- Gái lùn! Dậy, con!
Lần này bà Gái mới chỉ gọi giật hai câu, con bé đã vùng dậy, ngáp dài một cái rồi vừa gãi mớ tóc bù, vừa thò chân xuống quờ tìm guốc. Lát sau thấy tiếng nước trong chảo bột vỗ óc ách. Rồi bốc lên mùi bột gạo ngâm chua khẳn và mùi than bén lửa khen khét mùi của sự sống, trong bóng đêm đen nhờ.
- Này, cẩn thận, lược cho kỹ, không bún giót như hôm qua. Mà xem lại cái khuôn đi, mẹ thấy không khéo nó thủng, con à.
Tuy vậy, bà Gái nói mà vẫn cảm thấy tiếng mình không thật. Nó vang đi đâu, trong căn nhà mái thấp đã mù mù hơi khói, hơi nước, chìm nghỉm bóng hai người đàn bà, một già một trẻ. Hóa ra ở đây, lúc này không cần ngôn ngữ. Lúc này, ngõ xóm khéo chỉ có hai mẹ con bà dậy bắt đầu việc làm bún.
Mọi người đang giấc. Không ngủ lúc này chỉ có ma, không ngủ lúc này họa chăng chỉ có kẻ trộm đang hành nghề. Thức giấc lúc này chỉ có hai mẹ con bà Gái. Hai mẹ con như hai cái bóng âm thầm, quờ quạng, cắm cúi vào công việc đầu tiên để làm ra sợi bún là gạn bột và nhóm lò.
***
Những sợi bún làm trong đêm đem lại lời lãi trông thấy. Một cân gạo làm được ba cân bún ngon. Nhưng khách chỉ được đổi có hai cân rưỡi. Làm bún tậu được ruộng, xây được nhà. Nhưng, đó là nói người có sức vóc và bỏ qua cái vất vả, cực nhọc của công việc này. Nó để lại di chứng trên hình hài, vóc dáng, cung cách của hai mẹ con bà. Người gì mà kiệm lời, mà cứ xo xo xúi xúi, cắm cắm cúi cúi, cấm có thấy gương mặt ngẩng lên. Hai bàn tay thì lúc nào cũng nhớt nhèo nhèo, các kẽ chân kẽ tay bị nước chua ăn mòn ngày qua ngày cứ bở bợt ra, trông thấy cả lớp thịt đỏ nhờ bên trong, như tay chân người hủi.
Muốn có sợi bún đẹp, ngon, công việc phải tỉ mẩn ngay từ khâu chọn gạo, không phải là hạt gạo mới lắm nhựa mà là hạt gạo cũ bụng bạc kia. Gạo muốn thành bún trước hết phải xóc cho kỹ, rồi xay thành bột ướt và ngâm cho nở ra. Nóng thì một, hai ngày. Rét thì có khi phải ngâm tới bốn, năm ngày. Bột nở đủ độ là vớt, cho vào khăn, gói lại rồi lấy đá lèn. Lèn cho khô rồi đem bột nặn thành quả. Quả bột hình thành nhờ tay người, rồi cũng tay người cho nó vào quay, thả nó vào nồi luộc.
Đã tưởng luộc chín là xong, nhưng đôi tay vẫn chưa được nghỉ ngơi. Nhấc quả bột đã chín phần da bên ngoài ra phải cho vào cối giã, sau đó cho vào bồn thấu cho nhuyễn. Thấu khó lắm, quá tay cho nước nhiều là nhão ngay. Ôi chao! Cái vất vả vẫn chưa buông tha. Vì bây giờ mới đến khâu lượt bột, tức cho bột vào cái lượt có hình cái túi làm bằng tơ lụa Hà Đông, bóp bằng tay thật kỹ cho bột mịn. Tuy nhiên, dùng sức nhiều hơn là việc vặn bún tiếp sau. Vặn thật mạnh để bột tuôn xuống nồi nước đang sôi, và trong mung lung hơi nước nhòe nhoẹt, khi bóng đêm đang tan, trong cái cảnh huống ba chìm bảy nổi, mới thấy được sợi bún lập lờ trong làn nước sôi cuộn.
***
Ôi, những sợi bún trắng muốt kết tinh từ trong bóng đêm vừa dai vừa giòn, rất mực bóng bẩy ngon lành. Công phu thật, nhưng đúng là mới nhìn sợi bún đã muốn ăn. Vừa đặt vào môi đã thấy nó trôi vào cổ họng. Người ăn bún quen dạ chẳng cần nói cũng biết là đông, nhất là đàn bà. Người nghiện bún cũng không ít. Ngày xưa trong ngõ này có cụ Thượng họ Bùi, còn bây giờ, hằng ngày vẫn có cả chục người đến chờ bún khuôn một, còn gọi là bún đầu nước, ngay từ lúc tinh mơ.
Bún đầu nước ít nhựa, dai giòn, ngon, một người ăn hết một cân bún rối là thường. Mà đấy chỉ là chấm nước mắm hay mắm tôm chanh ớt thôi đấy. Bún có nhiều loại. Sợi bún trong chậu lấy tay vóng lên, vuốt xuôi, rồi trở tay đặt xuống, sợi dài trông như con len tở, gọi là bún con bừa, con cúi. Bún nắm là vóng sợi bún lên tay, nắm cho nó kiệt nước, đặt xuống, to nhỏ theo ý mình. Nhưng thích nhất là bún vảy ốc, còn gọi là bún lá, bày ở mẹt bún chả, mười lá trắng tinh đẹp như hoa nhài, nhìn đã thấy mê.
Mê bún, nghiện bún ở ngõ xóm này xưa là cụ Thượng họ Bùi. Bà Gái nhớ: cụ Bùi Mỗ, người làng này, xưa học giỏi, tài cao, đức trọng, được thăng Thượng thư, vào nhậm chức ở Huế, nhớ bún quá, phải mời ông Quảng, anh giai bà vào chuyên làm bún cho cụ xơi. Sau, ông Quảng già, trở lại cố hương, Bùi tiên sinh thưởng cho chức Trưởng bạ.
Ngồi nghe mẹ kể chuyện mà cậu út Nhớn cứ dửng dưng như không. Chỉ Gái lùn là có vẻ lắng tai, nhưng lại nghếch mắt, lơ ngơ: "Thượng thư là chức gì, hả mẹ?". Bà Gái ngẩn mặt: "Thì thấy người ta nói vậy rồi nói theo chứ nào có biết. Mà biết để làm gì?".
Biết chẳng để làm gì cả! Vì quanh năm suốt tháng, từ đời cụ kỵ ông bà cha mẹ chỉ duy nhất một việc là làm ra sợi bún. Chỉ một nhịp sinh hoạt là ngày ngày trở dậy từ hai giờ sáng, hết gạn bột, luộc bột, giã bột lại đến thấu bột, lượt bột, vặn bún, khép kín một chu trình để đến sáu giờ giao hết hàng thì lăn ra ngủ. Ngủ tới hai giờ chiều là lại dậy chọn gạo, xóc gạo rồi mười giờ lên giường để hai giờ sáng lại bắt đầu vòng tuần hoàn mới.
Làm, chỉ có làm, đến mức da thịt hai bàn tay nát nhừ như bùn vữa. Làm, cả năm cả tháng chỉ nghỉ độc ngày mồng một Tết, là ngày miệng thiên hạ còn dành ăn cỗ. Làm như một thói quen. Như không có nhu cầu, không có sinh thú gì khác. Không quan tâm tới bất cứ cái gì khác ngoài công việc, vì đã chấp nhận sự an bài, không nề hà, suy bì so sánh, không biết đến khổ ải, thiệt thòi. Cũng chẳng có yêu cầu gì cho bản thân.
Vì ngay đến cả cái tên gọi cũng không cần nữa là. Mẹ là bà Gái. Con trai là Nhớn. Con gái là Gái con. Gái chị, Gái em, hoặc Gái lùn, Gái cao tùy theo vóc vạc. Từ đời ông bà đã vậy. Nhà là xưởng làm bún. Số kiếp lớn bé, nam nữ trong nhà thảy đều là thợ chuyên nghề làm ra món ăn dân gian phổ biến này.
Có nhẽ phải đến đời này, chỉ đến đời này mới có chút ngoại lệ. Tức cậu út Nhớn con bà Gái, từ lúc còn tuổi thiếu niên đã không tham gia công việc cùng cha mẹ và các chị. Cậu út Nhớn được đi học. Cậu tách khỏi đời sống lầm lũi cực khổ của mẹ và các chị. Mẹ cậu, chị cậu lấy ra từ bóng đêm nguồn sức mạnh tăm tối; còn cậu, chỉ tìm thấy ở đó lòng căm hờn và sự khinh miệt. Cậu bĩu môi, khinh bạc:
- Sống như dưới địa ngục thế này mà cũng chịu được!
***
Cậu út Nhớn mười bảy tuổi dong dỏng cao, da trắng mịn, mặt xương, mũi dọc dừa, tóc dày rậm, rẽ ngôi giữa, thanh tao nhẹ nhõm như một mũi tên, trông vẻ ngoài đã thấy đúng là cái tinh hoa vắt ra từ cuộc đời lam lũ của mẹ và chị. Nhưng trông sáng sủa vậy mà cậu học kém. Trượt vỏ chuối vào cấp trung học, cậu ở nhà chơi nhởn đã hơn năm.
Một hôm, tôi sang xưởng bún của bà Gái xin nước đãi bún, nước này có chất chua của bột lên men, rất rít, rửa bát sạch còn hơn nước rửa bát của Thái Lan, thì bà Gái níu lấy tôi:
- Cô ơi, cô đi làm, cô quen nhiều, cô giúp thằng Nhớn nhà tôi kiếm công ăn việc làm mới. Tôi sợ nó bị lôi kéo...
Nhưng tôi chưa kịp giúp cậu Nhớn được tí nào, đã thấy cậu vè vè cái xe Honda nữ hoàng đỏ chót đằng sau đèo một cô gái mặc váy cộc vào ngõ, mặt mày phớn phở khác thường.
Cậu út Nhớn thực hiện một cú nhảy vọt. Cậu đã có người yêu, đã có bồ bịch, nhân tình. Và còn hơn cả nhân tình nhân ngãi nữa. Vì từ hôm ấy cô gái nọ ăn ở với Nhớn ở nhà mẹ Nhớn, một căn buồng ở nách cái xưởng bún nọ, như vợ chồng thật sự.
Cô tên Mùa đệm chữ Kim, một cái tên giao duyên tân cổ. Cô trạc ba mươi. Chỉ nhận ra cô ở độ tuổi ấy mỗi trưa cô trở dậy, tóc tai rũ rượi, đánh răng, súc miệng òng ọc. Lúc ấy phấn son đã bong sạch, da mặt cô xàm xạm màu chì, lấm chấm nốt tàn nhang. Lúc ấy cô hiện hình thành một cô gái quê có đôi mắt trắng dã, ngực độc cái xu-chiêng bọc cặp vú to dài thõng thẽo như hai quả đu đủ, dưới cái quần hoa lửng là đôi chân vòng kiềng khuệnh khoạng.
Cô đứng vung tay vung chân làm vài động tác thể dục. Rồi ngáp. Rồi gãi nách, gãi sườn sồn sột. Rồi khịt mũi thấy mùi gạo ngâm, liền nhổ đánh phịt. Mùi đ. gì mà chua phát tởm thế, ông Nhớn?
Cô Mùa dậy muộn lắm. Quãng hơn mười giờ cô mới cùng Nhớn vắt vẻo cái ví đầm đi ăn trưa. Họ ăn trưa ở quán cơm bình dân về, lại đóng cửa buồng im ỉm. Đây là lúc họ làm khổ tai nhức óc hàng xóm. Họ cấu chí nhau. Họ đùa nghịch. Họ la hét. Rồi thi thoảng lại vóng vót lên tiếng ré chói tai của cô Mùa: "Cắn đ. gì mà đau thế, bố ai chịu được". Rồi cô chửi: "Tiên sư thằng nhãi, bà đã mệt phờ rồi mà mày còn hành bà à!".
Chí chóe cho đến năm giờ chiều thì Nhớn mở cửa dắt xe máy ra. Chàng đèo nàng đi làm. Bây giờ thì thật là nàng vì nàng đã thoát hẳn cái lốt thô phàm quê mùa vốn dĩ. Nàng mặc váy cộc màu tím, hoa đỏ. Nàng mặc áo vai bồng, riềm cổ chồm tới rìa cặp vú phồng. Mặt nàng biến dạng hoàn toàn. Son phấn phủ một lớp dày, trên đó bàn tay thẩm mỹ đã vẽ lên một cái mặt nạ đàn bà mắt to thô lố, miệng cười toe toét, thần thái nồng nã, như thấy đàn ông là vồ lấy ngấu nghiến. Nách cắp cái ví đầm, nghiêng nghiêng mái tóc dính hờ cái mũ nồi đỏ cờ, tay kẹp điếu thuốc, ngồi vắt vẻo ở sau xe, nàng rõ là một tiểu thư đài các đang đến chỗ làm.
"Thôi, đậu ở đây. Chờ em. Bai, bai!". Nàng hôn vào bàn tay, rồi giơ lên vẫy vẫy ra hiệu tạm biệt chàng. Chàng quành xe, chạy một quãng rồi rẽ vào quán nước. Đám người ngồi quán đang đánh bài, quay lại, nháy mắt: "Nhớn, vớ được cô em thơm thịt nhẩy!". "Con nhà làm bún chuyến này đổi đời thành công tử rồi. Cơm no bò cưỡi, sướng chưa? Sao không mời chúng tao một chầu bia, mày?".
Công tử Nhớn không nói, nhấc bao 555, rút một điếu, châm lửa, trả tiền rồi đi ra. Nổ máy xe, Nhớn chạy về nhà. Cậu đi qua sân, thấy mẹ và chị đang xóc gạo, không nói một lời, dựng xe, vào buồng xách cái làn đựng đầy quần áo nữ, quàng vào tay lái, đánh xe đi.
Lát sau nghe tiếng xe cậu trở về, tôi nhìn sang thấy cậu đang giở từng cái áo quần đã qua máy giặt phất lên cái dây phơi giăng qua sân. Cái dây phơi như có đàn bướm sặc sỡ vừa đậu xuống. Áo đủ các màu các kiểu, may-ô, váy dài, váy ngắn đủ màu, và những chiếc nịt vú, quần lót rung rinh trong gió, lấp cả lối qua lại của mẹ con bà Gái lúc này đang sửa soạn đồ nghề cho buổi tinh mơ sớm mai.
Mẹ con bà Gái đi ngủ từ chập tối. Ti vi không có. Ra-đi-ô cũng không. Nhưng dẫu có, họ cũng chẳng xem, chẳng nghe. Họ nhờ vào bóng đêm để lấy sức, để trở dậy lúc hai giờ sáng làm mẻ bún mới. Tuy vậy, giấc ngủ của họ, kể từ ngày Nhớn kiếm được chiếc xe và đèo cô Mùa về ăn ở, lại bị quấy rầy. Mười một giờ rưỡi, chiếc Honda nữ hoàng đỏ nổ máy ầm ầm. Đón cô nhân tình về rồi, căn nhà còn ầm ĩ thêm một lúc nữa, đến tận lúc cô Mùa gắt: "Sao hôm nay gặp toàn bọn đểu thế không biết! Thôi đi! Đang nẫu cả ruột đây, đang mệt bỏ cha đây!"...
Ngày nào cũng như ngày nào, lịch sinh hoạt của cậu út Nhớn cứ đều đều diễn đi diễn lại như thế. Thật chẳng còn hiểu quan hệ của họ thuộc kiểu gì. Vợ chồng thì không phải. Vì chẳng nhẽ Nhớn khinh mẹ cậu là con mụ làm bún đần ngu không biết gì nên không thèm hỏi qua một câu. Gì thì cũng phải có ăn hỏi cưới xin chứ. Mà xem cái cung cách con đàn bà đi đêm về hôm, ở nhà người ta cả tuần mà không biết chào hỏi ai lấy một câu, lại hợm của toàn lên giọng mỉa mai, ăn nói chỏng lỏn, cợt nhả, thô lỗ, thì hẳn không phải là con nhà tử tế đứng đắn rồi.
Bà Gái, Gái lùn ngậm miệng làm thinh. Đã quen với một thế giới không ngôn ngữ. Đã nhận ra chẳng thể thay đổi được tình hình. Hơi sức của họ chỉ đủ để hoàn thành công việc của người lao động làm ra sản phẩm để nuôi thân thôi. Dầu tôi biết là họ giận lắm, và nếu giận cô Mùa một thì họ giận cậu Nhớn hai. Cậu Nhớn bám vào cô Mùa để vinh thân, để ra khỏi kiếp phận. Cậu rủng rỉnh tiền bạc tiêu pha. Cậu mặc áo sơ mi hãng Pierre Cardin, đi giày Ý, đeo đồng hồ Seiko, hút thuốc ba số. Cậu chẳng đoái hoài gì đến mẹ và chị. Cậu quát: "Vứt mẹ nó cái nghề chết tiệt của các bà đi. Tởm đ. chịu được!".
***
Cái phải đến cuối cùng đã đến. Một trưa, đang đọc sách, bỗng nghe thấy tiếng la lối om sòm bên nhà bà Gái, tôi vội chạy sang.
Bà Gái đang ngồi sàng gạo ở cửa buồng. Mặt gằm xuống cái sàng, bà không dám ngẩng lên vì tiểu thư Mùa mặc bộ đồ cộc, hở nách mỏng tang ở cạnh cái dây phơi la liệt váy áo, đang nhảy chồm chồm, chao chát:
- Cha tiên nhân đứa nào ăn không ăn hỏng lấy của tao cái đồng hồ Lông-din giá hơn mười vé. Bà báo cho mà biết, duyên ai phận nấy chớ ghen mà nồng. Ừ, bà là cave đấy! Bà thuê thằng Nhớn làm vệ sĩ, bà nuôi nó, cho nó tiền bồi dưỡng sức khỏe để nó ôm ấp bà đấy. Này, đừng có nói bà đã chán chê mê mải vì khách chơi vầy vò, lại còn quyến rũ thằng Nhớn vì bà là con nặc nô dâm đãng chưa đã cơn thèm nhé! Cave là nghề của bà. Còn thằng Nhớn là tình nhân của bà. Hai việc khác nhau nhé!
Dẫu là Mùa chửi một mình, từ trong buồng, Nhớn vội nhao ra để can ngăn. Nhưng vệ sĩ vừa ra khỏi cửa, còn đang mắt nhắm mắt mở đã bị cô cave thực hiện ngay một cú nhà nghề, tay đẩy chân ngáng khiến cậu quay lơ ra đất.
- Cả ông nữa. Ông còn liếc ngang liếc dọc con mắt xanh mỏ đỏ nào nữa thì tôi cho một nhát xong đời đấy, hiểu chưa? Chó nào, chủ ấy chứ! Đ. mẹ, không có tao nằm ngửa ra thì lấy c. mà đổ vào nồi à! Nói cho mà biết, không có tiền của bà thì mày lấy đâu đồng hồ mà đeo, áo quần sang trọng mà mặc, xe máy mà đi. Mày mở mày mở mặt nhờ con cave này đấy, hiểu chưa? Chứ cái thứ con nhà làm bún như mày, chỉ đáng giặt xi-líp cho bà thôi. Con sãi ở chùa thì quét lá đa thôi, chứ tưởng của báu đấy, hả!
Thấy mình hèn quá, Nhớn vận nội công bật dậy, định xông tới vả vào mồm cô cave mấy cái, nhưng chưa kịp làm đã sững người há hốc mồm. Tiểu thư cave mặt hầm hầm quay lại đưa tay giật liên hồi đám quần áo phơi, rồi vào buồng xách túi ra, nhét đầy vào đó, đoạn đi tới cái xe Honda đỏ chót ngồi lên, không cả thay quần áo, dận máy nổ ầm ầm.
- Kim Mùa! Kim Mùa! Cho anh xin lỗi! Anh xin lỗi em mà!
***
Không nơi nương tựa, Nhớn lại trở thành kẻ thất nghiệp ăn bám mẹ và chị. Nhưng một tháng sau, nhờ mẽ người cao ráo, bảnh bao, cậu lại làm vệ sĩ cho một ả cave khác. Cậu lại có xe máy, quần áo đẹp mặc và tiền tiêu rủng rỉnh. Nhưng lần vẫy vùng này để cố ra khỏi bóng tối của số kiếp cũng lại không ăn thua. Vẫn lại là kịch bản cũ, có thêm hồi kết thúc bi đát hơn.
Trong một trận tranh chấp quyền lực, Nhớn bị đối thủ tẩn cho trận bò lê bò càng. Phải phục thuốc đến ba tháng sau Nhớn mới lại sức. Bà Gái nói: "Thôi, con ở nhà làm bún với mẹ và chị đi. Vất vả, nhưng đồng tiền kiếm được nó chắc chắn vì nó lương thiện, con à". Thấy ông con im, bà liền hấp hay con mắt, khấp khởi: "Mẹ già, chị con cũng yếu rồi, giờ làm buổi đực buổi cái thôi, cần có con giúp đỡ trông nom cơ nghiệp này. Nếu con bằng lòng, mẹ sẽ đưa con ít tiền để lo việc mua máy móc. Mẹ nghe nói giờ người ta đã chế ra máy xay, máy nhào, máy vắt bún rồi". Mẹ vừa dứt lời, Nhớn liền nhổm dậy: "Mẹ có được bao nhiêu tờ?".
***
Giờ thì Nhớn giữ chân bảo vệ khách sạn Rose ba sao ở phố Q. Đó là những nỗ lực tột bậc để cố giành lấy cái cậu không có, để đổi thay số phận của cậu.
Cậu khoe với tôi: "Phải mất năm vé đút lót mới được nhận vào việc ấy". Thấy tôi nhún vai, cậu liền mím môi cười: "Chị y hệt mẹ em. Nhưng chị ơi, chỉ cần một năm tiền boa là em lấy lại đủ vốn thôi".
Rồi cậu con trai nhà làm bún ngả người, giang hai tay vênh vang một cách hồn nhiên:
- Cứ sấp mặt xuống làm nên có biết gì đâu. Bây giờ mở mắt ra mới biết thiên hạ ăn chơi khủng khiếp. Một bữa tiệc vài ba triệu là chuyện thường. Một tay giám đốc cắp theo con bồ cỡ Kim Mùa đến bao ăn ở cả tháng khách sạn là chuyện thường... Em hầu bọn này còn sang hơn cả ông bác em theo cụ Thượng nào đó vào Huế làm bún cho cụ ăn chị ạ... - Cậu thêm, vẻ rất đắc ý - Tất nhiên còn nghìn lần sướng hơn cái công việc đầu tắt mặt tối của mẹ em, chị em, chị ạ...
Ma Văn Kháng
Bình luận (0)