Theo thông tin chúng tôi nắm được, kết quả kiểm nghiệm mới nhất về hàm lượng chất 3-MCPD có trong nước tương của các cơ sở sản xuất nước tương trên cả nước cho thấy: trong số 213 mẫu nước tương được gửi về kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) từ tháng 1.2006 đến ngày 30.4.2007, thì có đến 69 mẫu "dính" hàm lượng chất 3-MCPD vượt mức cho phép (1mg/kg - theo tiêu chuẩn của Việt Nam)!
Mức vượt thấp nhất là 1,40 mg/kg và mức vượt cao nhất lên đến 3.029 mg/kg (nghĩa là vượt gấp hơn 3 ngàn lần so với mức cho phép!). Đáng chú ý hơn, một đề tài nghiên cứu, khảo sát của một thạc sĩ của Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) còn cho thấy sự hiện diện của chất 3-MCPD trong nước tương còn ghê gớm hơn nữa. Qua khảo sát nước tương của 41 cơ sở trên địa bàn TP.HCM thì có tới 33 mẫu nước tương có chất 3-MCPD vượt mức quy định từ 2 mg/kg - 55.000 mg/kg! trong số 8 mẫu còn lại đạt yêu cầu, chỉ có 2 mẫu nước tương của cơ sở trong nước (1 của tư nhân và 1 của liên doanh với nước ngoài), 6 mẫu còn lại thuộc về nước tương nhập khẩu!
Kiểm nghiệm nước tương tại Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP.HCM) - ảnh: Thanh Tùng |
Thực ra, không phải chất 3-MCPD được nói đến khi nước tương Chinsu bị nước ngoài phát hiện có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép vào tháng 7.2005, mà vào năm 2001 trong nước đã có cuộc thảo luận về loại chất này. Lẽ ra, từ đó cho đến nay đã 7 năm trôi qua, các nhà sản xuất phải ý thức được sự tác hại đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng khi hằng ngày phải dùng nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt mức quy định nhiều lần, tự biết mình cần phải thay đổi quy trình sản xuất, thì đến nay tình hình vẫn vậy! Thậm chí có loại nước tương, hàm lượng chất 3-MCPD năm sau còn cao hơn năm trước nhiều lần! Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai cho rằng: "Đây là sự tham lam của các cơ sở, tham lam hơn khi họ dùng HCl dạng công nghiệp chứ không phải HCl dùng trong thực phẩm, điều đó càng độc hại hơn cho người sử dụng, bởi HCl dạng công nghiệp có nhiều tạp chất!".
Tác hại của chất 3-MCPD 3-MCPD là một dạng ô nhiễm của acid thủy phân protein thực vật có vị mặn, được sinh ra trong quá trình thủy phân các protein thực vật (như đậu tương) bằng HCl. Theo tư liệu mà Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cập nhật được từ các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy: thí nghiệm về tính độc hại của 3-MCPD bằng cách cho chuột cống uống 3-MCPD liên tục với liều 1 mg/kg thể trọng/ngày thì thấy tinh trùng giảm khả năng hoạt động và giảm khả năng sinh sản của chuột đực. Với liều từ 10 mg - 20 mg/kg thể trọng/ngày hoặc cao hơn sẽ gây tổn thương tinh hoàn chuột đực, biến đổi hình dạng tinh trùng, giảm khả năng sinh sản của con đực ở động vật có vú khác. Với liều 25 mg hoặc cao hơn liên quan đến tổn thương thần kinh trung ương. Với liều 30 mg/kg kéo dài trong 4 tuần sẽ làm tăng trọng lượng thận của chuột. Còn nghiên cứu tính gây độc và gây ung thư dài ngày trên chuột cống cho thấy, với liều 19 mg/kg thể trọng/ngày của chất 1,3 DCP (được hình thành từ 3-MCPD) đã gây khối u thận, gan, biểu mô miệng, lưỡi, tuyến giáp và biểu hiện ung thư do biến đổi gen... |
Bên cạnh việc nhiều cơ sở không đặt lợi ích sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, thì cơ quan quản lý cũng vậy. Lẽ ra cơ quan chức năng phải sớm công bố rộng rãi thông tin về những sản phẩm không đạt chuẩn, để người tiêu dùng biết mà tránh, thì lại giấu giếm kết quả kiểm tra! Cụ thể, trong quý 3 năm 2005, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 30 cơ sở sản xuất nước tương, thì có đến 20 cơ sở có nước tương chứa hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép, vậy mà không ai biết!
Chính vì cơ quan chức năng không công bố rộng rãi thông tin, điều đó đã tạo sự "lờn mặt" cho các cơ sở sản xuất, nên nhiều cơ sở vẫn không cải thiện, tiếp tục vi phạm. Chỉ tội nghiệp người tiêu dùng "lãnh" lấy hậu quả lâu dài! Hôm qua, khi đọc thông tin về nước tương trên Báo Thanh Niên, chị P. (ngụ ở Q.4, TP.HCM) đã gọi điện cho chúng tôi tỏ ra lo lắng: "Nhà sản xuất và cơ quan chức năng phải có biện pháp thế nào, chứ để tình trạng nước tương thế này, thì người tiêu dùng chúng tôi rất lo lắng khi phải sử dụng mỗi ngày...!".
Bộ Y tế: Chậm trễ công bố là do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM
Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tương đã được Sở Y tế TP.HCM thực hiện từ cuối năm 2006 và mẫu cuối cùng thực hiện vào ngày 2.3.2007. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 3.2007, Bộ Y tế đã nhận được thông tin "cơ quan kiểm nghiệm và Thanh tra Sở Y tế từ chối cung cấp có bao nhiêu cơ sở sản xuất nước tương bị phát hiện hàm lượng chất 3-MCPD cao quá mức cho phép".
Vì vậy, ngày 26.3, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề nghị: "Để kịp thời đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của Bộ Y tế đối với các cơ sở sản xuất nước tương tại TP.HCM cũng như thông tin cần thiết để trả lời báo chí và lãnh đạo Bộ Y tế, đề nghị đồng chí Chánh thanh tra Sở Y tế báo cáo cụ thể về Thanh tra Bộ kết quả thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất nước tương trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua". Cũng trong văn bản này, Thanh tra Bộ nêu rõ: "Đối với việc công bố các cơ sở vi phạm hành chính đã bị xử lý theo quy định hiện hành cho cơ quan báo chí, đề nghị Thanh tra Sở Y tế báo cáo với lãnh đạo Sở trước khi cung cấp thông tin. Thanh tra Bộ xin lưu ý: nếu hết thời hạn khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật kể từ ngày ban hành quyết định thì Thanh tra Sở có trách nhiệm phải cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí yêu cầu". Tuy nhiên, Thanh tra Bộå cho biết: phải đến hơn một tháng sau, đầu tháng 5 vừa rồi mới nhận được báo cáo kết quả thanh tra các cơ sở sản xuất nước tương tàu vị yểu của Thanh tra Sở Y tế (văn bản ngày 7.5.2007). Trả lời câu hỏi về chất lượng của nước tương Chinsu (Công ty Vitec food), Thanh tra Bộ Y tế cho biết: thời điểm 2005, kiểm tra lần một, công ty này vi phạm và đã xử phạt, lần hai tái kiểm tra đã đạt tiêu chuẩn. Trong năm 2006, công ty này đã liên tục chủ động lấy mẫu xét nghiệm theo lô, báo cáo kết quả, có thay đổi dây chuyền công nghệ mới và đã đạt tiêu chuẩn cho phép. Một chuyên gia cho rằng: việc kiểm tra nhắc nhở các công ty có sản phẩm chưa đạt chuẩn là rất cần thiết và cần công khai sản phẩm không đạt để người tiêu dùng lựa chọn. Đồng thời, khi doanh nghiệp có khắc phục cũng cần thông tin công khai. Chỉ khi thông tin đầy đủ, chính xác thì người tiêu dùng mới có cơ hội được sử dụng sản phẩm an toàn. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các địa phương hoàn toàn có quyền chủ động về thông tin kết quả thanh kiểm tra. Vừa qua, Hà Nội cũng đã rất chủ động trong việc công bố lịch kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để báo chí tham gia trực tiếp. Với các sản phẩm nước tương đã phát hiện không đạt tiêu chuẩn, cần thu hồi và cấm lưu hành. Các cơ sở có sản phẩm này cần phải thay đổi quy trình sản xuất, sản phẩm chỉ được phép lưu hành trở lại khi đã đạt tiêu chuẩn cho phép. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường lấy mẫu bất kỳ, ngẫu nhiên để xét nghiệm và còn phải kiểm tra điều kiện vệ sinh nhà xưởng... Liên Châu |
Thanh Tùng
Bình luận (0)