Gặp Nick Út, tác giả bức ảnh gây chấn động thế giới

25/05/2007 22:30 GMT+7

Trong vòng 10 năm, tôi đã gặp Nick Út được 3 lần. Nhưng chỉ hôm qua (25.5.2007) tôi mới thực hiện được cuộc trò chuyện cùng anh. Câu chuyện trở về một buổi chiều của đúng 35 năm trước, 1972, ở vùng chiến sự Trảng Bàng (Tây Ninh), phóng viên Huỳnh Công Út của Hãng thông tấn AP, đã chụp được một tấm ảnh gây chấn động thế giới... Với bức ảnh này, tên tuổi của Nick Út ngay lập tức nổi như cồn bởi bức ảnh được trao đến 8 giải thưởng uy tín nhất của giới truyền thông quốc tế...

Huỳnh Công Út sinh năm 1948 tại Bình Quới (Long An), khi lên 10 tuổi Út lên Sài Gòn ở với người anh ruột lúc đó đã khá nổi tiếng là Huỳnh Thanh Mỹ. Anh Mỹ lúc đó là thợ chụp hình, quay phim và có mặt trong vài bộ phim của hãng Alpha. Chính người anh này đã hướng dẫn cho Út những hiểu biết căn bản về chụp ảnh.

Rồi Huỳnh Thanh Mỹ trở thành phóng viên cho Hãng thông tấn AP (Mỹ). Nick Út kể về người anh của mình: "Sau mỗi lần đi chụp ảnh ở chiến trường về, anh ấy thường kể cho cả nhà nghe về những ray rứt, dằn vặt: "Tại sao người ta lại có thể xả súng bắn những người không hề có vũ khí trong tay?". Năm 1965, một hôm chúng tôi đang ngồi đánh bài xì dách giải khuây, bà chị dâu tôi (vợ anh Mỹ) rút được con Ách bích đen sì, bả la lên: "Xui quá Út  ơi !". Vừa dứt lời thì thấy anh Lê Ngọc Cung (đồng nghiệp với anh Mỹ) chạy vào, vừa khóc vừa báo tin: "Anh Mỹ mất rồi !". Đám ma anh Mỹ phải nói là có đông nhất cánh phóng viên quốc tế đưa tang.

* Lúc anh Huỳnh Thanh Mỹ mất, anh Út chưa từng là phóng viên? Và tại sao anh lại dấn thân vào công việc quá ư nguy hiểm như anh ruột của mình đã từng gặp phải?

- Anh Mỹ mất lúc tôi mới 17 tuổi, cái tuổi sắp phải vô lính. Tôi lại quen với những đồng nghiệp của anh mình ở AP nên xin đại. Họ nhận vô, nhưng bảo "Mày còn nhỏ quá, chụp ảnh cũng chưa rành, anh mày lại vừa mới chết. Thôi, cho mày làm buồng tối". Được cái tôi cũng sáng dạ nên nắm bắt kỹ thuật tráng rửa rất nhanh. Rửa ảnh riết, tôi quen với kiểu chụp ảnh của người Mỹ và tôi sắm một máy Canon đi tập chụp.

Đầu tiên là những người mẫu, rồi đến những em bé đánh giày trên đường phố. Bức ảnh những em bé đánh giày được in lên bìa một tạp chí ngoại quốc làm tôi thêm tự tin. AP nhận xét "Út chụp càng ngày càng khá" và họ đặt tôi chụp những vụ tự thiêu phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền trên đường phố Sài Gòn. Tôi hoàn thành nhiệm vụ và kể từ tết Mậu Thân họ cử tôi đến những nơi xảy ra chiến sự nóng bỏng nhất, kể cả Campuchia. Nếu sợ nguy hiểm mình sẽ không có được những bức ảnh giá trị.

* Trở lại bức ảnh chụp bé Kim Phúc bị bom Napalm...

- Vâng, đó là buổi chiều ngày 8.6.1972 tại Trảng Bàng (Tây Ninh). Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến tôi rùng mình. Sau khi tôi giơ máy ảnh lên chụp xong,  thì đã thấy mọi người ùa chạy về phía bà ngoại của Kim Phúc với đứa trẻ như hấp hối trên tay bà, phía sau cũng có một người đàn ông ôm xác một đứa bé như thế. Riêng tôi, nghe tiếng thét như xé lòng của Kim Phúc với người anh của mình: "Nóng! Nóng quá anh ơi ! Em khát nước, em chết mất!", tôi đã đưa máy ảnh về phía cô bé... Sau khi chụp hình, chính tôi đưa Kim Phúc vào bệnh viện Củ Chi.

Bức ảnh chụp Kim Phúc (mang tên Napalm girl) được trao nhiều giải thưởng như giải World Prees Photo 1972 (giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhất châu u - niềm mơ ước của tất cả phóng viên nhiếp ảnh báo chí), giải Pulitzer Prize (giải Hàn lâm báo chí), và các giải Sigma Delta Chi, George Polk Memorial Award (1972), Overseas Prees Club, National Prees Club, The Lucie Award, Associated Prees Managin Editors... Đặc biệt đứng thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Bé cứ ôm lấy tôi kêu khóc "Nóng quá! chắc cháu chết mất chú ơi!". Tôi chỉ biết an ủi cháu. Khi trở ra, tôi chắp tay vái hương hồn anh Mỹ "Anh Bảy ơi ! Hãy phù hộ cho em được một tấm hình nổi tiếng". "Bảy" là tên gọi ở nhà của anh tôi. Kỳ lạ thay khi rửa cuộn phim thì ngay dưới "pô" ảnh chụp Kim Phúc hiện lên con số 7 rất rõ (ảnh). 8 cuộn phim của tôi chụp hôm đó được chuyển về trụ sở AP tại Sài Gòn. Khi tráng ảnh, nhân viên phòng tối (người Nhật) bật thốt: "Ô, cô bé này ở truồng!". Một đồng nghiệp người Mỹ xem xong rồi phán: "Tấm hình cô bé trần truồng này phải bỏ ngay, không xài được đâu!". Rất may, lúc đó Horst Faas - Trưởng đại diện AP tại Sài Gòn bước vào. Ông gọi tôi tới hỏi cặn kẽ rồi ra lệnh: "Gởi ngay tấm ảnh về Tổng hành dinh trong vòng năm phút! Đây là chiến tranh chứ không phải khiêu dâm!". Chỉ một tiếng đồng hồ sau, điện thoại từ New York gọi sang Sài Gòn - cú điện thoại "đổi đời" một phóng viên chiến trường còn rất trẻ: "Út ơi, mày nổi tiếng trên khắp thế giới rồi!", "Út ơi, mày là number one!".

* Sau đó anh có gặp lại Kim Phúc không?

 - Như định mệnh: hễ nói tới Kim Phúc là nhớ tới Nick Út và ngược lại. Tôi vào bệnh viện thăm em thường xuyên rồi chụp hình khi em trở lại nhà. Trảng Bàng ngày xưa là một nơi luôn xảy ra chiến sự. Một năm sau (1973) tôi trở lại thăm gia đình Kim Phúc nhưng suýt mất mạng vì đạn cối, tôi bị thương ở hông. Sau này, khi em ở Cuba cũng luôn viết thư cho tôi. Em khoe đã gặp được Toàn, một người yêu thương em thật sự. Đến năm 1992 thì hai em kết hôn. Tôi chia sẻ hạnh phúc khi họ có đứa con trai đầu lòng. Hiện nay gia đình Kim Phúc đang sống ở Toronto (Canada) và vẫn thường xuyên liên lạc với tôi.  

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.