Trước nay, có lẽ trung tâm này cũng như nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam khác trong cả nước đã không ít lần được những tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước đến viếng thăm, tặng quà, tài trợ, góp phần nuôi dưỡng… Nhưng chưa bao giờ có "những nhà hảo tâm" nào đặc biệt như thế này: những chị em "ve chai, đồng nát", những người lao động vất vả và có thu nhập vào loại thấp nhất ở TP.HCM. Họ là những người nghèo ở từ rất nhiều quê xa như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi… vào thành phố kiếm sống và dành dụm hằng tháng những đồng tiền ít ỏi để gửi về nuôi con cái, nuôi gia đình ngoài quê.
Từ nỗi nhớ quê nhớ nhà nhớ con da diết mà họ đã tìm đến Trung tâm Nhân đạo Quê Hương để chia sẻ để làm vơi đi những thiếu hụt tình thương từ cả hai phía: phía người cho và phía người nhận. Chưa bao giờ câu "áo rách thương nhau" lại được thể hiện một cách cảm động đến thế này! Nhiều chị em ve chai không có tiền, họ chỉ có tình thương, có tấm lòng, và họ dành một khoảng thời gian trong ngày lao động cực nhọc của mình để tới bế bồng ôm ẵm các em nhỏ mồ côi tật nguyền. Với các em bé thiếu tình yêu thương và thiếu cả vật chất, lâu nay chúng ta thường quan tâm nhiều tới việc tặng quà, cho tiền, mà nhiều khi quên một mảng sâu xa hơn: đó là những sẻ chia tình cảm bằng những hành động ôm ẵm, chăm chút, tắm rửa cho các em. Những người chị em ve chai đã bổ sung cho chúng ta sự thiếu hụt ấy. Họ tình nguyện ôm ẵm chăm chút các em ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương vì một nhu cầu tự thân của những người mẹ phải thường xuyên sống xa con. Họ như muốn tìm lại một chút hơi ấm trẻ thơ, làm nguôi ngoai nỗi nhớ con tận quê xa bằng hành động thiện nguyện xuất phát từ lòng mẹ đó. Họ đã đến với những trẻ thơ bất hạnh như những người mẹ đến với các con mình. Hơn mọi món quà, tình yêu thương sẻ chia ấy là vô giá. Tất cả họ đều như tự nhiên, như không hẹn mà gặp nhau ở trung tâm này. Không có ai đứng ra tổ chức hay kêu gọi họ. Không có ai tài trợ cho công việc làm ăn vất vả hằng ngày để họ có thời gian làm công việc của tình thương này.
"Ngày nào chúng tôi cũng đi mua đồng nát qua trung tâm, thấy chị Tiểu Hương một mình nuôi mấy trăm cháu nhỏ mà thương mà phục quá! Chúng tôi không có nhiều tiền bạc, chỉ biết lấy tình người ra đối đãi thôi!". Ở đây, chính tình thương đã kêu gọi tình thương, một chị Tiểu Hương đã kêu gọi nhiều chị Tiểu Hương khác cùng chung tay góp sức nuôi nấng chăm bẵm trẻ mồ côi tật nguyền. Họ bình dị, chăm chỉ, không biết nói những lời "có cánh", chẳng se sua. Nhưng những hành động, những việc làm thấm đẫm nghĩa nhân, tràn đầy tình mẫu tử của họ thực sự đã thức tỉnh chúng ta, những người có cuộc sống khá giả đủ đầy hơn họ. Dù trong xã hội hôm nay, có không ít những kẻ dát đầy người vàng ròng nhưng lại có "tâm hồn ve chai", thì ngược lại, cũng có những người làm nghề thu lượm ve chai nhưng có "tâm hồn vàng ròng". Tôi thực sự tự hào vì trong số hàng trăm chị em ve chai đầy thiện tâm ấy, có những người đồng hương Quảng Ngãi của tôi. Có lẽ, tôi ít có khi nào tự hào về những người đồng hương của mình nhiều như ở trường hợp này. Và tôi tự thấy, có thể học tập ở những người chị em ve chai ấy rất nhiều điều. Cảm phục lắm!
Thanh Thảo
Bình luận (0)