Từ chuyện "đứt cáp quang biển"

31/05/2007 00:17 GMT+7

Bây giờ thì đã bước đầu có thông tin về lý do tuyến cáp quang biển TVH bị "khai thác". Không phải theo kiểu khai thác của công nghệ thông tin, mà theo kiểu giản đơn là "cắt" để bán phế liệu.

Chính từ cái công văn của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tháng 8.2006 cho phép bộ đội biên phòng tỉnh "phối kết hợp" với tư nhân thu gom "cáp phế liệu" - tức đường cáp quang được kéo trước 1975 trên biển - tại các tọa độ "đã xác định trước". Nếu chỉ như thế thì đã không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng vì dân mình đâu có khả năng phân biệt tọa độ nào "đã được xác định trước" và tọa độ nào "chưa được xác định", càng không có khả năng phân biệt tuyến cáp nào là "cáp trước 1975" còn tuyến cáp nào đang hoạt động (tuyến TVH) một khi chúng đều chìm dưới biển. Vả chăng, khi người này khai thác được thì người khác "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào", họ có biết đâu, hoặc có biết cũng mặc kệ, là có thể "khai thác" tuyến cáp nào đã bỏ, và không được phép "khai thác" tuyến cáp nào đang hoạt động, đang là "mạch máu thông tin của quốc gia".

Trong rất nhiều trường hợp, thường khi chỉ từ một quyết định "tham con săn sắt" như thế, tài sản tài nguyên quốc gia đã bị xâm hại nghiêm trọng, dẫn tới những hậu quả khôn lường. Cho tới khi tuyến cáp quang biển TVH bị cắt trộm tới…98 km, thì những cuộc họp giữa Bộ Bưu chính - Viễn thông với các bộ liên quan là Quốc phòng và Công an mới diễn ra. Nhưng đã quá muộn! Theo thông tin từ Công ty VTI, thì ít nhất sau 3 tháng sự cố "cắt cáp quang 98 km" này mới được khắc phục xong.

So với tuyến cáp quang biển SMW-3 được coi là "đại lộ" thông tin vì chiếm tới 80% dung lượng viễn thông, thì tuyến TVH chỉ là "đường cấp 5" nếu xét theo tiêu chuẩn đường bộ, nhưng ai cũng biết, trong nhiều trường hợp thì tới đường mòn hay đường miền núi vẫn gánh đỡ được lượng giao thông cần thiết. Không thể nói vì tuyến TVH chỉ là "đường mòn" so với xa lộ thông tin mà coi nhẹ vai trò của nó. Cũng không thể chỉ còn một giải pháp duy nhất là kêu gọi ý thức công dân bảo vệ tài sản quốc gia ở những người dân đã và đang “khai thác cáp quang".

Đó là việc phải làm thường xuyên trong mọi thời gian, nhưng nếu không có những biện pháp bảo vệ và chế tài hữu hiệu hơn, thì tình trạng "khai thác cáp quang" tệ hại khủng khiếp như thế vẫn sẽ xảy ra. Nói dại, nhỡ tới tuyến cáp SMW-3 cũng bị "khai thác" thì Việt Nam sẽ ngay lập tức lâm vào tình trạng "ốc đảo cô lập" với thế giới.  Với thời hội nhập toàn cầu như bây giờ, thì một sự cố "đứt liên lạc" kiểu đó với thế giới là khó tưởng tượng những nguy cơ sẽ xảy ra.

Tôi nghĩ, trong việc bảo vệ tuyến cáp quang biển như bảo vệ "mạch máu quốc gia" này, Bộ Bưu chính - Viễn thông phải lập tức có tờ trình với chính phủ về những biện pháp bảo vệ và chế tài, phải "khoán bảo vệ" tới từng địa phương có tuyến cáp quang biển này, và phải có những biện pháp bảo vệ cụ thể.

Đương nhiên, phải nâng cao ý thức bảo vệ "tài sản đặc biệt" của quốc gia cho tất cả mọi người dân, nhưng đây là một công việc lâu dài, có quá trình chứ không thể ngay một lúc. Và phải chăng, ý thức bảo vệ ấy phải có ở mức sâu sắc và trước tiên ở chính những "người bảo vệ" hoặc người có trách nhiệm "bảo vệ và khai thác (CNTT)” những tuyến cáp quang biển này. Mọi sự quan liêu vô trách nhiệm trong chuyện này đều có thể dẫn tới thảm họa.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.