Tiêu cực mía đường bao giờ được xử lý?

30/07/2007 23:09 GMT+7

Bài 1: Hành động "điên rồ" của bà kế toán trưởng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch để ngành mía đường "bước sang trang mới" theo định hướng phát triển từ nay đến năm 2020. Thế nhưng chỉ đạo của Thủ tướng về việc làm rõ "chuyện cũ", liên quan đến những dấu hiệu tham nhũng đã được phát hiện gây bức xúc trong dư luận của hai "anh lớn" là Tổng công ty mía đường (TCTMĐ) I và TCTMĐ II thì đến giờ này vẫn chưa được thực hiện!

Từ tờ hóa đơn giả

Đã có thâm niên hơn 20 năm công tác trong ngành mía đường nhưng đến cuối năm 2006, có lẽ cảm nhận được sự "không thích hợp" của mình đối với môi trường ở đây nên bà Phạm Thị Hồng Hoa (Kế toán trưởng TCTMĐ II) đã làm một chuyện... khá "điên rồ".

Hôm ấy là ngày 25.9.2006, ông Nguyễn Dương Tiến, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự TCT có giấy đề nghị thanh toán chi phí tiếp khách với số tiền 2.550.000 đồng, kèm theo hóa đơn của nhà hàng Hoàng Thành (số 77-79 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM). Trên giấy đề nghị thanh toán có ghi: "Tổng giám đốc duyệt nội dung chi, Phòng Tài chính Kế toán kiểm tra chứng từ thanh toán". Sau khi kiểm tra hồ sơ thanh toán và biết ngay là hóa đơn giả, Kế toán trưởng Hoa đã âm thầm cử nhân viên đem tờ hóa đơn ấy đến Phòng Quản lý ấn chỉ Cục Thuế TP.HCM nhờ xác minh. Và ngay lập tức, Phòng Quản lý ấn chỉ đã lập biên bản tạm giữ tờ hóa đơn với lý do: Số của hóa đơn Cục Thuế cấp cho Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, không phải cấp cho nhà hàng Hoàng Thành. Ngoài ra còn có dấu hiệu cho thấy đương sự đã dùng hóa chất để tẩy xóa, ghi lại nội dung khác lên hóa đơn.

Quá trình thẩm tra đến ngày 2.11.2006 thì Cục Thuế TP.HCM chính thức phát công văn gửi TCTMĐ II khẳng định hóa đơn trên là bất hợp pháp và yêu cầu không được khấu trừ đầu vào và không được đưa vào chi phí. Thế nhưng, thay vì họp "Hội đồng thi đua khen thưởng" để tuyên dương công phát hiện và kịp thời ngăn chặn hành vi tạo dựng hóa đơn giả để "hợp thức hóa" tiền nhậu của cán bộ tại TCT thì trái lại, "Hội đồng kỷ luật" của TCT đã nhóm họp gấp và đến ngày 13.10.2006 thì Kế toán trưởng Phạm Thị Hồng Hoa chính thức bị cách chức!

Lập hồ sơ khống lấy tiền đền bù giải tỏa

Một chuyện tày đình khác cũng vừa được phát hiện tại nhà khách của TCTMĐ II ở địa chỉ 34-35 Bến Vân Đồn (Q.4). Khu nhà khách này sau khi được UBND TP.HCM đưa vào diện bị ảnh hưởng bởi dự án cải thiện môi trường nước của TP và có quyết định giải tỏa di dời để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án (QLDA), tháng 2.2004, Chủ tịch HĐQT TCTMĐ II Lê Minh Diện đã ký hàng loạt công văn "xin đền bù giải tỏa và hỗ trợ di dời" gửi các cơ quan liên quan của TP.HCM và Q.4. Theo đó, ông Diện đề nghị "nghiên cứu giúp đỡ, hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên của TCT đang ở nhà khách Bến Vân Đồn được hưởng chính sách đền bù hỗ trợ thiệt hại như các hộ đang định cư trong cùng khu vực giải tỏa của dự án để TCT có tiền xây chỗ ở mới cho các hộ trên". Và sau đó, trên cơ sở xem xét các hồ sơ do TCTMĐ II lập ra, UBND Q.4 đã quyết định đồng ý chi trả tiền bồi thường cho 3 người gồm ông Lê Đức Tài, bà Trần Thị Sơn và ông Nguyễn Xuân Thu. Số tiền cụ thể các ông bà này đã nhận tại Ban QLDA Q.4 như sau: ông Tài 319.400.000 đồng; bà Sơn 471.310.000 đồng và ông Thu 469.503.000 đồng. Tổng cộng hơn 1,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên đây hoàn toàn là 3 bộ hồ sơ giả mạo. Thực chất, ông Lê Đức Tài không có quyết định cấp nhà ở tại khu nhà khách Bến Vân Đồn mà từ tháng 9.2000, Tổng giám đốc TCTMĐ II đã ký quyết định cấp cho ông này lô đất 4m x12m tại khu quy hoạch nhà ở P.Tân Thuận Tây, Q.7. Và lần này nhận tiền đền bù của Ban QLDA Q.4, ông Tài cũng chỉ được giữ lại 109,4 triệu đồng, số còn lại phải giao hết cho bà Sơn để nộp lại cho TCT. Tương tự, bà Sơn cũng không cư trú tại nhà khách Bến Vân Đồn mà từ năm 1982 đã được ngành mía đường cấp cho một căn hộ lầu I trong cư xá ở đường Lý Chính Thắng, Q.Phú Nhuận. Còn ông Thu thì từ năm 1993 đã được cấp cho căn nhà ở đường Trần Xuân Soạn (nay thuộc P.Tân Thuận Tây, Q.7) nên cũng không bị ảnh hưởng gì bởi dự án cải thiện môi trường nước của TP.HCM (và tất nhiên cũng không có tiêu chuẩn để nhận tiền đền bù).

Thế nhưng bằng cách nào các cá nhân nói trên đã lấy được tiền đền bù? Trên thực tế họ cũng chỉ là những cán bộ công nhân viên "chấp hành tốt" chủ trương của lãnh đạo TCTMĐ II và sau khi nhận được tiền, tất cả cũng đều phải nộp phần lớn trở lại cho TCT!

Đốt tiền "thử máy" nấu cồn

Quay lại với câu chuyện mất chức của Kế toán trưởng Phạm Thị Hồng Hoa, trong những ngày thu thập tư liệu cho loạt bài này chúng tôi cũng đã phần nào hiểu được "quyết định điên rồ" nói trên của bà. Việc oan ức của mình, sau những ngày suy ngẫm bà cũng chưa cho là "chuyện lớn". Mà chuyện lớn ở đây là qua việc cách chức đối với một người vừa có công phát hiện tiêu cực như bà, lãnh đạo TCTMĐ II rõ ràng đã công khai "trị" những ai có ý đồ phá vỡ bầu không khí "mật".

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được thì tại TCTMĐ II, ngoài những vụ việc như đã đề cập ở phần trên, đầu tháng 5.2007, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn làm rõ thêm những sai phạm nghiêm trọng ở dự án nhà máy cồn công suất 20.000 lít/ngày tại Xuân Lộc (Đồng Nai). Về dự án này, cách đây gần 6 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định phê duyệt và giao cho TCTMĐ II thực hiện. Thời điểm ấy, tổng mức đầu tư chưa đến 63 tỉ đồng, tiến độ thực hiện cũng không quá 2 năm.

Nhưng dự án đã kéo dài và sau đó, lãnh đạo TCTMĐ II đã ký đến 3 quyết định "điều chỉnh tổng mức đầu tư", nâng lên đến hơn 88 tỉ đồng. Rồi đến tháng 9.2006, qua 118 ngày "chạy thử", Ban QLDA đã lập báo cáo trình HĐQT phê duyệt một con số thất thoát kinh hoàng: tổng chi phí hơn 7,1 tỉ đồng, tổng giá trị sản phẩm thu hồi được chưa đến 2,73 tỉ đồng. Nghĩa là hơn 4 tỉ đồng của nhà nước đã được "đốt thử" một cách quá nhẹ nhàng chỉ sau chưa đầy 4 tháng!

Đặc biệt đáng lo ngại hơn vì tại thời điểm chạy thử, nhà máy này cũng không thể tìm đâu ra nguyên liệu tại chỗ mà phải cho công nhân lặn lội ra tận Khánh Hòa thu mua sắn tươi (khoai mì) của dân rồi cho xe chở về nên tốn thêm chi phí vận chuyển và chất lượng cũng không đảm bảo. Điều đó làm cho những cán bộ tâm huyết đều nghĩ ngay đến cảnh... thiếu mía triền miên và "chết đứng" của nhiều nhà máy đường được đầu tư lớn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Nhóm PVTS (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.