Từ mỹ thuật...
TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: Luyện thi hay không luyện thi không quan trọng! Theo tôi, học luyện thi hay không học luyện thi (đối với các môn nghệ thuật) không ảnh hưởng nhiều đến kết quả trúng tuyển của thí sinh. Thật ra, luyện thi tại các trường năng khiếu chỉ giúp thí sinh định hướng được cách thức thi chứ không ảnh hưởng gì đến năng khiếu bẩm sinh của các em. Mà để vào trường năng khiếu thì yếu tố năng khiếu luôn được đặt lên hàng đầu. Luyện thi chỉ giúp thí sinh làm quen trước với các môn thi, cách làm bài thi thôi. Như vậy những em không luyện thi chỉ có một hạn chế rất nhỏ. Tôi vẫn thích những thí sinh có diễn xuất mộc mạc, tự nhiên hơn là những em đã qua rèn luyện trước. Mặc dù phần thể hiện của các em này chưa hoàn chỉnh và có phần cảm tính nhưng nếu thực sự có tài thì ban giám khảo sẽ phát hiện ra ngay. Nên bước vào phòng thi với một tâm lý hoàn toàn thoải mái và tự nhiên. Thí sinh cứ mạnh dạn thể hiện hết khả năng của mình, ban giám khảo không bao giờ bỏ sót một tài năng nào cả. Ngô Ly Kha (ghi) |
Giảng viên đến hướng dẫn từng người, chỉ ra những thiếu sót. Bạn Nguyễn Thị Nga (quê Tiền Giang) - lần đầu tiên cầm bản vẽ thì: "Mười buổi học luyện thi ở đây chắc chắn không giúp mình làm nên điều kỳ diệu, nhưng mình vẫn muốn thử sức và đợi cơ hội năm sau". Thầy Hồng Hưng, giảng viên của trường cho biết: "Để làm tốt phần thi năng khiếu, các thí sinh cần học vẽ trước từ 6 tháng đến 2 năm, ít nhất cũng phải 3 tháng. Thí sinh phải biết cơ bản về mỹ thuật như luật sáng tối, xa gần, bố cục... để vận dụng vào bài thi. Đây là một môn năng khiếu nhưng thực chất năng khiếu chỉ chiếm 10% thành công, 90% còn lại dành cho sự khổ luyện".
Một số nơi khác có tổ chức luyện thi cấp tốc về mỹ thuật như: trường Đại học Mỹ thuật, trường Đại học Văn hóa, Hội Mỹ thuật thành phố... Một số đông còn "tầm sư học đạo" tại nhà các thầy cô. Trong đó, nhiều lò luyện kiểu truyền nghề khá uy tín mà dân kiến trúc truyền miệng nhau như: Cô Hồng Xuân (Q.5), thầy Đức Ánh (Q.Bình Thạnh), cô Hương (Q.Phú Nhuận)...
Đến âm nhạc, sân khấu điện ảnh...
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh các ngành năng khiếu khác đều có tổ chức luyện thi tại trường. Từ Nhạc viện, Đại học Mỹ thuật cho đến Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh, Cao đẳng Mầm non Trung ương 3... Thi gì học nấy, ở Nhạc viện có các lớp từ thanh nhạc, sáng tác, đến các lớp học về nhạc cụ. Thời gian học cũng rất linh động, có các khóa ngắn hạn một tháng, ba tháng đến các khóa dài hạn khai giảng từ đầu năm. Thầy Hồ Xuân Hòa, Trưởng phòng Đào tạo của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh, cho biết: "Ngày 4.6 vừa rồi trường đã khai giảng bốn lớp luyện thi gồm ba lớp ngành diễn viên và một lớp ngành quay phim - đạo diễn. Các lớp này vẫn đang tiếp tục chiêu sinh. Mỗi lớp gồm khoảng 30 học viên do các giảng viên đầu ngành của trường giảng dạy. Riêng ngành diễn viên, trường sẽ tập trung hướng dẫn chủ yếu về kỹ năng diễn xuất".
Không đòi hỏi cao như bên thi diễn viên, các khóa luyện thi của trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Trung ương 3 cũng bắt đầu từ đầu tháng 4. Thí sinh theo học hát, nhái lại tiết tấu, kể chuyện, đọc diễn cảm, phân tích tác phẩm... Một thí sinh nói vui: "Đóng tiền để đi học hát nhạc... thiếu nhi!".
Chưa ai thống kê xem những khóa năng khiếu cấp tốc như vậy chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm hữu ích trong kết quả thi, nhưng cũng như ông bà xưa nói "văn ôn, võ luyện": năng khiếu không thể giỏi thêm nhờ mấy buổi ôn thi mà phải đầu tư, rèn giũa từ lâu nếu muốn học theo nghề.
Ngô Ly Kha
Bình luận (0)