Đa số trẻ bị bệnh từ 2 - 8 tuổi đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Tây, Bắc Giang, Hà Nội... Khi chuyển đến bệnh viện, các cháu đã bị biến chứng nặng và bị suy hô hấp, co giật... Đa số trẻ em bị viêm não Nhật Bản khi nhập viện đều không được tiêm phòng vắcxin viêm não Nhật Bản. Nhưng nếu các bà mẹ cho con mình đi tiêm vắcxin sát mùa dịch cũng sẽ không phát huy được tác dụng phòng bệnh. Cần tiêm trước mùa dịch 3 tháng.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh có diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong và di chứng cao. Virus được truyền sang người do bị muỗi đốt. Muỗi đốt vật chủ mang mầm bệnh là lợn và một số loài chim, sau đó đốt sang người, thực hiện vai trò truyền bệnh. Bệnh thường phổ biến vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7. Bệnh sốt cao từ 39 - 40 độ C, kèm theo đau đầu, nôn, co giật, rối loạn hô hấp...
Bệnh viêm não Nhật Bản không có thuốc chữa điều trị đặc hiệu, cần kịp thời đến bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách hạ sốt, chống co giật, chống suy hô hấp, chống phù não, dùng kháng sinh đề phòng bội nhiễm, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc đặc biệt... Muốn vậy, các bà mẹ cần theo dõi cẩn thận khi thấy con có biểu hiện sốt cao để kịp đưa các cháu đến bệnh viện. Biện pháp tích cực để phòng bệnh là tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đúng và đầy đủ. Vắcxin viêm não Nhật Bản được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm nhắc lại sau 1 tuần, tiêm mũi thứ 3 sau một năm và có thể tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến khi 15 tuổi.
Bên cạnh đó, việc chủ động phòng tránh muỗi đốt như diệt muỗi, tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh, lấp các hố nước đọng làm hạn chế sự sinh sản của muỗi. Khi đi ngủ phải nằm màn... là biện pháp tích cực tránh muỗi đốt.
Theo TTXVN
Bình luận (0)