Theo cảnh báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, vào mùa lũ năm nay, trên các sông lớn của tỉnh Vĩnh Long có một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao: Trên sông Tiền có khu vực đình Tân Hoa (xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long), khu vực đầu cù lao Minh (xã An Bình, Long Hồ); trên sông Cổ Chiên có khu vực kè sông Cổ Chiên (Phường 1, thị xã Vĩnh Long), khu vực ấp Phước Định 1 và 2 (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ), khu vực từ vàm Cái Lóc đến vàm Mỹ An (xã Mỹ An huyện Mang Thít), khu vực đầu cù lao Dài (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm); trên sông Hậu có khu vực thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn). Trong nội đồng, có các tuyến sông, rạch như: kênh Chà Và Lớn (huyện Tam Bình, Bình Minh), kênh Bảo Kê, sông Ngãi Tứ (Tam Bình) và rạch Mương Lộ (Long Hồ).
Hiện nay, tại khu vực đình Tân Hoa (di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp quốc gia) ven sông Cổ Chiên thuộc ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long dù đã được tỉnh xây dựng bờ kè bằng bê tông kiên cố nhưng nước xoáy tiếp tục tác động làm lún, nứt, thậm chí có một số điểm nghiêng cả bờ kè ra sông, một số đoạn gần bờ kè tiếp tục có hiện tượng rạn nứt. Hiện Bảo tàng Vĩnh Long đang tháo dỡ, di chuyển các cổ vật trong đình về cất tạm ở kho trong khi chờ tỉnh quyết định phương án di dời đình về nơi mới hoặc có phương án bảo vệ đình ở vị trí cũ.
Dọc theo tuyến sông Mang Thít thuộc địa phận thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, năm 2006 đã bị sạt lở, kéo theo một số căn nhà đổ xuống sông; nay nhiều vết nứt mới lại xuất hiện làm cho các hộ dân đang sinh sống ở khu vực này lo ngại, nhất là khi mùa mưa lũ đã đến. Người dân trong vùng sạt lở rất mong chính quyền địa phương sớm triển khai xây dựng khu tái định cư để họ có thể di dời đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Hoàng Học, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết: Dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở trên tuyến sông này đã được UBND tỉnh đồng ý, có thể sẽ được triển khai trong năm nay. Trước mắt, khi chưa có nơi để di dời các hộ dân, địa phương thường xuyên cảnh báo để trên 500 người dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở phải theo dõi tình hình chặt chẽ, báo ngay cho chính quyền địa phương khi có hiện tượng rạn nứt đất. Ban đêm, người cao tuổi và trẻ em phải di dời vào sâu bên trong đất liền để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, các vật nặng nằm bên tuyến sông có nguy cơ sạt lở thì nên di dời đến nơi khác.
Ở một vị trí khác là tuyến đê bao Cồn Giông nối liền hai ấp Tân Thạnh và Mỹ Thuận thuộc xã Tân Hội của thị xã Vĩnh Long cũng đang có nguy cơ sạt lở rất cao trên một đoạn dài khoảng 200m. Tuyến đê bao này nối liền hai ấp Tân Thạnh và Mỹ Thuận, có khả năng bảo vệ cho 100 ha diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái của 300 hộ dân trong khu vực. Nếu không kịp thời gia cố, khi mùa mưa lũ chính vụ đổ về, toàn bộ khu vực này chắc chắn sẽ bị nước nhấn chìm, đồng nghĩa với việc diện tích vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản tại đây sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn.
Đối với các khu vực đã và đang bố trí vốn để xây dựng bờ kè bảo vệ bờ sông như kè phường 5, kè phường 1, kè Măng Thít, kè Tam Bình, kè Vũng Liêm, cùng với việc ưu tiên vốn đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Long đang chỉ đạo các chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình đúng theo thiết kế đã được duyệt. Với một số điểm có nguy cơ hoặc đã sạt lở, ngành nông nghiệp và các địa phương cần nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án bảo vệ tránh để xảy ra sự cố rồi mới lo đi khắc phục như ở một số điểm sạt lở đã xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo TTXVN
Bình luận (0)