Sáng thứ bảy 2.6, nhiều hành khách đi trên chuyến bay VN 479 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Phú Quốc cứ tin chắc sẽ cất cánh lúc 10 giờ 15. Lúc làm thủ tục (check-in), khách mới được nhân viên hàng không báo ngắn gọn: Chuyến VN 479 đến 12 giờ 30 mới bay! Trễ hơn 2 giờ đồng hồ. Sau đó, khách chỉ được người của hãng báo rằng có phục vụ suất ăn. Nhưng trường hợp ấy vẫn còn đỡ. Trưa 11.6, chuyến bay VN 4740 của Vietnam Airlines từ Phú Quốc về TP.HCM liên tục bị hoãn khiến hơn 50 hành khách rất bức xúc.
Máy bay dự định cất cánh lúc 11 giờ 30, nhưng được thông báo hoãn đến 15 giờ 30 rồi sau đó tiếp tục hoãn nữa. Tại ga Phú Quốc, khách ngồi la liệt, trẻ em kêu khóc, họ rất bất bình vì nhân viên Vietnam Airlines không có lời giải thích thỏa đáng về lý do hoãn và khi nào chính thức có chuyến bay về Sài Gòn, hàng hóa tươi sống họ mua dự định mang về gần như bị hư hết. Chiều 14.6, chuyến bay VN 253 của Vietnam Airlines từ sân bay Phú Bài (Huế) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) theo đúng giờ phải cất cánh lúc 17 giờ 40.
Sau khi làm thủ tục, khách được hướng dẫn lên máy bay chờ cất cánh nhưng chờ đến 40 phút mà máy bay vẫn nằm im trên mặt đất, lại chẳng được nghe thông báo gì. Mãi sau khách được báo chờ thêm khoảng 40 phút "vì lý do kỹ thuật". Chờ thêm 40 phút vẫn không sửa xong nên khách được mời xuống vào lại nhà ga. Đến tận 23 giờ hơn máy bay mới cất cánh, chuyến bay bị trễ hơn 5 giờ đồng hồ. Một số hành khách vì quá lo ngại đã trả vé không bay nữa, coi như không được bồi thường.
Theo quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT (ngày 27.2.2007) về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không của Bộ Giao thông vận tải, nếu do điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật... thì người vận chuyển được miễn trách nhiệm trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho khách.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến không phải do thời tiết, an ninh, được nhân viên hàng không giải thích do "sự cố kỹ thuật". Lý do ấy coi như khách chịu thua vì khó có thể biết được chính xác sự cố kỹ thuật gì để đòi bồi thường. Ngoài ra nhiều hành khách do vội vàng, chỉ cần có chuyến bay để đi cho xong nên ít quan tâm đến chuyện đòi bồi thường.
Điều đáng nói nữa là quyết định trên chỉ đề cập đến việc bồi thường khi chuyến bay bị hủy chứ không đặt ra việc bồi thường chuyến bay bị chậm trong khi có những chuyến bay bị chậm 3 - 5 giờ đồng hồ hoặc hơn nữa, thực chất không khác gì chuyến bay bị hủy, khách chịu lỡ bao nhiêu chuyện, kế hoạch, thiệt hại khó tính hết được. Những trường hợp như vậy chẳng lẽ không được bồi thường? Mặt khác, mức quy định bồi thường theo Quyết định 10, theo nhiều hành khách là quá bèo so với thiệt hại của họ.
Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không có hiệu lực từ ngày 2.4.2007. Theo đó, trường hợp do lỗi của người vận chuyển, khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy thì được bồi thường như sau: Các chuyến bay nội địa: 100.000đ (độ dài đường bay < 500 km); 200.000đ (đường bay từ 500 - 1.000km); 300.000đ (đường bay > 1.000 km). Các chuyến bay quốc tế: 25 USD (đường bay < 1.000 km); 50 USD (đường bay từ 1.000 - 2.500 km); 80 USD (đường bay từ 2.500 - 5.000 km); 150 USD (đường bay > 5.000 km). Trong một số trường hợp: do tình trạng sức khỏe của hành khách; hành khách không tuân thủ nghĩa vụ, chấp hành đúng điều lệ, có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay, say rượu...; hành khách tự nguyện từ bỏ xác nhận chỗ; hành khách đã được thông báo về việc hủy chuyến bay trước ít nhất 24 giờ; do điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật..., người vận chuyển được miễn trách nhiệm trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại. |
Trần Hùng
Bình luận (0)