Chợ tình Khau Vai

25/05/2007 21:57 GMT+7

Hằng năm, cứ đến ngày 27.3 âm lịch, có những gia đình người Mông, Dao, Tày, Nùng đến chợ Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) để vợ tìm lại người yêu cũ, chồng ngồi trò chuyện với bạn tình xưa, những đứa con tìm cho mình tình yêu mới… Đến nơi đây, mọi sự ghen tuông thường tình không hiện hữu, nó theo gió bay lên những đỉnh núi tai mèo cheo leo.

"Vợ tao đi với người yêu của nó rồi"

5 giờ chiều, sau hơn 6 tiếng vượt quãng đường 150 km từ Hà Giang vào Mèo Vạc, lại thêm 24 km đèo dốc rợn người từ Mèo Vạc vào Khau Vai, xe bò tới một miệng vực hun hút. Từ xa nhìn xuống, triền dốc thoai thoải như tấm lưng dài của sơn nữ nằm nghiêng bên triền thung lũng. Tấm lưng mảnh mai cong cong gợn lên giữa vùng núi bạt ngàn nâng một dải chợ dài gần 1 km, rộng vài chục mét. Xe phải dừng cách chợ 2 km, chúng tôi băng rừng, đi dưới những tán cây to theo đường tắt tới Khau Vai huyền thoại.


Hát bên núi

Đi quanh chợ, một cảm giác thất vọng choán lấy chúng tôi bởi cái sự xô bồ của một phiên chợ hàng hóa. Ở Khau Vai, người ta bán đủ thứ, từ kem mút 500 đồng/đôi cho đến những chiếc áo thổ cẩm Trung Quốc 50.000 đồng/cái. Tiếng hát dân ca Mông, dân ca Tày, Nùng vẫn còn đấy nhưng không phải từ miệng các chàng trai cô gái mà từ những chiếc cassette chạy pin giá 150.000 đồng/chiếc của Trung Quốc, quần áo của cư dân tại đây đa phần cũng được may bằng vải Trung Quốc xanh đỏ chứ ít thấy những tấm thổ cẩm vốn là niềm tự hào của các cô gái vùng cao.

Đồng hồ chỉ 22 giờ, chúng tôi định kiếm chỗ ngủ để sáng mai trở về sớm. Chợt, đâu đó văng vẳng tiếng khèn, tiếng hát. Tôi cố lọc xem đó có phải từ chiếc cassette không? Nhưng không, đó là tiếng khèn, lại cả tiếng hát vọng lên từ một khe đá.

Lần theo thứ âm thanh đó, chúng tôi bước vào bãi đất trống ven triền núi đá dựng đứng. Từng đôi, từng đôi trai gái đang hát, thổi khèn và uống rượu trên một manh chiếu nhỏ giữa không gian rợn ngợp của núi, xa xa những chiếc xe chạy trên đỉnh đồi như những vì sao trên trời. Tiếng hát dân ca Mông cất lên với giai điệu buồn da diết thương nhớ...


Vợ chồng Vừ Thị Cở

Trong ánh nến bập bùng, chúng tôi bị hút hồn bởi một cô gái Mông xúng xính trong bộ quần áo viền đỏ, viền vàng rực rỡ. Cô gái quá đẹp với đôi mắt to, tròn, đen láy. Khuôn mặt được đánh phấn rất mịn không thua thiếu nữ Hà thành dùng loại mỹ phẩm đắt tiền. Cô tên là Vừ Thị Cở, 25 tuổi, ở Phố Cáo, Đồng Văn. Ngồi bên Cở là chồng cô, Sùng Đại Hùng, 20 tuổi, học lớp 11, đang bế đứa con mới được hơn 10 tháng. Giờ Cở làm cán bộ phụ nữ tại quê chồng, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc). Cở tâm tình: "Hôm nay mình đi hát cùng với các bạn trong đội văn nghệ, hát giao duyên, đối đáp với các đội văn nghệ xã khác chứ không phải hát tìm lại người yêu". Một chị phụ nữ trong đội văn nghệ ngồi bên thật thà nói: "Mỗi xã mang đến một đội văn nghệ hát đối đáp với các xã khác. Chúng mình ngồi đây tiếp rượu cho họ hát được lâu hơn".

Ở một góc khác, một người đàn ông Lô Lô tên Lò A Chải, ở tận Xín Cái vừa ực một ngụm rượu và đang đứng hát cùng một người con gái. Họ không phải trong đội văn nghệ của xã nào, mà cái duyên được gặp lại nhau thì hát. Chải nói tiếng Kinh lơ lớ: "Đến chợ vui lắm à, tao ăn thắng cố no rồi, uống rượu say rồi. Giờ tao hát với người tao yêu ngày xưa". Vợ anh đâu rồi, tôi hỏi. Chải chỉ ra rừng: "Nó đi với người yêu nó rồi, còn cả con tao cũng đi với bạn nó ở ngoài đồi Khau Vai cơ".

Ngày thường, người đàn ông Mông có thể cầm dao chém vợ vì ghen, nhưng trong ngày này, cả hai vợ chồng đều có thể đi tìm lại những mối tình xưa. Sự ghen tuông đã hóa thành gió bay lên đỉnh núi. 

Giữa dòng người đông nghịt, chị Vàng Thị Hỏa, cán bộ văn hóa xã Tả Lủng, Mèo Vạc đi từng đám hát để tìm những người hát tốt đưa vào đội văn nghệ xã mình. Chị kể: "Ngày xưa các cụ bảo đến chợ là các chàng trai đứng dưới sàn thổi khèn, hát đối mời các cô gái mở cửa cho lên sàn cùng hát, rồi ai ưng nhau thì ra rừng hát đôi. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, chợ đông khách du lịch, khách du lịch trọ hết các nhà trong chợ nên các đôi trai gái thường tụ nhau ở các bãi trống hoặc đưa nhau ra rừng hát đối đáp, giao duyên".

Đêm tình yêu trên đồi

Sự tích Khau Vai

Chợ Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu, có từ gần 100 năm nay. Sự tích chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc. Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ, chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27.3, người dân trong vùng lấy ngày đó làm ngày họp chợ.

Rời đám hát người Mông, trong không khí trong lành của núi, chúng tôi vui mừng vì đã tìm thấy được một chút cái không khí Khau Vai. Vòng ra phía miếu Ông, miếu Bà trên đồi Khau Vai, một cảnh tượng ngoài mong đợi hiện ra. Hàng chục nhóm hát, hàng trăm đôi hát đang cất giọng ở từng gốc cây, vách đá. Tiếng ồn ào của chợ đã thay vào đó là cả không gian réo rắt tiếng ca, tiếng nhạc của người Tày, người  Mông, người Giáy...

Ở ngay góc miếu Ông là các đôi nam nữ của xã Sơn Vỹ và xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc. Chị Lù Thị Dâu, Chủ tịch xã Sơn Vỹ người to, chắc đậm vẫn cất tiếng hát thanh như gió núi. Chị người dân tộc Tày, 38 tuổi, đi hát từ năm 16, hầu như năm nào chị cũng đến Khau Vai. Chị Dâu dịch cho tôi nghe những câu hát theo làn điệu hát cọi, hát iếu của người Tày.

Người con trai hát buồn: "Trước đây ta đã thề với nhau/ Giữa chợ tình Khau Vai/Nay em lại để quả Pao rơi xuống đất/Xin hỏi gió người yêu của ta đâu?".

Người con gái đáp lại: "Em cũng buồn lắm anh ơi/Cũng tại cha mẹ ép duyên/Nên em đi ở nhà người/Tháng ba ngày chợ hẹn anh em lại về".

Người con trai: "Xin em đừng đau khổ/Không làm rẫy sẽ làm ruộng/Không thành vợ sẽ thành người yêu"...

Theo tiếng hát, chúng tôi sang miếu Bà cách miếu Ông một khe núi, nơi những cặp trai gái người Giáy ở xã Tắc Ngà đang hát. Anh Lù Văn Chổm, Chánh văn phòng UBND xã Tắc Ngà đang say sưa những làn điệu hát sli, hát lượn. Dừng giây lát, anh bồi hồi kể: "6 năm trước, tôi lấy được vợ cũng nhờ cất tiếng hát ở đây. Năm nào chúng tôi cũng về Khau Vai để hát với nhau hoặc hát với người mà mình từng thương ngày trước".

Anh Chổm dịch cho tôi nghe lời ca của người đàn ông Giáy: "Em như người trong gương, nhìn thấy đấy sờ sao chẳng thấy. Gần lắm lắm mà cách vời làm vậy". Rồi người con gái đáp: "Mong vợ anh thương anh/lửa tình nồng ấm mãi/như chim gù chim gáy/như bướm vờn hoa say". Rồi cả những câu ca của chàng trai cô gái đang ngập tràn hạnh phúc: "Nếu em là hoa anh nguyện thành ngọn gió/Để hương em lan tỏa trong gió anh/Và như thế ai bảo là hai nhỉ/Ai tách nổi hương em trong gió đời anh"...

Chợ tình cứ thế hòa vào màn đêm, đến 4 giờ sáng tiếng hát vẫn chưa dứt. Trời tảng sáng, từng đôi từng đôi già có, trẻ có, trung niên có vẫn đang bịn rịn với những lời chia tay lưu luyến. Trong những cuộc gặp gỡ tự do ấy, người đàn ông vẫn uống rượu và hát, người đàn bà cũng uống rượu, cũng hát mặc cho những ánh đèn flash lóe lên liên hồi, mặc cho những tiếng nhạc vẫn đang xập xình ở một quầy vui chơi có thưởng...

Phóng sự của Káp Thành Long - Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.