Võ sư vang bóng một thời

24/06/2007 11:38 GMT+7

Ông Ngô Văn Trừ (ông Sáu Trừ, biệt danh Phi Hùng) thuở nhỏ mê võ nên được cha cũng là võ sư cho theo học võ của rất nhiều sư phụ. Ông thật sự trưởng thành khi thọ giáo môn phái Tây Sơn Nhạn - Bùi Văn Hoá (tự Chín Hoá) làm thầy. Nói về vị võ sư này, ông Sáu Trừ rất ngưỡng mộ, thần tượng: “Sư phụ của tôi là một trong 3 người thời ấy đánh được hổ”. Sau khi được thầy Chín Hoá truyền dạy võ nghệ, ông trở thành võ sĩ thực thụ "chân đá miền nam, tay đánh miền bắc".

Chúng tôi tìm gặp ông trong một căn nhà nhỏ lụp xụp, nằm sâu trong con hẻm heo hút bên quận 2. Tuy gương mặt đã hằn sâu nhiều nếp nhăn dấu ấn những năm tháng khó khăn vật lộn cùng cuộc sống nhưng thần sắc của ông vẫn tinh tường. Trước khi gặp ông, chúng tôi được nghe rất nhiều giai thoại về những trận đấu trên bộ, dưới sông một thời trai trẻ của ông nhưng phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tiếp cận được những hồi ức xưa cũ.

Kể về những trận đấu võ đài của ông Sáu Trừ chắc nghe cả tuần chưa hết. Tuy nhiên trong những trận đấu vang danh một thời của ông đáng nhớ nhất là trận đấu ở bến cảng quận 4. Lúc đó là thời trước giải phóng có một số cai thầu bức hiếp dân, bóc lột phu bến cảng quận 4. Sự nhẫn nhịn cũng có giới hạn, cuối cùng giọt nước cũng tràn ly khi các cai thầu ngày càng vênh váo, thậm chí còn xúc phạm các môn phái võ sĩ thời bấy giờ ở miền Nam. Khi ấy, ông Sáu Trừ về tham vấn với sư phụ chín Hoá và được sự đồng thuận của sư phụ, ông và các môn đệ của phái Tây Sơn Nhạn đã lên đài tỉ thí võ thuật. Trận đấu có một ý nghĩa rất lớn trong giới võ sĩ và cả những phu khuân vác, bởi thắng thua cũng đồng nghĩa với việc sống còn của các cai thầu.

Đêm đó, võ đài được dàn xếp trong một nhà kho cũ với một bóng đèn nhỏ leo lét ở hẻm Hiệp Thành (hãng phân cũ, Q.4). Mỗi bên cử ra 3 võ sĩ thi đấu. Sau khi hai sư đệ của ông Sáu Trừ hạ đo ván 2 đối thủ võ Bình Định và võ Tiều, ông Sáu Trừ phải đấu trận thứ ba với võ sĩ được thuê về từ Thái Lan. “Nhìn thấy võ sĩ Thái lan, lúc đó tôi đã thấy khớp”, ông thành thật. Võ sĩ Thái Lan có thể hình tốt hơn đã đánh phủ đầu bằng một quả thôi sơn “ăn” ngay vào mắt làm ông Sáu Trừ té ngã vào dây đài. Mọi người thót tim. Đột nhiên, ông dùng chiêu bộ chân nội quyền để áp sát đối thủ. Một mắt nhắm, một mắt mở nhưng ông vẫn tung đòn “thôi sơn cản lộ” chính xác trúng vào quai hàm đối thủ. Bất ngờ trước cú ra đòn của ông, đối phương không kịp ra đòn chống đỡ. Thế cờ lật ngược, tiếp đó ông bồi thêm cú đá “bình sa lạc nhạn” hạ gục đối phương. Trong lúc đang được các anh em phu bến cảng tung hê chiến thắng thì thình lình đối phương phá luật, tắt đèn vung mã tấu hung hăng xông vào. Trong gang tấc giữa sự sống và cái chết ấy, ông và những đồ đệ của Tây Sơn Nhạn cùng những anh em phu bến cảng đã được ông Năm sếp bót Dương Văn Ba cứu khỏi thương vong vì trước đó binh lính đã được lệnh ém sẵn. Sau trận đài này, đời sống của phu bến cảng đã trở nên dễ thở hơn.


Một cảnh chữa bệnh của ông Sáu Trừ - ảnh L.N

Thỉnh thoảng trong căn nhà nhỏ đơn sơ của ông lại có những môn đệ làng võ tìm đến ngồi nghe ông kể những “kỳ tích” của phái Tây Sơn Nhạn, học hỏi chuyện chữa bong gân, trật khớp. Những câu chuyện của ông dường như kể hoài không hết như chuyện đấu quyền anh với võ sĩ da đen của Mỹ ở Đà Nẵng, chuyện đấu đài ở sân Tinh Võ với 5 võ sĩ người Campuchia, câu chuyện huyện thoại về những đòn cước “bình sa lạc nhạn”, “di ảnh thân pháp”...

Một câu chuyện cũng đáng nhớ khác là vào khoảng thập niên 50, chính quyền lúc bấy giờ có qui định miễn phí tiền đò cho học sinh qua lại giữa hai bờ Thủ Thiêm và Sài Gòn. Một số băng nhóm như cánh Đông đại ca ở Phú Nhuận và một cánh nữa ở Hoà Hưng tập trung về đây làm mưa làm gió chuyên chặn thu phí của học sinh ở bến phà Thủ Thiêm. Quá bức xúc khi hằng ngày thấy bọn xã hội đen chận đường lấy tiền ngày càng lộng hành nên ông cùng với người anh phối hợp “xử” nhóm xã hội đen này một trận. Câu chuyện ở bến phà Thủ Thiêm ầm ĩ một thời gian thì chính quyền thời đó đã can thiệp đổi nhà thầu khác và ổn định tình hình bất an tại đây.

Sau giải phóng, người dân khu vực Thủ Thiêm còn một phen khiếp vía khi chứng kiến trận đối đầu giữa gia đình ông với băng nhóm Lệ “què”, Ve sầu (sau này nhiều đối tượng bị lãnh án tử hình vì dính đến mua bán trái phép chất ma tuý). Đó là cuộc chiến không cân sức giữa 6 cha con ông Sáu Trừ với cả trăm đàn em hai băng nhóm kể trên. Bọn chúng tay mác, tay kiếm kéo từ 3 hướng cả trên sông lẫn trên bộ bao vây nhà ông suốt 2 ngày ròng rã. “Cuộc chiến” chỉ kết thúc khi người con trai lớn của ông Sáu đánh rớt một tay anh chị "có số có má".

Qua khỏi bến phà Thủ Thiêm hỏi nhà ông Sáu Trừ, bất kể là ai cũng đều có thể chỉ dẫn được đến tận nơi. Người dân khu vực này còn biết đến ông vì những chuyện cứu người giữa hai bờ Thủ Thiêm – Sài Gòn. Đó là thời gian ông làm lái phà Thủ Thiêm. Cứ hễ nghe thấy tiếng “ùm” là biết ngay có người nhảy sông tự vẫn. Bất kể là lúc nào, ông cũng sẵn sàng lao mình xuống dòng nước bạc, vật lộn với hà bá giành giật mạng sống của những mảnh đời trẻ trung bất hạnh. Cả chục mạng người đã được ông “khai sinh” lần nữa. Khi hỏi đến tên các nạn nhân, ông bảo không thể nhớ được mà cũng không muốn nhớ, mình quên đi cũng là để người quên đi một thời lầm lỡ. Tuy nổi tiếng là tay bơi giỏi nhưng cũng có lần ông hú vía vì mạng sống ngấp nghé miệng tử thần. Đó là lần nạn nhân có chút “nghề” vùng vẫy lôi ông xuống sâu dưới dòng nước...

Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ông lang thang sưu tầm cây thuốc để chữa bệnh cho bá tánh. Hiện nay, ông vẫn ngày ngày mưu sinh bằng nghề bốc thuốc Đông y trong xóm lao động nghèo. Trong những câu chuyện ông kể, chúng tôi vẫn thấy ẩn chứa những dằn vặt, ray rứt vì chưa làm cho sự nghiệp võ học vẻ vang hơn. Đưa ánh mắt trìu mến nhìn trưởng môn đời thứ ba phái Tây Sơn Nhạn Tô Đình Thanh ông bảo: “Nhưng giờ tui cũng được an ủi phần nào vì đã có anh Thanh đây, người vừa có tâm, vừa có tài phát huy sự nghiệp của Tây Sơn Nhạn”.

Ông Bùi Văn Hoá (tự Chín Hoá sinh 1894 tại Quảng Đông, mất 1958 tại quận 8) đồ đệ của phái Tây Sơn Nhạn. Sau gần 30 năm luyện võ, ông đã đạt đến cảnh giới siêu phàm. Trong một chuyến bảo tiêu qua Việt Nam, ông đã quyết định dừng chân ở lại. Sau một thời gian dạy võ cho lực lượng kháng chiến ở Bình Định, 1945 ông vào Sài Gòn mở lò dạy võ tại Chợ Quán và đã đào tạo được nhiều danh sư tên tuổi như Lưu Văn Liễn (Ba Liễn), Ba Vè, Ba Sửu, Ba Lai, Ba Tốc, Nguyễn Văn Mách (Mười Mách), Bạch Sa Lý Nhạn, Kim Kê....

Sau khi ông mất, võ sư Nguyễn Văn Mách (tự Mười Mách) được giao giữ trọng trách chưởng môn năm 1960. Ông Mười Mách đã huấn luyện được nhiều sõ sĩ của Sở Cứu Hoả Đô Thành, nổi tiếng với việc đào tạo ra những “tay đấm khó chịu” chẳng hạn như võ sĩ Hùng Nhạn vô địch nhiều năm liền trong thập niên 1970 ở hạng cân 45 - 48kg. Ông cũng từng tham gia Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam.

Hiện nay, ông Tô Đình Thanh đang làm chưởng môn đời thứ ba của phái Tây Sơn Nhạn. Suốt 30 năm qua, ông luôn âm thầm góp công sức, phục hưng, bảo lưu giữ gìn những vinh quang của môn phái. Ông tham gia liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam và đã đào tạo hơn 50 HLV và hơn một ngàn võ sư. Trong đó đáng chú ý nhất là 4 võ sư cấp lớn nhất của làng võ cổ truyền Việt Nam như võ sư Nguyễn Văn Lòng, Nguyễn Hữu Văn, Nguyễn Hoài Nam, Tô Đình Phi.

Lê Nga - Hà Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.