Lân la, tranh thủ làm quen với đám thợ lăn sơn cho ngôi biệt thự rộng cả ngàn m2 (Đông Anh, Hà Nội), khi mà bóng dáng người đàn ông thấp đậm, ăn vận sang trọng... dần khuất xa. Thanh - thợ cả, người có đến cả chục năm kinh nghiệm theo nghề làm bả, lăn sơn ở những ngôi nhà cao tầng, chỉ tay khắp lượt nói: "Duy chỉ có thằng cháu Khánh là mới gia nhập đội. Còn lại năm anh em chúng tôi đều theo anh cai Hậu 4-5 năm nay rồi. Toàn là người cùng huyện cả nên mọi thứ đều "phiên phiến" tất".
"Phiên phiến" ở đây được hiểu đúng nghĩa, tất cả đều không có giấy tờ, thoả thuận bằng miệng: chiếc dây thừng to cỡ cổ tay đứa trẻ được cai Hậu (người Phù Lỗ, Đông Anh) mua tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, xuất hiện nhan nhản trên đường, với giá 12.000 đồng/kg và một yến dây được chừng cỡ 20m. Ngay cả cái ghế mà người thợ lăn sơn thường dùng để tọa - phục vụ việc di chuyển lên xuống giữa các tầng nhà, cai Hậu "tiết kiệm" chỉ đạo đám thợ ghép bằng những mảnh gỗ thừa lấy từ đống gỗ cốppha đổ trần.
Ngồi uống bát nước chè tươi trên căn gác 5, giữa đám thợ làm sơn, bả. Đảo mắt khắp lượt: chăn màn đánh đống, nhàu nhĩ, lấm tấm bụi sơn, trên chiếc chiếu cũ sờn, trải bệt trên nền đá hoa... tôi mới phần nào hiểu rõ nỗi vất vả của những con người chuyên "tân trang nhan sắc trên trời" này. Vất vả đi kèm sự nguy hiểm luôn chực chờ.
Rời tay khỏi chiếc điếu cày, đôi mắt lờ đờ, thả hồn theo làn khói đượm mùi Vĩnh Bảo, Cường - người lớn tuổi thứ hai trong tốp thợ, giọng khàn đục, buồn buồn: "Hôm 1.6, mấy đứa cháu nội ra thăm vườn Bách thú. Ngang qua mấy toà nhà cao phải đến vài chục tầng, cũng thấy “quân” đó làm công việc hệt mình nhưng được trang bị thắt lưng an toàn, mũ đội đầu, găng tay... Họ hơn hẳn mình, có hợp đồng lao động, bảo hiểm hẳn hoi". Không buồn sao được khi mà con người ta gần như "tự do" giữa bầu trời, cách mặt đất vài ba chục mét; chỉ một thoáng sơ sẩy, mất tập trung, hoặc một cái giật mình... cũng đủ để cho mình không còn cơ hội làm lại.
Qua tìm hiểu, được biết các công nhân lăn sơn tại những toà nhà cao tầng đều phải thi kiểm tra thần kinh, nếu thần kinh thật vững cộng với sức khoẻ tốt mới được tuyển dụng. Không những thế, toàn bộ dây chão, thừng to cỡ cổ tay người lớn phải được đặt mua tại các cửa hàng bảo hộ lao động có chứng nhận. Và trước mỗi lần tổ sơn bắt tay vào việc, phải có người quản lý: theo dõi, kiểm tra kỹ những chiếc dây thừng, thắt lưng an toàn...
Gần đây nhất, tổ sơn của Cường có nhận hai cậu học sinh mới học hết lớp 11, bên xã Đông Nội vào làm. Mới theo phụ được vài bữa, hai cậu nằng nặc đòi leo lên ghế thử cảm giác làm "chim". Nhân tiện hôm đó mới sơn tầng một, Tình được giao nhiệm vụ đánh bả. Chưa lên hết độ cao tầng một, bỗng đâu chú mèo đen nhà chủ thò đầu ra lan can, kêu meo meo rõ to. Theo phản xạ Tình giật mình ngước nhìn, buông cánh tay trái đang nắm sợi dây thừng để che mặt lại. Sợi dây đung đưa, bàn đánh ma tít hất tung toé, còn Tình rơi đánh phịch xuống đất. May cho Tình là hôm đó chiều cao mới ở giữa tầng một. Như con chim đậu phải cành cụt, từ hôm đó trở đi, mọi người không còn nghe lời Tình nhắc tới chuyện đòi ngồi lên ghế lăn sơn.
Nguy hiểm luôn cận kề nhưng khâu tuyển người đi làm sơn của những cai như Hậu lại không có gì dễ hơn: "Chỉ cần gan to, thêm máu liều" là OK. Còn lương nhận theo ngày. Ngoài ra chấm hết, không hợp đồng công việc, không bảo hiểm thân thể. Ấy vậy mà "biên chế" của đội thợ làm bả, sơn luôn đông. Bởi với mức trả công nhật, cơm nuôi ba bữa là 65.000 đồng/ngày; so với 45.000 đồng/ngày trả cho thợ hồ; 40.000 đồng/ngày cho thợ mộc.
Cũng theo anh Thanh: trong khắp các vùng nội, ngoại thành Hà Nội, số lượng đầu cai nhận làm lăn bả, sơn như Hậu rất nhiều. Muốn làm một cai như Hậu cũng không phải là khó. Cần nhất là có thật nhiều mối quan hệ trong giới xây dựng, thêm một chút vốn; còn thợ lăn bả, sơn thì kiếm không khó.
Minh Sang
Bình luận (0)