Và, nhìn quanh đi quẩn lại, có lẽ Nhà hát TP.HCM là "địa chỉ đỏ" lọt vào mắt xanh của hầu hết các đơn vị, vì địa chỉ ngay khu trung tâm đẹp nhất, xây dựng lại sang trọng, thanh nhã, đúng là một "thương hiệu" mạnh. Vở diễn nào, chương trình nào chỉ cần nghe nói "ra Nhà hát lớn" là đủ uy tín rồi. Mà lạ kỳ, có khi vẫn những nghệ sĩ ấy, nhưng diễn nơi khác thì... khác, mà diễn tại nhà hát này thì bật hẳn lên. Ai biết tại sao! Cho nên, nhà hát càng có giá!
Nhưng khổ nỗi, đâu phải ai cũng "sờ" được đến nó! Nhiều đơn vị thòm thèm, đặt cọc, nhưng không thể nào có được lịch diễn như ý. Chẳng hạn các đoàn kịch miền Bắc vào, lẽ ra được diễn suốt tuần, hoặc 4, 5 ngày trong tuần thì họ gây được "không khí" hơn, và đỡ tốn kém tiền ăn dầm nằm dề nơi khách sạn. Nhưng đa số bị xé lẻ ra hết, có tuần diễn 1 ngày, có tuần 2 ngày... nên họ phải chạy như con thoi từ thành phố tới các tỉnh để tận dụng thời gian "nghỉ".
Có khi ngày trước chở đạo cụ, cảnh trí, diễn viên, rồng rắn ra tận Vũng Tàu, hôm sau lại phải khuân dọn về Sài Gòn, cực khổ hết biết! Ngay các sân khấu của TP.HCM muốn hợp đồng dài ngày với nhà hát cũng khó, vì lịch dành không ít ngày cho các hội nghị khách hàng thương mại, lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học này, đại học kia, rồi lễ nhận huy chương, bằng khen... Vài ông bà bầu muốn dựng vở hoành tráng nhưng với điều kiện phải ký được hợp đồng lịch diễn thường xuyên 3-4 đêm một tuần, chứ nếu diễn một, hai đêm rồi "lặn" mất, tuần sau mới xuất hiện một, hai đêm, chưa kể còn xáo trộn ngày, thì tội cho họ, lỗ là cái chắc.
Thiết nghĩ như thế thiệt thòi cho sân khấu quá. Nhà hát xây dựng thì chức năng "hát" là chính chứ! Còn các hoạt động hội nghị, lễ lạt khác có thể làm tại khách sạn, nhà hàng cao cấp, hoặc các trung tâm thương mại cũng chẳng sao. Ngược lại, nghệ sĩ đâu có vô mấy chỗ đó mà diễn được! Vậy, "cái bánh" ít ỏi của nhà hát xin ưu tiên cho nghệ thuật. Thật sự thì phải ghi nhận tâm huyết của nhà hát đã "dũng cảm" dành khoảng chục ngày cho hát bội, cải lương, nhạc dân tộc, nhạc cách mạng, dĩ nhiên phải bù lỗ, nên có lẽ đã san sẻ kinh phí từ những hội nghị thương mại kia? Nhưng nếu nhà hát quyết tâm dành toàn bộ cho việc "hát" thì không lo thiếu kinh phí, các ông bà bầu sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn, vì hiện nay đã có thêm những công ty giải trí ra đời, có vốn, có nhân lực, chỉ khổ vì chuyện mặt bằng mà thôi. Mà dù có "nghèo" một chút mà "giàu" văn hóa thì cũng vui, như thế mới xứng đáng gọi là Nhà hát, gương mặt đại diện cho một thành phố lớn như thế này.
Thư Thư
Bình luận (0)