Chim ăn thịt
F-22 “Raptor” ban đầu được thiết kế để trở thành máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không trước không quân Liên Xô. Sau quá trình phát triển dài hơi, F-22 với biệt danh “Chim ăn thịt” (Raptor) không còn là một máy bay tiêm kích đơn thuần nữa. Ngoài các phương tiện không chiến, nó còn được trang bị để thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và do thám.
Chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ cho ra đời chiếc YF-22, bay thử nghiệm vào năm 1990. Mục tiêu của chương trình là tìm giải pháp thay thế chiến đấu cơ F-15 Eagle và nhằm đối chọi với các loại máy bay chiến đấu tân tiến của Liên Xô thời bấy giờ như Su-27. Sau hàng loạt thử nghiệm, cuối cùng người Mỹ đã tìm được sản phẩm ưng ý, đó là chiếc F-22 “Raptor”, bay thử lần đầu vào năm 1997. Đến tháng 12.2005, chiếc F-22 đầu tiên được giao cho không lực Mỹ, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của thế hệ chiến đấu cơ thứ năm. Theo website quân sự AirForceLink.com thì tính đến giữa năm 2007, 91 chiếc F-22 đã được không quân Mỹ đưa vào sử dụng.
Chính sách bảo mật thông tin của Mỹ khiến việc so sánh F-22 với các loại máy bay khác rất khó nhưng nhiều nguồn tin khẳng định “Chim ăn thịt” là máy bay chiến đấu hiệu quả nhất thế giới. Năm 2004, trong báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc, tướng Không quân Angus Houston tuyên bố rằng “F-22 sẽ trở thành máy bay chiến đấu nổi bật nhất”. Còn theo website quân sự GlobalSecurity.com, vào tháng 3.2005, Tham mưu trưởng Không lực Mỹ John Jumper, khi ấy là người duy nhất từng lái cả Eurofighter Typhoon của châu u và F-22, đã nói rằng: “Chiếc Eurofighter Typhoon vừa nhanh nhẹn, vừa tinh vi, nhưng vẫn khó sánh với F-22”.
Sau một cuộc diễn tập với 8 chiếc F-22 tại Nevada vào tháng 11.2005, trung tá Jim Hecker, chỉ huy phi đội máy bay chiến đấu số 27 tại Căn cứ Không quân Langley, Virginia, bình luận: “Chúng tôi đã tiêu diệt 33 chiếc F-15C mà không hề chịu một thiệt hại nào. Họ không hề nhìn thấy chúng tôi”. Tuyên bố của Hecker cho thấy phần nào khả năng qua mặt radar đối phương của F-22. Tháng 6.2006, trong một cuộc tập trận ở Alaska, một chiếc F-22A đã đạt tỷ lệ tiêu diệt 144/0 trước những chiếc F-15, F-16 và F/A-18 đóng giả Mig-29, Su-30 và các loại máy bay chiến đấu khác của Nga.
Chịu trách nhiệm phát triển F-22 là Lockheed Martin, tập đoàn rất nổi tiếng với các loại máy bay quân sự như C-130, F-117, F-16, C-5... Boeing tham gia với vai trò đối tác chính; ngoài ra còn có một số nhà thầu phụ khác.
Chương trình đại tốn kém
Toàn bộ chương trình phát triển F-22 đến nay đã ngốn khoảng 70 tỉ USD. Vào thời điểm giữa năm 2006, chi phí sản xuất một chiếc F-22 vào khoảng 120 triệu USD. Nếu cộng thêm cả chi phí nghiên cứu thì con số sẽ lớn hơn nhiều. Tháng 4.2006, chi phí toàn bộ cho mỗi chiếc F-22 được Văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ ước tính là 361 triệu USD. Chi phí này phản ánh tổng chi phí cho chương trình F-22 chia cho số lượng những chiếc mà không quân Mỹ dự định mua. Điều này có nghĩa nếu số lượng mà không quân Mỹ đặt mua càng nhiều thì giá mỗi chiếc F-22 sẽ càng giảm. Đây cũng là vấn đề đau đầu.
Khi chương trình F-22 mới khởi động vào thập niên 80 của thế kỷ trước, không quân Mỹ dự định mua 750 chiếc. Việc quân đội Mỹ muốn có nhiều máy bay tối tân là điều dễ hiểu trong thời Chiến tranh lạnh, khi mà không quân Liên Xô không ngừng hiện đại hóa. Tuy nhiên, cùng với sự tan rã của Liên Xô, người Mỹ đã mất đi đối thủ chính trong cuộc chạy đua vũ trang. Nhu cầu sắm máy bay hiện đại vì thế cũng giảm. Thế là con số dự mua 750 chiếc nhanh chóng trở thành dĩ vãng.
|
Từ đó có thể thấy rằng dù Lầu Năm Góc để ngỏ khả năng mua thêm, chứ không dừng lại ở con số 183, nhưng khả năng đó vẫn rất mơ hồ. Trong khi Công ty Lockheed Martin lại cần một lời đảm bảo chắc chắn để lên kế hoạch sản xuất, bởi làm ra một chiếc máy bay không phải là công việc của ngày một ngày hai. Còn trong trường hợp Lầu Năm Góc chỉ mua 183 chiếc F-22 thôi thì người ta phải tính đến phương án xuất khẩu. Bởi dừng lại ở con số 183 cũng có nghĩa là chương trình trị giá 70 tỉ USD kết thúc trong thất bại. Hàng ngàn nhân viên kỹ thuật cao làm việc cho dự án này tại các tiểu bang Georgia, Texas, California có nguy cơ thất nghiệp.
Vị cứu tinh Nhật Bản
Trong hoàn cảnh quân đội Mỹ chần chừ thì xuất khẩu được xem là lối thoát cho chương trình F-22. Tuy nhiên, giống như nhiều loại chiến đấu cơ chiến thuật khác trong quá khứ, việc xuất khẩu
F-22 đã bị chặn lại. Quốc hội Mỹ nhiều lần phản đối việc bán “Chim ăn thịt” ra nước ngoài. Mới đây nhất, đề xuất về xuất khẩu
F-22 đã bị Thượng viện bác vào đầu năm nay. Tuy nhiên, viễn cảnh hàng ngàn nhân viên kỹ thuật cao thất nghiệp đã được những người ủng hộ xuất khẩu sử dụng làm áp lực đối với Quốc hội. Người ta hy vọng rằng sớm muộn gì giới nghị sĩ cũng sẽ mở đường cho F-22 “bay” ra nước ngoài.
Tới đây, thêm một vấn đề nữa được đặt ra: bán F-22 cho ai? Với khả năng tàng hình và hàng loạt tính năng cao cấp khác, F-22 là loại vũ khí trong mơ của bất cứ nước nào. Một chiếc F-22 có giá bán khoảng 130 triệu USD vào cuối năm 2006, cách xa một trời một vực so với nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại của Nga và châu u. Mua khoảng 10 chiếc này sẽ ngốn một tỷ lệ phần trăm lớn trong GDP của các quốc gia có nền kinh tế hạng trung. Tất nhiên, thế giới rộng lớn này cũng có nhiều nước đủ tiền để mua một số lượng lớn
F-22, chẳng hạn như Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Úc... Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều nước đủ tiền mua F-22 thì việc chọn khách hàng cũng là bài toán đau đầu. Mỹ sẽ không bán loại máy bay siêu hiện đại này cho một quốc gia không phải là đồng minh đặc biệt thân thiết. Vì lý do này mà Nhật Bản, Anh, Úc... trở thành khách hàng tiềm năng hiếm hoi của F-22. Đây là những nước hội đủ các yếu tố: đồng minh thân cận và nhiều tiền. Tuy nhiên, khả năng bán F-22 cho một đồng minh ở châu u đã bị loại trừ bởi nhân tố Eurofighter Typhoon, loại máy bay chiến đấu hiện đại do một nhóm cường quốc châu u liên kết sản xuất. Eurofighter Typhoon hiện là lựa chọn hiển nhiên của Đức, Anh... và vì thế không lý do gì các nước này để mắt tới “món đồ xa xỉ” của Mỹ.
Thế nên, trong thế giới rộng lớn này, xem ra chỉ có Nhật và Úc là khách hàng tiềm năng của F-22. Hãng tin AP cho biết trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống George Bush hồi tháng 4.2007, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa vấn đề mua F-22 ra bàn. Quả thực, sau khi nâng Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, Nhật đang có nhu cầu hiện đại hóa quân đội rất lớn. Đội ngũ máy bay “có tuổi” của họ cần được thay thế và F-22 là món hàng mà họ muốn. Mỹ cũng rất hứng thú với việc bán
F-22 cho Nhật mà việc điều F-22 tới các căn cứ tại Nhật mới đây được xem là chiêu tiếp thị của Mỹ. Đầu năm nay, người Nhật đã được dịp mãn nhãn khi 2 chiếc F-22 cùng 2 chiếc F-15 của Mỹ chơi trò đánh trận giả với một đàn F-4 và F-15 của Nhật trên bầu trời tại căn cứ Okinawa. Đến đây thì vấn đề đã rõ: người Mỹ muốn bán F-22 cho Nhật và phía Nhật cũng rất thích đồng thời có dư tiền để mua. Khúc mắc còn lại là làm sao việc xuất khẩu này được Quốc hội Mỹ cho phép. Điều này đang khiến nhiều người lên ruột, bởi chậm chân một chút thì Nhật có thể đổi qua mua Eurofighter Typhoon.
Về trường hợp của Úc, có một số đề xuất mua F-22 thay vì F-35. Đề xuất này đã được Công đảng ủng hộ trong bối cảnh chiếc F-22 đã chứng minh được những khả năng vượt trội trong khi F-35 vẫn đang trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ Úc đã loại trừ việc mua F-22 bởi có lẽ nó sẽ không được phép xuất khẩu và không đáp ứng các yêu cầu của Úc. Viện chính sách chiến lược Úc cho rằng F-22 “không đủ khả năng đa dụng và có giá quá cao”. Vì thế, Nhật Bản được xem là “vị cứu tinh” duy nhất cho F-22 “Raptor”.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)