Đứt cáp quang biển vì nhầm cáp "xịn" với cáp phế liệu ?

29/05/2007 23:34 GMT+7

Trong những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về vụ cắt trộm cáp quang biển tại vùng biển Cà Mau. Sự cố này đã đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống thông tin liên lạc của quốc gia.

Tháng 8.2006, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn cho phép Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với ông Nguyễn Văn Hòa (một cá nhân) tổ chức thu gom cáp phế liệu trên biển tại các tọa độ đã xác định trước. Tuyến cáp phế liệu này được kéo trước năm 1975 và là tuyến cáp của chính quyền cũ. Sau khi được UBND tỉnh cho phép, ông Hòa cùng một số người khác huy động tàu bè tổ chức khai thác cáp phế liệu dưới biển.  

Sau việc khai thác cáp phế liệu trên biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều ngư dân tại các tỉnh khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... cũng tự động tiến hành khai thác cáp trên biển để mang vào bờ bán phế liệu. Tháng 3.2007, sau hàng loạt vụ khai thác cáp phế liệu trên biển, một tuyến cáp quang biển đang hoạt động (TVH) cũng bị "khai thác", làm đứt một trong 2 tuyến cáp quang biển quan trọng của Việt Nam (tuyến còn lại là SMW3). Hai tuyến cáp quang biển này truyền tải tới 83% dung lượng thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới. 

Sau sự cố "khai thác nhầm" cáp quang "xịn" xảy ra, tháng 4.2007, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra văn bản nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, thu gom trái phép cáp ngầm viễn thông dưới biển dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, tại một số tỉnh khác, tàu của ngư dân vẫn tiếp tục khai thác cáp biển với số lượng lên tới hàng chục tấn.

Một quan chức thuộc Vụ Viễn thông (Bộ BCVT) cho biết, trên địa phận biển, có rất nhiều tuyến cáp (có cả cáp không được sử dụng của chế độ cũ); nhưng đối với ngư dân, khi móc cáp quang lên, họ cũng khó phân biệt được loại cáp nào với cáp nào. Vì vậy, không thể cho phép khai thác phế liệu đối với các loại tài sản quốc gia quan trọng như cáp quang biển.

Ông Lâm Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty viễn thông quốc tế (VTI),  đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý 2 tuyến cáp quang trên biển Việt Nam cho biết: "Trong số cáp khai thác trái phép đã bị bắt, chúng tôi chưa phát hiện được số cáp (dài 11 km) bị cắt trộm trên tuyến cáp quang biển TVH. Thủ phạm của vụ cắt trộm cáp quang biển TVH chưa được tìm thấy". Theo thông tin từ ông Cường, tổng thiệt hại từ sự cố cắt trộm cáp quang biển TVH vào khoảng 2,6 triệu USD, trong đó VTI phải chịu thiệt hại khoảng 0,65 triệu USD. Ông Cường cho biết: "Thiệt hại về tiền chỉ là chuyện rất nhỏ so với nguy cơ bị cắt trộm nốt tuyến cáp quang còn lại. Trong trường hợp tuyến cáp quang biển SMW3 bị cắt trộm, khoảng hơn 80% khả năng thông tin liên lạc từ Việt Nam ra thế giới sẽ bị gián đoạn hoàn toàn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với tình hình hiện nay do tuyến cáp quang biển SMW3 trải dài cả nghìn km trên biển và không có một lực lượng nào bảo vệ".

Ông Cường cho biết thêm, khoảng 10 ngày nữa, tàu cáp chuyên dụng để sửa chữa tuyến cáp này sẽ vào Việt Nam để khắc phục sự cố. Kể từ thời điểm tàu cáp này hoàn tất các thủ tục vào bờ biển Việt Nam phải mất khoảng 88 ngày, sự cố cắt trộm 11 km cáp quang biển tuyến TVH mới được khắc phục.

Thanh Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.