- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Khi thị trường có biến động, giá thế giới tăng cao trong một thời gian nhất định, mươi mười lăm ngày gì đó và xu hướng đã rõ, thì DN tự quyết định việc điều chỉnh giá. Đó là quyền của họ. Tuy nhiên họ phải gửi đăng ký giá lên cho Tổ giám sát và Vụ Chính sách thị trường, Bộ Thương mại. Sau 2 ngày thì DN được bán theo giá đã đăng ký. Nhưng nếu thấy giá đăng ký bất hợp lý thì tổ sẽ họp các thành viên với nhau rồi báo cáo lãnh đạo 2 bộ có ý kiến yêu cầu DN phải tính toán lại giá bán cho hợp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thông báo lại cho DN trước thời điểm DN dự kiến điều chỉnh giá 1 ngày. Có thể tổ gợi ý một mức giá nào đó để DN tham khảo. Còn bình thường, tổ không cần ra thông báo là đồng ý hay không đồng ý nếu thấy giá DN điều chỉnh là hợp lý.
* Ông đánh giá thế nào về kết quả bước đầu của việc DN tự điều chỉnh giá theo Nghị định 55/2007/NĐ-CP?
- Khi nghị định trên có hiệu lực vào ngày 1.5, các DN cũng đã cân nhắc, không điều chỉnh giá ngay vì vào lúc đó là ngày nghỉ lễ, cho dù trước đó đã lỗ hàng tháng, để tránh ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Mức giá cũng được xử lý ở mức độ nhất định, với giá này, các DN vẫn lỗ. Các DN cũng đã thực hiện đúng yêu cầu là đăng ký để liên bộ giám sát.
* Đến nay, đã có DN nào đăng ký lại mức giá mới để không phải chịu lỗ không?
- Vẫn chưa thấy. Các DN kinh doanh theo chu kỳ, lấy lãi bù lỗ. Vì mặt hàng này tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nên là các DN nhà nước, để điều hòa thị trường họ cũng phải có vai trò nhất định. Chứ cứ như thị trường thế giới, giá dầu tăng liên tục rồi giá trong nước cũng liên tục tăng theo cũng không được.
* Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, rất ngạc nhiên là như thị trường Mỹ, giá xăng họ bán cũng chỉ xấp xỉ như ở Việt Nam và các DN kinh doanh xăng dầu của Mỹ phải áp dụng các điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt hơn rất nhiều ở ta, đầu tư rất nhiều nhưng họ luôn có lãi trong khi ở ta các DN luôn kêu lỗ?
- Tôi không nghĩ là giá xăng ở Mỹ lại thấp hay bằng mức giá ở Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ là ở các nước như Mỹ hay Nhật... các DN đã tiếp cận phương thức kinh doanh hiện đại, hạn chế được các rủi ro về giá thông qua các hợp đồng kỳ hạn, tương lai... không như DN của mình chỉ thuần đi vào các hợp đồng giao ngay. Thế nên hôm nay họ có hợp đồng giao hàng vào các tháng sau thì họ có thể chốt được giá ngay từ bây giờ và điều chỉnh được các mức giá bán. Các DN của họ thường rất lớn, không bị đứt đoạn về nguồn cung nên họ chủ động được về giá bán. DN Việt Nam tới đây rồi cũng phải theo xu hướng đó.
Mạnh Quân
Bình luận (0)