Festival nghề truyền thống Huế - 2007: Trưng diễn ba nghề thủ công tuyệt kỹ Việt Nam

02/06/2007 16:47 GMT+7

Từ ngày 8-10.6, tại TP Huế, Festival nghề truyền thống lần thứ 2 - 2007, với chủ đề "320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - bản sắc và phát triển" sẽ diễn ra quy tụ hơn 200 nghệ nhân, bàn tay vàng của 3 nghề truyền thống: Đúc đồng, chạm khắc và kim hoàn từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước. Cùng với những chương trình nghệ thuật, thời trang, triển lãm, hội thảo và lễ hội, Festival nghề truyền thống lần này mang đến công chúng cuộc trưng diễn sinh động những ngón nghề tuyệt kỹ, những kỹ thuật tinh tế, sắc sảo của 3 nghề truyền thống giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Không gian của các hoạt động nghệ thuật được kéo dài dọc bờ nam sông Hương từ Công viên Quốc Học đến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và Công viên 3.2 (bến Tòa Khâm cũ dưới chân cầu Trường Tiền). Khuôn viên trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng cổ kính được chọn là nơi trưng bày, giới thiệu các dụng cụ và chất liệu sản xuất, các công đoạn sản xuất của 3 nghề kim hoàn, đúc đồng và chạm khắc xưa với sự có mặt của hơn 200 nghệ nhân thuộc 13 làng nghề đến từ 9 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lần đầu tiên các nghệ nhân cùng kíp thợ của cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính (Phường Đúc - Huế) sẽ trưng bày và trình diễn những thao tác trong kỹ thuật đúc chuông Huế, với nghệ thuật chỉnh âm đặc sắc; nghệ nhân truyền thống của làng Trà Đông (làng Chè) Thanh Hóa, trình diễn những kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn; các nghệ nhân của làng đúc đồng Ý Yên (Nam Định), nổi tiếng với tác phẩm Chùa đồng, Yên Tửã vừa được thực hiện thành công, sẽ trình diễn những kỹ thuật đúc tượng độc đáo của mình; nghệ nhân lão thành Dương Ngọc Sang cùng nhóm thợ của làng Phước Kiều, Quảng Nam sẽ mang đến festival kỹ thuật đúc và thẩm âm cồng chiêng nổi tiếng; nghệ nhân Nguyễn Quang Kiệt cùng với 20 thợ kim hoàn nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh trình diễn các công đoạn chạm khắc tinh xảo trên vàng, bạc, trang sức; nghệ nhân Nguyễn Hữu Nhơn, Tộc trưởng Tộc kim hoàn Huế cũng đem đến festival tác phẩm chạm bạc nổi tiếng là bức tượng Quán thế âm cao 0,7m và nhiều hiện vật trang sức cổ, hiện đại...

Đặc biệt, các nghệ nhân là truyền nhân làng nghề truyền thống đến từ Đồng Xâm (Thái Bình), Ý Yên (Nam Định), Đồng Kỵ (Ninh Bình), Kim Bồng (Hội An), Phước Kiều (Quảng Nam), Kế Môn, Phường Đúc, Mỹ Xuyên (Thừa Thiên - Huế)... sẽ trình diễn các kỹ thuật chạm khảm độc đáo trên chất liệu gỗ, ngà, đồng, ngọc trai, xà cừ, vàng, bạc...


Poster Festival nghề truyền thống Huế 2007
Ngoài hình thức trình diễn nghề, tại không gian này còn được trưng bày các tuyệt tác còn lưu trữ của Hội Cổ vật Thanh Hoa, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, nhà sưu tập Hoàng Văn Thông (Thanh Hóa), CLB cổ vật Nam Bộ của bà Tú Anh, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn... trong đó có nhiều bảo vật quốc gia như: bộ sưu tập 5 chiếc trống đồng Đông Sơn nguyên bản ký hiệu H1 và H2, bộ sưu tập gương đồng có niên đại từ thế kỷ 1-2, bộ sưu tập trang sức bằng đồng có niên đại khoảng 2.500 năm, bộ sưu tập trà cụ với những ấm trà cổ Lưu Bội, Thế Đức, Mạnh Thần, tòa cửu long (9 rồng), có niên đại cuối Lê đầu Nguyễn...

Festival chuyên đề được tổ chức trong 3 ngày kết hợp một tour du lịch, từ: Lễ khai mạc gắn với chương trình ca múa nhạc hoành tráng, đầy sắc màu với sự góp mặt của các diễn viên múa, ca sĩ, người mẫu... tên tuổi diễn ra vào lúc 19 giờ 45 ngày 8.6 tại sân khấu trước trường Quốc Học; Chương trình giới thiệu bộ trang sức vàng, bạc do Viện Mẫu thời trang Việt Nam (Fadin) thực hiện với sự có mặt của các người mẫu đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đêm hội bế mạc "tôn vinh nghề" diễn ra tối 10.6 trên phố Lê Lợi - Trần Hưng Đạo với lễ rước được thiết kế độc đáo, tính cộng đồng cao với sự tham gia của các nghệ nhân nghề truyền thống, các nghệ sĩ.


Kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, công phu và độc đáo của nghề kim hoàn
Bên cạnh các hoạt động tôn vinh nghề truyền thống, tại Festival còn diễn ra hội thảo "320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống, bản sắc và phát triển" với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân tiêu biểu ở các làng nghề trong cả nước; triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý của vùng đất từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của cả nước và nhiều hoạt động như tham quan các xí nghiệp, đơn vị sản xuất, làng nghề Huế.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của festival còn có những ngày ẩm thực Huế qua nghệ thuật chế biến của người Huế và các nghệ nhân Làng Du lịch Bình Quới trong không gian "Ẩm thực Ba miền"; Các chương trình lễ hội và văn hóa cộng đồng đầy màu sắc khác; Hoạt động tổng hợp sân khấu văn nghệ dân gian ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; Tour du lịch "Thăm làng nghề Huế 2007", Lễ hội "Xích lô" với sự có mặt đặc biệt của xích lô Huế - Sài Gòn - Hà Nội sẽ được tổ chức lồng ghép đầy màu sắc vào các ngày 2 và 3.6; Hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao" lần đầu tiên được tổ chức tại Huế...

Festival nghề thủ công truyền thống 2007 là cuộc biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của những bàn tay vàng các làng nghề thủ công truyền thống Huế và cả nước, phát huy kết quả festival chuyên đề Huế 2005, thành công của Festival Huế 2006 và tiến đến xây dựng Huế trở thành một thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Vài nét nghề truyền thống Huế Nghề đúc đồng Huế
Nghề đúc đồng làng Dương Xuân (còn gọi là Phường Đúc - Huế) có nguồn gốc từ Bắc Ninh và Thanh Hóa, tổ tiên họ vào đây từ thời đầu các chúa Nguyễn và tiếp tục trong đời nhà Nguyễn. Đặc biệt, khi Huế thành kinh đô, nhà Nguyễn trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những đồ cao cấp, có cả thợ đúc đồng ngoài Bắc, khi hết hạn phục vụ họ ở lại Huế bổ sung cho Phường Đúc. Ở Huế hiện còn nhiều hiện vật bằng đồng nổi tiếng được đúc vào nửa sau thế kỷ XVII, như: những chiếc vạc ở Đại Nội (1659 - 1684), khánh chùa Thiên Mụ (1677), chuông chùa Thiên Mụ (1710), cửu vị thần công (1803 - 1804), cửu đỉnh (1835 - 1837), chuông chùa Diệu Đế (1846)... Các chùa ở Huế có rất nhiều tượng Phật bằng đồng với niên đại thuộc đầu thế kỷ XX. Và gần hơn là tượng chân dung nhà chí sĩ Phan Bội Châu cao 4 mét, đúc năm 1974. Tất cả đều nói lên tài khéo của thợ Phường Đúc đúc những tác phẩm nghệ thuật khó và lớn cần có sự chỉ đạo của những người thợ cả - nghệ sĩ bậc thầy, sự phối hợp chặt chẽ của hàng chục người cùng làm và hàng chục lò cùng nấu đồng.
Nghề kim hoàn
Nghề kim hoàn Việt Nam được ghi nhận có nguồn gốc từ vị đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ hiện có mộ tại phường Trường An và Từ đường họ Kim Hoàn ở chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế. Ông Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, lớn lên làm nghề hàn bịt khay chén tại địa phương. Trong thời gian này, nghề kim hoàn mới phôi thai, dân ta chưa ai thạo nghề. Các vật quý, đồ trang sức của nhà chúa hay nhà quan đều phải thuê thợ chạm trổ Trung Quốc làm cả. Với vốn Nho học phong phú, ông tranh thủ học tiếng Tàu, theo dõi lối sinh hoạt, cách giao thiệp của họ trong một thời gian. Sau đó ông xin vào học nghề và được nghệ nhân người Hoa tin yêu, quý mến, truyền nghề cho.
Ngày 28.2 năm Canh Ngọ (1810) ông Cao Đình Độ qua đời, thọ 67 tuổi. Nhà vua và triều đình thương tiếc phong thêm tước hiệu "Đệ nhất tổ sư" và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường An, phía Nam kinh thành Huế. Sau này nghề kim hoàn phát triển ra khắp đất nước và ra cả nước ngoài.
Nghề điêu khắc và mộc mỹ nghệ
Mỹ Xuyên
Nghề điêu khắc ở Mỹ Xuyên, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ra đời vào nửa sau thế kỷ XIX. Theo gia phả họ Nguyễn  và lời truyền kể của các thợ điêu khắc trong làng thì tổ sư của nghề điêu khắc ở đây là ông Nguyễn Thọ, người quê gốc Thanh Hóa. Ông là thợ mộc, biết cả nghề bịt trống và điêu khắc. Ông vào làm việc ở kinh đô Huế theo chế độ trưng tập của nhà nước phong kiến. Theo Nguyễn Hữu Thông: "Nghề chạm khắc có mặt ở Mỹ Xuyên vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Trong gia phả họ Nguyễn Văn cũng như theo lời kể của các già làng thì nghề điêu khắc ở Mỹ Xuyên do ông Nguyễn Văn Cao (thượng quan cao thỉ tổ), vốn gốc người Thanh Hóa, theo lệnh trưng tập của nhà Nguyễn vào phục vụ kinh thành. Ngài là một người nổi tiếng về nghề chạm khắc, nghề mộc, nghề bịt trống, ngoài ra ngài còn giỏi về nghề khảm cẩn. Khi vào kinh, người có mang theo người con trai là Nguyễn Văn Thọ. Hai cha con đều là những nghệ nhân nổi tiếng của triều đình Nguyễn". Sau khi hết hạn phục vụ ở trong kinh thành, ông Thọ trở về quê vợ ở làng Mỹ Xuyên để sinh sống, truyền nghề lại cho người trong làng dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) và từ đó nghề được lưu truyền cho đến nay.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.