hiện)
Bình luận (0)