An Phước - giữ hồn nghề dệt chiếu

02/07/2007 11:53 GMT+7

Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, người nghệ nhân già Nguyễn Văn Trị vẫn điêu luyện trong từng động tác, say sưa với từng câu nói về nghề dệt truyền thống đã có đến hơn 5 thế kỷ nay. Trong ánh mắt mờ đục của người nghệ nhân có mái đầu bạc như cước thỉnh thoảng ánh lên niềm vui và ẩn hiện những nỗi niềm thao thức cho nghề dệt chiếu An Phước mãi lưu truyền.

Tìm về làng chiếu An Phước

Xuôi theo con đường quốc lộ khoảng 30km từ TP Đà Nẵng về phía Nam, thêm 2km đường xã, chúng tôi tìm đến làng An Phước (Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) khi ở đây đang mở hội chiếu làng trong Hành trình di sản văn hoá 2007. 

Người nghệ nhân già tận tình hướng dẫn từng động tác của nghề dệt như thể chúng đã kết tinh vào ông từ bao đời. Để rồi, trong ông không nguôi niềm mong muốn viết thêm trang sử làng nghề.

Đã hơn 500 năm nay, khi các vị tiền nhân Thanh Hoá theo hành trình mở mang bờ cõi phía Nam, đã phát hiện ra vùng đất đai trù phú An Phước, đem về những cây cói trồng cấy, dệt nên những chiếc chiếu đầu tiên và dệt cả một truyền thống văn hoá nơi đây.

Trải qua bao thế hệ, người làng An Phước đã dệt nhiều loại chiếu khác nhau: Chiếu bông, chiếu lảy (lảy chữ trên chiếu), chiếu bông lơi, chiếu xiêm... với một nét đặc sắc: “Chiếu làng An Phước có hoa văn sắc sảo, biết chặn chữ, bắt hình, những màu sắc hài hoà, cân đối...”, nghệ nhân Trị cho biết.

Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và nhất là lòng yêu nghề. Từng động tác phải được kết hợp hài hoà giữa người lùa cói và ép cói. Trong các loại chiếu thì chiếu bông và chiếu lảy là khó nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và sắc sảo. Cứ thế, chiếu làng có ở hầu khắp các tỉnh, thành miền Trung. Theo anh Nguyễn Thịnh, một tiểu thương trong làng cho biết, mặc dù thị trường chiếu cạnh tranh lớn nhưng chiếu An Phước vẫn được người dân ưa chuộng, bởi “độ bền, dẻo, đẹp và nhất là có thể bắt chữ theo yêu cầu...”.


Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói được bày bán - Ảnh: X.H

Hầu hết, người dân trong làng đều biết làm chiếu, những đứa trẻ lớn lên trong nghề nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ, ông bà. Có nhà có đến 7,8 đời làm chiếu, riêng nghệ nhân Nguyễn Văn Trị cũng có đến 5 đời làm nghề này.

Theo thống kê của ông Hứa Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Duy Phước: trong tổng số trên 600 khung dệt, hơn 100 lao động toàn xã làm nghề dệt, làng An Phước có đến gần 200 khung và khoảng 400 lao động thường xuyên.

Thu nhập của người làm nghề trung bình 20.000/ngày, nhưng do lao động, nguyên liệu tại chỗ nên đời sống cũng khá ổn định. Nghề dệt chiếm khoảng 20% thu nhập toàn xã. Tuy nhiên, những con số này đang có dấu hiệu ngày một giảm, người làm nghề chủ yếu là người già, phụ nữ, lớp trẻ theo nghề không nhiều, thường theo làm những công việc khác...

Cho nghề dệt chiếu vươn xa

Ngày 26.10.2004, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định số 4570/QĐ công nhận làng nghề truyền thống cho An Phước. Đây là niềm vui rất lớn đối với người dân và mở ra nhiều hướng đi mới trong việc phát triển làng nghề. Theo ông Lê Trung Bê, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, việc phát triển nghề truyền thống này sẽ gắn kết với các điểm du lịch trong tỉnh..; đồng thời xây dựng cơ sở vật chất, một số bến đò, thuận lợi cho du khách tham quan bằng đường sông. Hiện tại, chính quyền xã đang hoàn chỉnh đề án cụ thể trong chiến lược xây dựng bền vững.


Lớp trẻ dệt chiếu như em Kiêu, Vi ngày một ít - Ảnh: X.H

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công tỉnh, mở lớp đan hàng mỹ nghệ từ cói, từ ngày 5.2.2007, bước đầu đã đào tạo được cho 20 học viên và đến nay có đến 5 mẫu hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau. Cói được “hoá thân” thành những chiếc mũ, chiếc giỏ... sắc sảo qua những bàn tay vốn chỉ quen dệt chiếu, với giá từ 30.000 trở lên/sản phẩm. Sự xuất hiện của mặt hàng này thực sự đánh dấu một tín hiệu vui cho làng nghề trong định hướng phát triển du lịch. Những sản phẩm chiếu kết hợp với hàng thủ công mỹ nghệ và du lịch hứa hẹn đem lại một diện mạo mới cho An Phước và toàn xã.

An Phước đang sôi nổi trong những ngày hội, cái náo nức của người dân chẳng kém gì không khí hội làng dệt chiếu những thập niên trước đây trong ký ức của những nghệ nhân như ông Trị.

Nguyễn Xuân Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.