"Khúc biến tấu" của tín dụng đen

18/06/2007 00:39 GMT+7

Người ta biết đến tín dụng đen như một chiếc thòng lọng vô hình, ngày càng siết chặt vào cổ những người bị hại. Có điều, hiện các "tổ hợp" này đang ngày càng được tổ chức quy mô hơn, ẩn mình trong các vỏ bọc mỹ miều như "công ty" này, "doanh nghiệp" nọ..., với nhiều chiêu thức mới để bóc lột các "con mồi".

Mất nhà như chơi!

Hơn 2 năm qua gia đình bà Nguyễn Thị Tố Nga (ngụ tại Q.3, TP.HCM) rơi vào bi kịch bởi phải đối diện với tiền lãi vay ngày càng cao ngất. Đầu tháng 4.2004, em trai bà Nga là ông Nguyễn Chí Viễn thế chấp căn nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) vào Ngân hàng Phương Đông (NHPĐ) để vay 2,5 tỉ đồng. Đến cuối tháng 11.2004, gia đình bà Nga cần vay thêm 250 triệu đồng để xoay xở việc riêng nhưng NHPĐ không đồng ý vì hồ sơ tín dụng cũ vẫn chưa giải quyết xong. Lúc này, thông qua một "cò" tín dụng tên T., có 2 người tự xưng là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến xem nhà và nói có thể cho vay 3 tỉ đồng. Song để giải chấp bộ hồ sơ trên, bà Nga phải có số tiền tương ứng 2,35 tỉ đồng để trả cho NHPĐ. Vì vậy, theo lời giới thiệu của "cò" T., bà Nga đã tìm đến Công ty Y (Q.3, TP.HCM) vay 2,5 tỉ đồng với lãi suất 0,5%/ ngày, tức 15%/tháng. Nhưng thật oái ăm, khi vừa vay được tiền của Công ty Y thì Ngân hàng NN&PTNN lại không đồng ý cho gia đình bà Nga vay. Thế là, hằng ngày bà Nga cùng gia đình phải cắn răng chịu lãi của Công ty Y và chỉ trong thời gian vài tháng, số tiền lãi phải trả đã lên đến trên 500 triệu đồng. Phía Công ty Y sau đó yêu cầu bà Nga phải ký giấy bán nhà để cấn trừ tiền vốn vay và lãi. Lo sợ trước nguy cơ mất nhà, bà Nga chạy gõ cửa các nơi xin vay với lãi suất thấp hơn để trả nợ cho Công ty Y. Nhưng bà đâu biết rằng lại tiếp tục lún sâu vào "cuộc chiến tiền lãi" khi tìm đến Công ty P (Q.1, TP.HCM). Tại đây bà Nga gặp một người tên Đ., xưng là cộng tác viên của Công ty P. Xem qua hồ sơ, Đ. cam đoan sẽ lo cho bà Nga vay của Ngân hàng Quốc tế (NHQT) được khoảng 3,5 tỉ đồng. Tuy nhiên cũng như "kịch bản" trước, bà Nga phải kiếm tiền để giải chấp hồ sơ nhà từ Công ty Y. Và chính Đ. môi giới cho bà Nga vay 3,3 tỉ đồng, cũng với lãi suất 0,5%/ngày. Rồi trong khi hồ sơ nhà bà Nga chưa đưa vào NHQT để vay thì số tiền lãi mà bà Nga phải trả lần này đã lên đến 700 triệu đồng. Lúc này gia đình bà Nga lâm vào khủng hoảng thực sự nên đã gặp giám đốc của Công ty P nêu trên nhờ giúp đỡ. Và cuối cùng, căn nhà của bà Nga cũng bị bán với giá 4,5 tỉ đồng, trong khi bà Nga khản cổ than rằng đã mất trắng 4 tỉ...

Trường hợp của bà Phan Ngọc Dung ở Q.8, TP.HCM là một ví dụ khác. Năm 2004, bà Dung thế chấp căn nhà của mình để vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (ĐT&PT) chi nhánh Tân Tạo số tiền 240 triệu đồng đầu tư cho cơ sở may gia công. Khoảng tháng 10.2004, một người tên H. xưng làm dịch vụ giải chấp và đáo hạn ngân hàng tìm đến. H. cam kết sẽ giúp bà Dung giải ngân số tiền trên với lãi suất 0,7%/ngày và vay lại cho bà Dung 400 triệu đồng trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, bà Dung phải chịu phí dịch vụ là 10% trên tổng số tiền vay được. Nhưng khi nhận tiền tại ngân hàng, bà Dung phải ký vào hợp đồng bán nhà với giá 500 triệu đồng (chỉ bằng ½ giá trị thực tế vào thời điểm đó) để làm tin. Cứ tưởng mọi việc sẽ tiến triển tốt đẹp và hợp đồng bán nhà "chỉ tồn tại vài ngày trên giấy" nên bà Dung vô tư ký. Thế nhưng mọi chuyện sau đó không hề suôn sẻ và bà Dung đã phải trở thành người trắng tay, thậm chí đang đối mặt với nguy cơ mất nhà vì hiện chủ nợ đang kiện ra tòa để yêu cầu thực hiện "hợp đồng bán nhà" giả tạo nêu trên.

Tín dụng đen ở mọi nơi

Những vụ việc nêu trên chỉ là những trường hợp điển hình trong muôn vàn các vụ dở khóc dở mếu khác đang bị vướng vào tín dụng đen. Bởi hiện nay, mô hình công ty "nhận giải chấp" đang trở nên phổ biến ở các ngõ ngách. Một ngày đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã tìm đến các địa điểm này.

Đáng chú ý nhất là Công ty K.T nằm trên đường Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM). Trụ sở công ty này là một căn nhà nhếch nhác nằm trong một con hẻm nhỏ. Toàn bộ tầng trệt của căn nhà được bày bán ti vi đủ loại. Tiếp khách là các nhân viên của công ty kiêm luôn người bán ti vi. Khi chúng tôi đến đây thì một phụ nữ khác cũng đang tìm đến để... cầm chiếc Camry 2007 vay khoảng 400 - 500 triệu đồng. Các nhân viên ở đây nói rằng "sếp" đang đi vắng, cứ để hồ sơ lại xem sau. Khi chúng tôi đưa yêu cầu muốn giải chấp hồ sơ đang vay 250 triệu đồng tại một trong một ngân hàng để vay ở một ngân hàng khác, một nhân viên nhanh nhảu hướng dẫn các thủ tục và cam kết làm cho chúng tôi trong vòng 5 ngày. Khoản phí dịch vụ mà công ty này lấy là 10% trên hợp đồng vay, bên cạnh đó, chúng tôi phải "gồng" thêm lãi suất 0,5%/ngày đối với toàn bộ số tiền 250 triệu mà Công ty K.T bỏ ra để giải chấp.

Khi chúng tôi hỏi về mối quan hệ giữa các công ty "tín dụng đen" với các ngân hàng, một cán bộ ngân hàng trả lời không chút đắn đo: "Đối với các ngân hàng thì có nhiều tiêu chí cho vay nhưng sẽ không có chuyện họ kiểm tra bản thân người đi vay có thông qua một tổ chức tín dụng đen nào đó hay không? Thậm chí nếu biết thì cũng lờ đi. Đó là chưa nói đến chuyện cán bộ ngân hàng nằm trong đường dây của các tổ chức tín dụng đen kia"(!). Trong khi đó, một luật sư thì nhận định, nếu tách vụ việc trên thành những vụ kiện dân sự thì không thể nào xem xét vấn đề một cách toàn diện được, và như thế có khả năng nhiều người vi phạm pháp luật nhưng bị lọt lưới pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì chỉ cần cho vay lấy lãi cao quá 10 lần so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (khoảng 10% - PV) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đằng này những người trong vụ việc kia phải chịu lãi suất từ 15 - 20%/ tháng, bị thiệt hại tài sản rất lớn nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc thì quả là không hợp lý.

Nhiều vụ việc tương tự như trên hiện đang được tòa án các nơi thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, song theo quan điểm của chúng tôi, bản chất của vụ việc có dấu hiệu của một vụ án hình sự "cho vay lãi nặng" chứ không đơn thuần là một vụ án dân sự. Trở lại vụ việc của bà Nguyễn Thị Tố Nga mà chúng tôi trình bày trên, trong phiên xử sơ thẩm cuối tháng 5 vừa qua, một mặt TAND Q.2 đã tách giao dịch giữa bà Nga và ông Lâm Văn C. ra để xử lý riêng, nhưng một mặt tòa lại nhận định "nước đôi" rằng: "Nếu sau này có chứng cứ chứng minh thì đương sự có thể khởi kiện những người liên quan còn lại hoặc có thể yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về tội cho vay lãi nặng" (!).

Đến bao giờ các bị hại mới thoát ra khỏi sợi thòng lọng của các tổ chức tín dụng đen nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn cho rằng những vụ việc trên chỉ là án "dân sự"?

Minh Thuận - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.