Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tình hình TNGT đường sắt trên cả nước có xu hướng tăng về số vụ, số người bị thương và số người chết so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm 2007 tới nay đã xảy ra 16 vụ TNGT đường sắt, có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng (trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đồng Nai). Các vụ TNGT thường xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, nguyên do con người (lái xe, đi bộ) không chú ý quan sát trước khi vượt qua đường ngang, thậm chí có người cố tình vượt khi đã có cảnh báo có tàu. Vụ TNGT mới nhất xảy ra vào rạng sáng 14.7 vừa qua tại H.Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) là do chiếc xe khách bị chết máy khi băng ngang đường sắt, tài xế xe khách xử lý không kịp nên đoàn tàu Thống Nhất SE4 đã tông vào đuôi xe, rất may toàn bộ hành khách đã kịp thời thoát ra khỏi xe trước khi tàu băng đến.
Vụ TNGT đối với xe khách gần đây nhất xảy ra trên địa bàn H.Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) sáng 16.7 vừa qua làm 7 người chết tại chỗ và 21 người bị thương. Theo điều tra ban đầu của công an, tài xế đã chạy quá tốc độ và lấn trái đường. Theo một tài xế có trên 30 năm hành nghề, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những vụ TNGT thảm khốc. Ông nói rằng có những tài xế rất giỏi nghề nhưng không đồng nghĩa với chuyện lái xe an toàn nếu như họ chạy ẩu. Lẽ ra đối với những cung đường nguy hiểm, tài xế phải giảm tốc độ thì vẫn cứ cho xe chạy nhanh; khi đến đường ngang tàu hỏa nếu ai cũng quan sát kỹ trước khi băng qua đường sắt thì sẽ không có những cái chết thương tâm.
Cái gốc của chuyện tài xế chạy ẩu là gì? Một cán bộ quản lý ngành vận tải cho biết là tình trạng tranh giành rước khách, phóng nhanh vượt ẩu, thường thấy ở các xe không thương hiệu. Tài xế đồng thời là chủ xe, hoặc là người nhà chủ xe, để tranh giành khách tăng doanh thu họ bất chấp sự an toàn của hành khách và cả bản thân mình. Nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc doanh nghiệp xe khách Rạng Đông (TP.HCM) là tài xế quá mỏi mệt khi cầm lái. Theo quy định hiện hành, tài xế không được cầm lái liên tục 4 giờ đồng hồ. Quy định vậy nhưng làm sao kiểm soát được. Thường thì đối với xe khách đường dài, trên mỗi chuyến đều có 2 tài xế thay phiên nhau cầm lái, người này mệt thì người kia thay, hoặc chia ca chạy (theo từng cung đường). Nhưng trúng vào ca mình mà tài xế đang mệt mỏi thì lấy gì đảm bảo an toàn. Do vậy trên những tuyến đường dài việc xây dựng các trạm dừng chân để nghỉ ngơi, thư giãn rất cần thiết đối với cả lái xe và hành khách, góp phần hạn chế TNGT.
Mai Vọng
Bình luận (0)