Từ cuộc chạy đua vũ trang
MIG-31 có tốc độ bay nhanh nhất, và có trần bay cao nhất trong số các máy bay tiêm kích trên thế giới hiện nay. Nó không chỉ đóng vai trò tấn công mà còn cả vai trò do thám tương tự như máy bay "vô hình" của lực lượng không quân Mỹ.
Cùng với MIG-29 và Su-27, MIG-31 tạo nên bộ ba máy bay tiêm kích hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Lịch sử của "bộ ba kinh sợ" này bắt đầu từ năm 1959, khi Liên Xô biết được tin về việc Mỹ đang thiết kế chiếc máy bay ném bom siêu thanh XB-70 Valkyrie.
Sau đó phía Liên Xô xem xét lại các máy bay hiện có của mình thì thấy rằng các loại tiêm kích MIG-19, Su-9 hay cả Su-11, thậm chí cả loại Su-15 đang được thiết kế cũng không thể sánh được với chiếc XB-70 Valkyrie có tốc độ bay gấp 3 lần âm thanh và bay cao 23.000m của Mỹ.
Hai chiếc Mig-31 trong một buổi tập đánh chặn - Ảnh: Lomac |
Lúc đó Liên Xô đã đề ra nhiều phương án E-150, E-152, E-152M để thử nghiệm các loại động cơ cũng như xem xét tính đồng bộ cao khi phối hợp với các khí tài khác. Cuối cùng phương án E-155 được Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô phê chuẩn vào tháng 2.1961.
Đặc điểm của loại máy bay mới đòi hỏi có những quan điểm khác đối với thiết kế. Những tiêu chuẩn cũ của ngành hàng không giờ không còn thích hợp khi máy bay bay nhanh gấp 2,7 lần tốc độ âm thanh thì nhiệt độ rất cao. Nguyên liệu làm thân máy bay là loại thép có khả năng chịu nhiệt cao, còn tại những chỗ trọng yếu phải sử dụng titan.
Thân máy bay và đôi cánh đã nặng 20 tấn, ngoài ra là 4 trái tên lửa không đối không cùng 14 tấn nhiên liệu làm cho máy bay có tổng trọng lượng là 37 tấn. Để so sánh thì chiếc máy bay ném bom B-17G thời Thế chiến II cùng ê-kíp bay 10 người có tổng trọng lượng là 32,7 tấn.
E-155 được thiết kế theo 3 phương án - thám thính E-155R, tiêm kích E-155P và ném bom E-155H. Cuối cùng thì loại E-155H không được xem xét và kiểu E-155 được phê duyệt vào mùa thu năm 1962, còn chi tiết kỹ thuật được duyệt vào tháng 6.1963.
Mig-31 - Ảnh: Kaliteliresimler |
Chiếc MIG-25R được sản xuất hàng loạt vào năm 1968, còn chiếc tiêm kích MIG-25P là vào năm 1971. Năm 1970, MIG-25R được thay thế bằng chiếc MIG-25RB - có thêm chức năng ném bom. Và đến năm 1972 thì lực lượng phòng không - không quân Liên Xô chính thức tiếp nhận MIG-25P và MIG-25RB vào biên chế. Trước đó, vào mùa xuân năm 1971, 2 chiếc MIG-25R và 2 chiếc MIG-25RB được gửi đến Ai Cập và đến tháng 7.1972 những chiếc máy bay này đã quần thảo trên không phận của Israel làm nhiệm vụ chụp ảnh các căn cứ quân sự, nhà máy... Phía Israel toan tính hạ gục các loại MIG này nhưng không thành, bởi với độ cao hơn 24.000m và tốc độ 2.900 km/giờ thì các loại Mirage III và F-4E không thể với tới.
Phía bên kia "chiến tuyến", do những vấn đề kỹ thuật và do chi phí quá tốn kém nên phía Mỹ đã bỏ dở kế hoạch XB-70 Valkyrie. Cuối cùng thì XB-70 Valkyrie trở thành phương án thử nghiệm và kết quả là MIG-25 là chiếc máy bay duy nhất có thể bay cao như chiếc SR-71 Blackbird của Mỹ, vốn được sản xuất rất ít.
Đến vị trí độc tôn
Năm 1976, phi công Liên Xô Belenko đã phản bội Tổ quốc khi lái chiếc MIG-25P bay sang Nhật Bản. Sự kiện này khiến Liên Xô trong một thời gian phải ngừng sản xuất loại máy bay này và đầu tư nghiên cứu phát triển loại máy bay mới.
Trước hết, Liên Xô muốn hoàn thiện hệ thống radar cho máy bay tiêm kích và cả máy bay ném bom, cho phép cùng một lúc có thể định vị các mục tiêu trên mặt đất cũng như xác định vị trí đối phương trên không trung. Loại tên lửa R-40 của máy bay tiêm kích cũng được cải tiến với tầm bắn đạt từ 50 đến 80 km.
|
Loại MIG-31 được sản xuất hàng loạt vào năm 1979. Trong khi đó vào năm 1980, không quân Mỹ bắt đầu phát triển những chiếc B-52 đầu tiên được trang bị tên lửa ALCM. Loại máy bay ném bom có thể mang 10 tên lửa như thế đòi hỏi cần phải hạ gục nó ngay trước khi nó có thể ngắm bắn 10 mục tiêu khác. Nhờ có những tiến bộ kỹ thuật về radar cũng như tốc độ mà khả năng tiêm kích của MIG được nâng cao. Loại tên lửa mới R-33 có tầm bắn đạt 110 - 150 km. Ngoài ra, MIG còn được trang bị cả loại súng để sử dụng trong các cuộc không chiến "giáp lá cà".
Chiếc MIG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại radar mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Từ khi có chiếc MIG-31, phía Mỹ đã không còn sử dụng loại máy bay do thám SR-71, vì cả về trần bay và tốc độ đều thua kém chiếc máy bay của Nga.
MIG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó là con át chủ bài của lực lượng không quân Nga. Nga hiện đang cải tiến chiếc máy bay này thành MIG-31BM và MIG-31M với nhiều tính năng mới. Theo thông tin không chính thức thì thiết kế của nó sẽ được thay đổi từ 20% đến 30%.
Việc Nga bán MIG-31 cho Syria, bước đầu là 5 chiếc còn sau đó sẽ thêm 15 - 20 chiếc nữa có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực. Tầm bắn của các loại tên lửa R-33 và R-37 vượt trội tầm bắn của loại tên lửa Patriot và gấp hai lần loại tên lửa không đối không AMRAAM được cho là tốt nhất của phương Tây hiện nay.
Cùng với loại máy bay SU-27 hiện Syria đang sở hữu, MIG-31 sẽ tạo thành một tổ hợp không quân có sức chiến đấu cao, có khả năng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào ở trên không. Nếu muốn tiêu diệt MIG-31 ngay trên không, đối phương sẽ phải rất tốn kém về mặt tổ chức các lực lượng tác chiến, nhưng khả năng thành công là không cao mà đôi khi cái giá phải trả rất đắt.
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)