Nghề chăm sóc người bệnh

12/06/2007 22:48 GMT+7

Nếu có những phút giây lắng lòng, ta sẽ thấy Sài Gòn là nơi bao dung cho những thân phận gieo neo tìm kế sinh nhai. Một trong rất nhiều nghề mới hình thành là nuôi người bệnh. Những người trẻ chất phác bỗng trở thành những người nuôi bệnh có tay nghề. Họ hết lòng vì người bệnh, sẵn sàng săn sóc cho người bệnh đến hơi thở cuối cùng.

 9 giờ tối, những dãy nhà nuôi người bệnh ở Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM trở nên tĩnh mịch. Anh Cẩn vừa tắm rửa, thay tã, treo mùng, ẵm ông cụ lên giường... Thấy tôi đến, anh tắt radio rồi cười khì: "Cả dãy nhà 2A chỉ có mỗi cái radio, tôi và thằng Sơn nghe tin thể thao xong là chuyển ngay cho mấy bả nghe cải lương. Không có để nghe thì buồn lắm!". Tôi hỏi, chẳng lẽ anh chăm sóc bệnh nhân suốt cả đời. Anh nói: "Bệnh nhân muốn chăm sóc đến hơi thở cuối đời thì những người nuôi bệnh chúng tôi cũng sẵn sàng. Trừ khi nào bệnh nhân hoặc người thân không muốn nuôi nữa mới thôi". Nhìn qua giường bệnh nhân, giọng anh trầm hẳn: "Ông cụ như cha tôi, nên chuyện lau chùi khi cụ "đi" luôn trên giường là bình thường, dọn riết rồi quen". Vỗ vai tôi, anh cười: "Dẫu sao nghề này vẫn sống được. Ở lại bệnh viện suốt với bệnh nhân, nên ít tiêu xài. Chứ làm những công việc khác phải thuê nhà trọ, giá điện nước đắt đỏ... không đủ tiền gửi về nuôi con".

Ông cụ mà anh Cẩn đang chăm sóc vẫn ý thức được mọi chuyện xung quanh nhưng chỉ tội là nói không được, chỉ biết nhép miệng. Nên mỗi khi có người quen vào thăm thì anh Cẩn trở thành "phiên dịch viên". Anh bảo: "Làm nghề này mặc cảm lắm! Nhiều lúc ngại không dám gặp bạn bè nhưng nghĩ lại ông cụ như cha mình thì nỗi xấu hổ không còn nữa". Hóm hỉnh, anh hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai...".

Chị Trang - một người làm nghề nuôi bệnh khác - kể: "Thấy mẹ mình chăm sóc người bệnh hay hay nên mình theo nghề này luôn. Ngày mới vô nghề không dám chợp mắt vì lo cho bệnh nhân. Giờ thì quen với lịch sinh hoạt của ông cụ rồi! Cứ 22 giờ, 23 giờ  rồi 3 giờ sáng... cho cụ đi vệ sinh là bảo đảm ngon giấc". Ông cụ chị Trang đang chăm sóc lúc nào cũng cười dù không biết buồn hay vui. Còn chị H. thì cho biết: "Bà cụ tôi đang nuôi bị đủ chứng bệnh. Bữa nào bà ăn không được là lo sốt vó! Có những lúc thấy bà xuống cân, xanh xao, mình ép ăn thì bị bà tát tới tấp vào mặt, phun cả thức ăn đang ngậm vào mặt. Rồi giận lẫy, đuổi đi không thèm chăm sóc nữa. Nhưng rồi... cũng phải tâm huyết với nghề". Vừa kể, chị H. chỉ tay về phía khuôn viên của bệnh viện: "Cứ mỗi sáng, tôi đẩy xe lăn để đưa bà cụ 76 tuổi bị nhũn não, gãy xương đùi đi tắm nắng, dỗ ngọt để bà ăn cho nhiều. Mỗi năm 365 ngày... vậy là đã 4 năm rồi đó. Để ăn được cái Tết ở quê nghe xa vời quá!".

Chị Hương Hoa - điều dưỡng bệnh viện nhận xét: "Làm nghề này đòi hỏi phải có tâm huyết. Nếu chỉ chịu cực, chăm sóc bệnh nhân tận tình thôi thì chưa đủ. Người nuôi bệnh cần phải biết tâm sự, gỡ rối những trăn trở cho người bệnh lúc gieo neo. Nên trước khi nuôi bệnh nhân, bệnh viện phải huấn luyện tay nghề cho họ. Như tâm lý chăm sóc người bệnh, kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, lão khoa, chăm sóc nhi, vệ sinh vô trùng trong cơ sở y tế... Sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận trên toàn quốc. Còn mức lương làm việc bao nhiêu là do sự thỏa thuận giữa người nuôi bệnh với thân nhân bệnh nhân, bệnh viện không can thiệp. Chỉ cần trên 18 tuổi thì ai học cũng được. Vì nhiều người rất cần học để chăm sóc cho người thân trong gia đình".

Ái Trinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.