Môn Văn - làm sao để đạt điểm cao?

27/06/2007 23:04 GMT+7

Bốn lưu ý khi ôn tập Một là, dựa trên cơ sở đề thi của Bộ ở những năm trước đây, thì cấu trúc của đề thi văn không phân ban thường gồm ba câu. Ba câu này rải đều trên cả hai phương diện văn xuôi và thơ cũng như trên cả hai chặng đường trước 1945 và sau 1945 (lớp 11 và 12). Vì vậy thí sinh phải học toàn diện, không được học tủ.

Hai là, cấu trúc đề thi thường theo tỷ lệ điểm 2 - 3 - 5. Trong đó, câu 2 điểm chỉ thuần túy là kiến thức giáo khoa. Câu 3 điểm gắn liền với năng lực cảm thụ. Còn câu 5 điểm bao quát trong đó những yêu cầu của hai câu đầu đồng thời là sự tổng hợp, so sánh với những kiến thức khác. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rất chắc về tất cả các tác phẩm đã được học trong chương trình chính khóa để có thể giải quyết được tốt yêu cầu của từng loại câu một.

Ba là, chương trình thi chỉ rơi vào những tác phẩm nằm trong chương trình chính khóa chứ không rơi vào những tác phẩm nằm trong chương trình đọc thêm. Cho nên thí sinh chỉ giới hạn phạm vi ôn tập của mình trong chương trình chính khóa của văn học hiện đại từ lớp 11 đến hết lớp 12.

Bốn là, cần lưu ý đến hình thức làm bài. Thí sinh nên cố gắng viết sáng sủa, rõ ràng, dễ đọc. Trong đó chú ý  độ dài, nó không chỉ thuần túy là hình thức mà phải là hình thức phản ánh nội dung, nếu không có kiến thức thì không viết được dài. Thí sinh viết khoảng 6 đến 7 trang giấy thi mới chở tải hết kiến thức. Nếu thí sinh chỉ viết được 3-4 trang giấy thi thôi thì rất dễ rơi vào tình trạng sơ lược, đơn giản. Hình thức của tác phẩm còn bao hàm cả lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp. Nếu không tránh khỏi những lỗi này thì cũng phải giảm  đến mức thấp nhất. Một bài văn vướng quá nhiều lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp thì chắc chắn sẽ bị điểm kém.

Ba yêu cầu của một bài văn lý tưởng

Thứ nhất là ý tứ phải đầy đủ, phong phú. Thí sinh phải hiểu vấn đề qua tư duy vừa khái quát vừa cụ thể. Nghĩa là một vấn đề đòi hỏi gắn liền với những chi tiết rất cụ thể. Nó gắn liền với những sự kiện, hiện tượng, hình ảnh ở trong tác phẩm văn chương. Đồng thời thí sinh phải bày tỏ suy nghĩ, đánh giá, rung động của mình qua những hiện tượng, hình ảnh đó. Sau đó, thí sinh cần khái quát lại những vấn đề vừa nêu.

Thứ hai là cấu trúc của bài viết phải chặt chẽ. Nghĩa là một vấn đề phải được giải quyết bằng những ý lớn, ý nhỏ; bằng những luận điểm, luậån cứ. Giữa những ý lớn, ý nhỏ, luận điểm, luận cứ này cần có mối quan hệ với nhau bằng những ý trung gian, bằng những câu trung gian. Trong quá trình viết thí sinh cũng nên sử dụng các dấu ngắt câu, xuống hàng cho hiệu quả. Bài viết càng nhiều dòng xuống hàng tạo cho người chấm thi cảm giác ý tứ phong phú (mỗi lần xuống hàng là một lần chuyển ý).

Cuối cùng là viết sao cho rung động, sao cho hay. Đây là một yêu cầu rất khó. Trong quá trình làm bài chỉ có những thí sinh thật sự xuất sắc mới đạt được ba yêu cầu này. Thông thường thí sinh làm tốt hai yếu tố trên là đã đáp ứng đủ yêu cầu đề thi.

Trần Ngọc Hồng
(Khoa Ngữ văn và ngôn ngữ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.