Làm sao để trẻ không nói dối?

28/06/2007 10:18 GMT+7

Băn khoăn: Tôi có đứa cháu ruột đã 15 tuổi. Cháu có một cái tật là rất hay nói dối. Dường như nói dối đã trở thành bản năng của cháu. Tôi đã khuyên nhủ cháu rất nhiều, phân tích cặn kẽ nhưng hầu như không có kết quả. Xin cho tôi lời khuyên. (Phan Xuan D. - Hà Nội)

Gỡ rối: Có thể hiểu nói dối là một thủ đoạn hay là một cách thức dùng lời lẽ để biến một sự thật bất lợi thành có lợi cho bản thân. Nói dối là một tính xấu phổ biến nhất và khó sửa nhất.

Nói nó phổ biến vì: Ở đâu, ở lớp người nào cũng có thể nghe thấy chuyện nói dối. Trẻ con nói dối, người lớn nói dối, lãnh đạo nói dối, nhân viên nói dối… Một đứa bé mới hơn 2 tuổi đã có thể nói: “Mẹ, con muốn rửa tay”. Mẹ “ừ” một tiếng  là bé tự mở vòi nước cho chảy thật mạnh để vọc chơi chứ không hề có ý rửa tay. Vào tuổi 14-15, sự phát triển đột biến về mặt tâm sinh lý khiến trẻ biến thành một người khác: nhu cầu ăn, mặc, chơi, giao tiếp tăng cao. Nhằm thỏa mãn nhu cầu này, trẻ phải cầu xin cha mẹ, người thân, nhưng phần lớn bị khước từ. Xung đột giữa cha mẹ và con cái nảy sinh. Bản năng tự vệ và ý thức về cái “tôi” trỗi dậy mách bảo trẻ phải tìm cách đạt được cái gì mình muốn. “Nói dối” ra đời như thế và lớn lên rất mau nhờ môi trường sống xung quanh có tính nói dối rất phổ biến. Lời nói dối của trẻ 14-15 thường đã có màu sắc trí tuệ, tính logic, đôi khi nó tinh xảo đến mức người lớn cũng phải “chào thua”.

Nói dối khó sửa là vì: Một: Bất cứ một phẩm chất đạo đức nào muốn hình thành ở trẻ cũng phải trải qua việc giải thích lý lẽ, tiếp đến là tạo các tình huống để trẻ thực hành. Tiếp nữa luyện tập để trở thành thói quen hành vi đạo đức. Tóm lại, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Hai là: “Môi trường” nói dối hiện nay quá rộng, từ gia đình, nhà trường, xã hội, ở đâu cũng có người nói dối, làm thì dở, báo cáo thì hay… Vì vậy dạy trẻ nói thật làm thật không phải là dễ dàng.

Nói như vậy không có nghĩa người lớn đành "bó tay" với việc trẻ nói dối. Bạn hãy thử các cách dưới đây xem sao:

1. Giải thích cho trẻ rõ có những trường hợp nói dối là cần, là tốt. Đó là nói dối vì lợi ích người khác, lợi ích chính đáng. Ví dụ: Bác sĩ nói dối về mức độ trầm trọng bệnh của bệnh nhân để bệnh nhân còn hy vọng sống, vượt qua số phận nghiệt ngã. Còn kiểu nói dối chỉ vì cái lợi riêng mình mặc kệ hậu quả thế nào không cần biết thì cần sửa chữa, thay đổi vì nó xấu. Điều này giúp trẻ hiểu đúng mức, đầy đủ ý nghĩa của khái niệm này hơn.

2. Cha mẹ cần gương mẫu trong cách sống: chân thật, tình cảm với nhau và với những người xung quanh sẽ là tấm gương tốt cho trẻ bắt chước, noi theo.

3. Hằng ngày trước khi đi ngủ nên hỏi: Ngày mai con có cần gì không? Việc gì giải quyết được, nên làm ngay cho con, những gì không thể, nên giải thích. Tạo cho trẻ cảm giác: cha mẹ luôn gần gũi, thấu hiểu con vì vậy con không cần phải giấu diếm, không cần phải nói dối. Ngược lại, phải thành thật giãi bày.

4. Yêu cầu con hãy nói ra hoặc viết ra những công việc cần làm trong ngày hôm đó. Có thể giao thêm cho con một vài việc vặt nào đó. Cũng vào lúc trước khi đi ngủ hỏi lại xem con đã làm được gì rồi, có gì khó khăn chưa làm được cha mẹ giúp.

5. Nên thưởng cho con nếu thấy điều gì trước đây trẻ hay nói dối nay đã nói thật, làm thật. Quà có thể chỉ là một món đồ ăn, đồ chơi, quần áo hoặc một it tiền để cùng bạn thân uống nước hoặc đi chơi vào ngày nghỉ v.v..., chủ yếu mang tính khích lệ.

B.K.P
(Chuyên gia tư vấn tâm lý Hồn Việt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.