Ba cô gái tí hon trong căn nhà lá

27/07/2007 22:23 GMT+7

Một căn nhà lá nằm trên rẻo đất sình lầy là nơi sinh sống lặng lẽ của ba cô gái tí hon. Họ là ba chị em ruột: Lia 37 tuổi, Thia 35, và Tiếp - nhỏ tuổi nhất - cũng đã qua 25 mùa nước ngập sân nhà...

Nhìn thấy khách cặp xuồng phía bờ sông, cô gái đang lảng vảng trước hiên nhà chạy lẹ vào trong. Anh Nguyễn Thành Kiên, cán bộ xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau nói vội với tôi: "Ba chị em nhát lắm, trước nay có ai ghé nhà là mấy cô chạy trốn biệt". Trong căn nhà trống huơ trống hoác, người mẹ ngồi đờ đẫn ném về khách lạ một ánh mắt vô hồn. Cô út tên Nguyễn Thị Tiếp ngồi núp sau lưng, mượn chiếc vai còng của người mẹ già làm chỗ trốn tránh. Chị lớn Nguyễn Thị Lia thì chạy vội ra bờ dừa gọi người em trai tên Hảnh đang ương mấy dây bầu dây mướp vào tiếp khách. Lia nói ở nhà chỉ có Hảnh là người "có học", biết "trả lời" khách chứ ba chị em cô và người mẹ bị tai biến ngồi một chỗ không ai biết gì hết. Còn người chị kế, là người yếu nhất trong ba chị em, thì ngồi lọt thỏm trên bộ ván kê thấp lè tè dưới đất. Trong suốt buổi nói chuyện, người mẹ Lê Thị Lựu, 73 tuổi, chỉ kể được một câu chuyện liền mạch, không đứt quãng: "Hồi sanh tụi nó ra, thấy tay chân có một lóng, người ta biểu vợ chồng tui xách đi cho hay bóp mũi chết, chớ như vậy làm sao nuôi được. Tui đâu có nghe theo, con của mình tạo ra thì mình nuôi, chứ làm vậy sao nỡ". Nghe kể, ba chị em ngồi xúm xít sau lưng mẹ, lặng thinh cúi mặt. 

Ông bà Nguyễn Văn Hớn, Lê Thị Lựu ở ấp Kinh Hãng, xã Khánh Hưng có cả thảy 8 người con. Nhà nghèo, người con cả tên Nguyễn Văn Hở đi ở rể ở Kinh Hàng Me. Ba người con gái khác tên Nguyễn Thị Kết, Nguyễn Thị Nâu, Nguyễn Thị Diền đều có chồng xa, cả ba đều chung một cảnh nghèo khó, làm mướn mua gạo từng bữa. Ông Hớn mất cách nay 11 năm, tài sản để lại của ông là căn nhà rách nát và 20 công ruộng để con trai Nguyễn Văn Hảnh làm lụng nuôi mẹ và ba chị em gái chưa chồng. Lia, Thia, Tiếp mặt mày sáng sủa, nói năng gọn gàng, lễ phép. Cả ba đều bước sang cái tuổi "lỡ thời" theo cách nghĩ của người miệt ruộng. Lia ngậm ngùi: "Tụi em ở vậy luôn, hổng dám nghĩ đến chuyện có chồng". Thia thì tình thiệt nói: "Mình có một khúc, có nhìn người ta thì cũng đâu ai nhìn lại mình". Nguyễn Văn Hảnh cho biết Hảnh cao 1,5m, còn ba chị em mỗi người chỉ cao quá nửa chiều cao của mình. 


Chị Lia nhóm lửa nấu nước

Không gian của ba chị em gái trước giờ chỉ là bốn bề vách lá và mảnh vườn nhỏ ngập nước. Người đàn ông duy nhất còn lại trong gia đình là Nguyễn Văn Hảnh đang học lớp 10, cha mất, cũng đành nghỉ học về cày ruộng nuôi mẹ và chị. Nhưng 20 công đất cũng lần lượt trở thành ruộng cày của người khác. Một lần mẹ bệnh, hai lần các chị bệnh, Hảnh đành đem ruộng đi cầm cố cho người quen ở bên kia Kinh Hãng để lấy 2 cây vàng trang trải thuốc men. Hảnh nói, những lúc đó không bán đất để có tiền thuốc men thì có lẽ các chị không sống được. Nhưng đã cầm cố hết đất thì lấy gì mà sinh sống? Hảnh đã thương lượng với người nhận cầm cố đất cho mướn lại 10 công đất với giá 1 công 10 giạ 1 năm. Hằng ngày, Hảnh đi làm mướn: dọn cỏ, đánh lá mía, đào đất... ai kêu gì làm nấy, trả tiền công rẻ hay mắc cũng làm. Làm để có tiền thuốc thang và trả nợ nần cho gia đình. Các chị kể, lúc trước Hảnh cũng có quen một cô gái ở Phú Tân, là con của gia đình khá giả. Vì nhà nghèo, lại lo cho các chị tật nguyền, nếu Hảnh có gia đình riêng rồi thì ai lo, thế nên Hảnh mới làm thinh khi cô gái nói chuyện cưới xin và cũng lặng yên nhìn người yêu về nhà người khác.

Thấy Hảnh vất vả, ba cô gái cũng muốn làm gì đó để đỡ đần cho em. Có lúc, Hảnh đi làm vắng nhà thì Lia lại bơi xuồng ra kênh giăng lưới, đặt lờ kiếm cá, hái rau bán kiếm tiền thuốc thang. Cô Út Tiếp một vài lần cũng làm như vậy, nhưng ngặt không biết lội, đôi ba lần té sông, tưởng chết. Ở nhà, Lia lo chuyện cơm nước, săn sóc mẹ. Lia còn có thể tự may được quần áo cho mọi người trong gia đình. Thia thì đôi tay rất yếu, vật dụng Thia có thể sử dụng được là cây đàn ghi-ta phím lõm. Dạo trước có người ở Cà Mau gửãi vào tặng cho cây đờn, Thia mừng đến nỗi tối chỉ ôm cây đờn mà ngủ. Không có người dạy, Thia học đờn bằng cách nghe lóm trên radio rồi lấy giấy ghi lại từng thang bậc. Chỉ vậy mà Thia đã đờn được vài câu vọng cổ và hàng chục bài lý khó. Cô út Nguyễn Thị Tiếp thì lại có một niềm đam mê vẽ tranh. Có lần Hảnh ra chợ xã mua được mấy cây viết màu của học sinh về, Tiếp như bắt được vàng. Cô có thể ngồi hàng ngày bên giấy vẽ...

 Có lúc ba chị em tính chuyện quyên sinh cho em Hảnh không còn gánh nặng, để có vợ sanh con. Nghĩ là làm, đó là một buổi chiều mưa, ba chị em lén ăn cắp chai thuốc trừ sâu Hảnh mua về để ở góc hè chuẩn bị uống thì bị phát hiện. Lần đó, mấy chị em lại ôm nhau khóc. Từ đó đến nay, Hảnh dặn các ghe bán hàng trên sông đừng ai bán thuốc men gì cho các chị, lỡ có bề gì thì làm sao anh có thể an tâm sống trên đời.

Cả ba cô gái tí hon đều khao khát làm gì đó để thấy mình còn hữu ích. Lia mong có được chiếc máy may để có thể may đồ cho bà con trong xóm; Tiếp thì ao ước có ai đó chú ý đến tranh mình, dạo trước có người đến bảo em vẽ nhiều rồi người ta sẽ đem đi nhờ người giúp đỡ. Lần đó em vẽ ngày vẽ đêm, vẽ thật nhiều tranh nhưng người khách lạ ấy tới nay không trở lại. Còn Thia thì hằng ngày quặt quẹo tập đánh đờn, cô ước được góp tiếng đờn của mình trong ngày vui của nguời khác và cũng để kiếm chút thù lao... Ước mơ của ba cô gái quê nhỏ bé của xóm nghèo vùng cuối đất không lớn, nhưng biết đến bao giờ những mơ ước đó trở thành hiện thực!

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.