Trò chơi truyền thống Nhật Bản

30/06/2007 14:30 GMT+7

Như hầu hết các nước trên thế giới, mỗi địa phương Nhật Bản đều có những trò chơi truyền thống khác nhau, phản ánh nét văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của từng địa phương. Những trò chơi đó bao gồm săn bắn, câu cá hoặc trò chơi đánh trận giả cho con trai, trò chơi đồ hàng cho con gái...

Luật chơi và đồ chơi có thể khác nhau qua thời gian, nhưng cho đến nay, những trò chơi có từ xa xưa đó vẫn hấp dẫn trẻ em Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều thanh thiếu niên lại thích những trò chơi hiện đại, chẳng hạn như các trò chơi trên máy tính hơn là trò chơi truyền thống. Và tình trạng thiếu chỗ chơi trong một xã hội đô thị tập trung như hiện nay càng làm tăng thêm xu hướng này. Để bảo tồn văn hóa trò chơi truyền thống, từ năm 1974, Nhật Bản đã xây dựng Bảo tàng đồ chơi (The Japan Toy Museum) trưng bày hơn 80.000 loại đồ chơi truyền thống và dân gian qua các thời kỳ của Nhật Bản và của hơn 140 nước trên thế giới. Trong bảo tàng còn có khu vực đặc biệt dành riêng cho khách tham quan của các lứa tuổi khác nhau có thể tham gia các trò chơi. Cho đến nay, ước tính có khoảng 130 bảo tàng trò chơi tương tự tại khắp các địa phương mang bản sắc riêng của Nhật Bản.

Trong thời kỳ Heian (794 - 1192), trò chơi đồ hàng được gắn với nghi lễ rửa tội nguyên thủy của Thần đạo: bệnh tật và tội lỗi được "chuyển vào" những búp bê nhỏ làm bằng giấy hoặc gỗ, sau đó chúng được thả trôi trên sông hoặc trên biển để nước cuốn đi những điều lo âu phiền muộn. Kết hợp với những đặc điểm của lễ hội Trung Quốc, nghi thức này được cải biên thành một nghi thức trong đó những con búp bê với đồ đạc thu nhỏ của cô dâu được bày trong nhà vào ngày lễ bé gái và được gọi là Hinamatsuri. Ngày nay người Nhật vẫn tiếp tục tổ chức ngày hội búp bê này...

Trò chơi đánh nhau hoặc đấu sức của thanh thiếu niên thường được gắn liền với những lễ hội mùa và lễ hội nông nghiệp, trong đó có các cuộc thi tài giữa cá nhân và các nhóm như trò chơi kéo co, nhảy dây, ném bóng và đấu vật. Ban đầu, môn đấu vật được sử dụng như một nghi thức bói toán để xem mùa màng trong năm có tốt hay không, sau đó qua năm tháng đã phát triển thành môn vật Sumo, một môn thể thao quốc gia. Những trò chơi truyền thống khác của trẻ em như Ishikeri (lò cò), Ayatori (móc dây vòng thành hình bằng các ngón tay), nhảy dây, ném túi, trong đó các túi chứa những hạt đậu khô hoặc những hòn sỏi nhỏ được ném chuyền qua tay người này sang người khác theo nhịp bài hát của trẻ em. 

Một số trò chơi truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản:

- Kendama là một đồ chơi làm bằng gỗ, được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản cách đây khoảng hơn 200 năm. Hất trái cầu gỗ lên để nó rơi xuống cái đĩa nhỏ nhất, rồi cái lớn nhất, tiếp theo là cái trung bình. Sau đó tung trái cầu gỗ sao cho lỗ của nó vượt qua đầu cây trục nhọn. Kế tiếp, thi xem ai là người chơi nhanh nhất. Để thêm hấp dẫn, giữ trái cầu gỗ với lỗ ngửa mặt lên, rồi ném cái cán lên cao để đầu cây trục nhọn rơi vào lỗ. Có rất nhiều câu lạc bộ kendama ở Nhật.

- Ayatori thường được xem là trò chơi của con gái. Dùng một sợi dây dài khoảng 120 cm, cột hai đầu lại với nhau để tạo thành một vòng tròn. Mục đích là dùng sợi dây và các ngón tay để thắt hình. 

- Con quay (con vụ), được du nhập từ Trung Hoa vào Nhật Bản từ trước thời kỳ Heian (cách đây khoảng 1.200 năm). Lúc đó, con quay là đồ chơi của gia đình quý tộc, sau đó lan truyền rộng rãi trong dân chúng. Vào cuối thời kỳ Edo (cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18), các nghệ sĩ Nhật Bản đã trình diễn nghệ thuật chơi con quay "Kyoku goma" trên sân khấu và từ đó trò chơi này trở nên rất nổi tiếng. Ngày nay tại Nhật Bản có khoảng 1.000 loại con quay, với nhiều chủng loại, kích thước khác nhau (từ 0,5 mm đến 90 cm).

- Diều xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào thời kỳ Heian (794 - 1185) với tên gọi "Những con diều hâu bằng giấy" hay "Chim ưng bằng giấy". Ngày nay, loại diều phổ biến nhất là diều "chúc phúc". Người Nhật thường thả diều tại các lễ hội, cánh diều càng bay cao được cho là đem lại nhiều triển vọng. Một trong những phong tục thả diều phổ biến là thả diều vào ngày 5 tháng 5 (thường được gọi là ngày lễ bé trai). Diều cũng được dùng để xua đuổi những điều xấu.

Hạnh Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.