Những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp sẽ được nhà trường hướng dẫn ôn tập trong vòng 2 tháng (dự kiến từ 15.6 đến 15.8) để tham gia kỳ thi lần 2 tới đây. Khi đó các thí sinh được đăng ký dự thi các môn dưới 5 điểm theo 1 trong 2 cách: thi tất cả các môn có điểm dưới 5 hoặc chỉ thi một số môn có điểm dưới 5.
Một hiệu trưởng trường PTTH ở TP.HCM chia sẻ: "Đã mấy năm nay, học sinh của trường luôn đậu tốt nghiệp 100%, nhưng theo lộ trình của Bộ thì chúng tôi cũng chuẩn bị một số phương án ôn tập cho những trường hợp thi rớt nếu có. Chúng tôi đã sẵn sàng huy động đội ngũ những giáo viên giỏi và tâm huyết để khi cần sẽ tổ chức ôn tập cho các em, dù cho số lượng chỉ một học sinh. Về phương pháp thì chủ yếu sẽ ôn tập theo hướng hệ thống hóa kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng thi trắc nghiệm cho các em. Nhà trường có trách nhiệm phải lo ôn tập cho các em chứ chúng tôi không nghĩ đến việc sẽ thu phí gì cả...".
Nếu nỗ lực, sau kỳ thi lần hai học sinh vẫn có cơ hội nhận được tấm bằng tú tài bình thường như những người thi trong kỳ thi lần một, tức không hề có sự phân biệt giá trị tấm bằng tốt nghiệp lần một và lần hai. Tuy nhiên, cơ hội đã vuột mất chính là không kịp để tham gia vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Dù vậy, vẫn không phải là... chờ đợi đến năm sau, bởi với hơn 500 trường TCCN và dạy nghề trong cả nước, với chỉ tiêu tuyển sinh TCCN tăng lên 9% so với năm ngoái, tăng số trường TCCN thực hiện xét tuyển, cho phép các trường TCCN và dạy nghề được tuyển sinh nhiều đợt trong năm để đảm bảo đủ chỉ tiêu, cơ hội cho học sinh rõ ràng là rất lớn. Nếu đỗ tốt nghiệp ở lần thi thứ 2, thí sinh có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường TCCN và dạy nghề, bởi đa số các trường này đều có thời gian nhận hồ sơ kéo dài, đến cuối tháng 9, và tháng 10 mới bắt đầu nhập học.
Thậm chí, nếu tiếp tục rớt lại sau kỳ thi tốt nghiệp lần thứ 2 thì các sĩ tử vẫn có cơ hội học nghề ngay trong năm nay với bậc học 9+3, hoặc 9+3,5. Trong đó 9+3 là hệ TCCN trong đó học sinh vừa được học nghề vừa được học bổ túc văn hóa, dành cho học sinh đã hoàn thành chương trình học THCS (tức hết lớp 9) và có bằng tốt nghiệp THCS.
Sau 3 năm, học sinh sẽ được cấp bằng TCCN hệ chính quy phân luồng theo quy định của Bộ GD - ĐT, tiếp theo đó là cơ hội được học liên thông lên CĐ, rồi từ CĐ lên tiếp ĐH. Bậc học này được đào tạo tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM (500 chỉ tiêu), trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Tây Nam Á (100 chỉ tiêu), trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Phương Đông, Trung cấp kinh tế kỹ thuật Á Châu (Bắc Ninh), Trung cấp công kỹ nghệ Mai Lĩnh (Quảng Trị)... Riêng trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hệ này học 3 năm rưỡi, trong đó 1 năm rưỡi đầu học văn hóa và 2 năm còn lại học nghề nên gọi là hệ TCCN 9+3,5, với 1.900 chỉ tiêu bao gồm cả hệ THCN chính quy cho năm nay.
Hà Ánh
Bình luận (0)