Nguyễn Văn Mười Hai làm lại cuộc đời - Kỳ 2: Làm thầy phong thủy

11/07/2007 23:34 GMT+7

Trở thành "đại gia" và bị bắt giam năm 30 tuổi, sau 17 năm ngồi tù Nguyễn Văn Mười Hai cũng chưa đến lúc phải gọi là già. Chỉ có bất lợi cho ông là 17 năm ấy xã hội phát triển rất nhanh, khiến ông bây giờ như một cậu bé phải học. Nhưng những năm trong tù ông lại học được một thứ mà người ở ngoài tù không hẳn muốn là học được…

"Mặc cảm nặng"

Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, ông đã tâm sự với chúng tôi: "Có thể là qua anh với anh Trừng cũng hun đúc cho tôi niềm tin. Tôi cần cái chỗ là điểm tựa như vậy đó.  Bây giờ chưa thể làm gì, tôi mặc cảm nặng lắm, rất nặng".

Ông kể rằng, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Trừng đã bào chữa cho ông mà không lấy tiền. Năm ấy, chị vợ ông từ nước ngoài về có mang đến 2 cây vàng nhưng luật sư Trừng cũng từ chối, bảo mang về "lo cho hai đứa con thằng Mười Hai". Sau khi ông có án và lên thụ hình ở trại Xuân Lộc, luật sư Trừng cũng lên thăm, cho 200 ngàn đồng và một quyển sổ tay.

Trong quyển sổ ấy có ghi hai câu thi kệ của đại sư Mãn Giác: "Chớ nghĩ xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai". Ông rất tâm đắc hai câu ấy và lấy đó làm điểm tựa phấn đấu để thay đổi số phận của mình. Và rồi đêm đêm, các bạn tù lần lượt chìm vào giấc ngủ thì ông vẫn lọ mọ một mình thao thức. Ông nói: "Cán bộ giao việc gì tôi cũng lo làm tốt, vì chỉ có một con đường là cải tạo tốt mới được giảm án và ra trại thôi. Nhiều người cứ nghĩ tôi là đại gia ở tù cũng sướng nhưng thực ra vợ con tôi đâu có điều kiện để thăm nuôi.

Cô ấy không có nghề nghiệp, hồi đó là bạn học của tôi, năm 77 tốt nghiệp cấp 3, đi xuất cảnh nhưng không đi, xin ở lại VN theo chồng vĩnh viễn. Rồi ở với chồng phụ việc trong gia đình thì bị bắt vì cái tội là tổng quỹ. Thực ra bả đâu có học kho bạc kho quỹ gì đâu mà tổng quỹ, nhưng bị xử án 12 năm. May mắn là ở được hơn 5 năm thì Nhà nước đặc xá cho về với con vì con bơ vơ quá".

Từ một cậu bé nghèo trở thành "đại gia" rồi trong phút chốc trắng tay, giờ đây Nguyễn Văn Mười Hai nói rằng ông đang bị lùi về "số âm" chứ không được "số 0" như một số người khác. Bị "số âm" là vì ông chưa thể tiếp cận ngay được với một xã hội mà ông đã bị cách ly ngần ấy thời gian. Giữa một TP.HCM chỉ 4 triệu dân, chưa ai biết karaoke, internet, cà phê máy lạnh, cơm văn phòng... là gì khi ông chưa bị bắt với một TP.HCM 8 triệu dân sầm uất, hiện đại và phát triển năng động chưa từng có như ngày nay.

Còn nhớ một lần hôm đầu tháng 6, khi chúng tôi mời ông vào quán Zenta ở đường Mạc Đĩnh Chi uống cà phê, ông đã chưng hửng hỏi chúng tôi: "Ủa, ở đây người ta cũng dạy vi tính nữa à?". Chúng tôi phải giải thích với ông là hầu hết các quán cà phê ở Sài Gòn bây giờ đều có hệ thống internet không dây, khách chỉ việc mang máy vi tính xách tay đến truy cập để xem báo hoặc theo dõi chứng khoán. Một buổi tối khác, chúng tôi hẹn ông đến cà phê La Mode ở góc ngã tư Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, ông lại đứng trước cửa gọi điện vào hỏi: "Có phải nó giống như nhà hàng không?"...

Chuyện gió và nước

Thời gian biểu của ông bây giờ chủ yếu là học. Nhưng ông cũng chưa dám vào lớp bằng "tên cúng cơm" của mình mà phải mượn tên người khác, khi là tên con trai, khi là tên bạn cũ. Sau lớp chứng khoán, ông học tiếp chương trình vi tính dành cho nhân viên văn phòng và ngấp nghé muốn đeo đuổi chương trình đào tạo lập trình viên kéo dài 3 năm. Ông cũng muốn ghi danh thêm vào lớp giám đốc điều hành nhưng khi nhìn thấy thông báo học phí 9 triệu đồng đã hoảng. "Kinh khủng quá, tôi toàn xin tiền bạn bè đi học mà học phí cao dữ vậy đâu có dám xin, vợ tôi cũng cằn nhằn nói ông học cái đó để làm gì" - ông than thở.

Biết ông chấm tử vi, coi phong thủy và thỉnh thoảng cũng châm cứu cho một số người quen, chúng tôi hỏi sao không lấy đó làm nghề để phụ tiền chợ vợ con, ông lắc đầu: "Không được đâu, tôi sợ lắm, cảm giác sợ cũng còn nặng lắm". Hôm hẹn chúng tôi ra quán cà phê Napoli ở hồ Con Rùa, ông đến muộn vì bận coi đất cho một "đại gia" chuẩn bị khởi công xây biệt thự ở Q.9. Lần đó, vợ chồng "đại gia" ấy cũng chuẩn bị một phong bì tiền nhưng rồi ông cũng không dám cầm. Rồi do ông không lấy tiền nên nhiều người phải trả ơn bằng cà phê, đường, sữa, mì tôm... và mời đi nhậu. Riêng chuyện nhậu này, ông than: "Lần nào uống cũng chỉ có mấy chai mà mệt muốn chết, về tối cũng không đọc sách nghiên cứu gì được, bà xã cũng cằn nhằn lắm".

Mới đây, một người bạn thân của chúng tôi không biết cảm nhận điều gì bất thường mà cũng muốn rước thầy phong thủy về xem nhà cửa. Biết chuyện, chúng tôi mời ông ra quán cà phê và gọi anh bạn đến "mai mối" cho hai bên gặp mặt. Ông hỏi bạn chúng tôi: "Nhà anh xài nước giếng hay nước thủy cục?" "Nước thủy cục" - bạn chúng tôi đáp. Ông hỏi luôn một lèo: "Nhà có lầu không? Có bồn chứa và sử dụng máy bơm không?". Bạn chúng tôi cho biết là nhà có một lầu, trên lầu đặt một bồn chứa 500 lít, máy bơm đặt ở tầng trệt hút trực tiếp nước từ đường ống thủy cục đưa lên bồn để dùng chung cho cả lầu 1 và dưới trệt. Nghe vậy, ông nhăn mặt nói ngay: "Không được đâu".

Thực ra cái "quy trình hút nước" kiểu như vậy gây ảnh hưởng đến áp lực nước chung của mạng thủy cục đồng thời dễ làm ô nhiễm nguồn nước nên Công ty cấp nước đã kiến nghị và UBND TP.HCM cũng đã theo đó ban hành một quyết định nghiêm cấm từ mấy năm nay. Tuy nhiên, cách giải thích của ông đã làm cho bạn chúng tôi thấy sợ và mấy ngày sau phải lo gọi thợ đến cải tạo lại đường ống nước. Ông nói: "Ở thành thị, mạch khí của ngôi nhà là mạch nước. Do vậy phải đặt một cái bồn lớn âm xuống để chứa nước, sau đó bơm nước từ bồn lớn lên bồn nhỏ hơn ở trên cao và cho chảy xuống sử dụng trong nhà. Bồn lớn chính là hầu bao còn bồn nhỏ là chi tiêu. Nếu nhà mà không có hầu bao, tiền của vào cũng như gió vào nhà trống, không thể giữ được. Nếu hầu bao nhỏ hơn chi tiêu thì cũng nguy vì làm không đủ xài...".
(còn tiếp)

Võ Khối

Kỳ 1: Học nghề chứng khoán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.