Dịch giả Mai Sơn: “Không có thần đồng trong triết học”

31/07/2007 16:55 GMT+7

Mai Sơn vừa ra mắt cuốn sách "101 triết gia" (NXB Tri Thức & Phương Nam liên kết ấn hành). Quyển sách này cung cấp rất nhiều tài liệu tham khảo bổ ích cho độc giả. Sau đây là cuộc trao đổi của tác giả Lê Tân với ông về công việc biên soạn, dịch thuật về đề tài triết học ở Việt Nam hiện nay.

Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh ra đời, cùng với nó là dự án "Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới". Và các công ty xuất bản, các nhà xuất bản cũng lần lượt cho ra mắt những tác phẩm kinh điển về triết học, tư tưởng. Theo ông, tín hiệu đó phản ánh điều gì?

- Không chỉ là niềm vui cho giới nghiên cứu hay những người say mê triết học, đây còn là tín hiệu lạc quan về đời sống xã hội: Một bộ phận dân chúng đã bắt đầu đủ no ấm để nghĩ tới những điều trừu tượng (như chúng ta vẫn thường nói "có thực mới vực được đạo"); và mặt khác, kích thước đời sống tinh thần của giới trí thức đã được nới rộng thêm một cách đáng kể.

Trước đây, từng có sự dè bỉu thường xuyên trong giới trí thức học thuật, rằng triết lý tức là triết lý vụn. Bây giờ thì bắt đầu khác, triết lý là bình thường, là nhân văn. Triết nhân phải suy nghĩ đến bạc đầu (ngay trong cuộc sống và môi trường tư tưởng đã sẵn đó của nhân loại mà không có sự trợ giúp tiên thiên nào) mới có thể trở thành triết gia được. Có rất nhiều thần đồng trong giới văn học nghệ thuật, nhưng hầu như không có trường hợp nào như vậy trong triết học.

* Theo ông, những tín hiệu ấy là nhu cầu thật sự của xã hội, hay đó là nỗ lực của những người có tâm huyết để bù đắp vào khoảng trống mà chúng ta mắc phải trong quá trình tiếp nhận tri thức của nhân loại?

- Có cả các nguyên nhân ấy cộng lại; tuy cũng cần phải nói rằng mặc dù nhu cầu xã hội lúc nào cũng âm ỉ, nhưng nếu không có hợp lực của những cá nhân tâm huyết, trách nhiệm và đủ tài năng đáp ứng nhu cầu đó thì cũng chưa xuất hiện một hiện thực như ta đang thấy. Ý nghĩa và giá trị của việc các tác phẩm kinh điển của Immanuel Kant, Hegel, John Locke, Tocqueville... lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt có lẽ sẽ phải được đánh giá đầy đủ hơn trong thời gian tới.

Còn một nguyên nhân nữa mà bạn chưa đề cập tới: Sự nhạy bén đầu tư của giới xuất bản. Vậy thì, để những tín hiệu vui vẻ nói trên trở nên rõ ràng hơn, chúng ta cần được biết giữa giới xuất bản và những người biên soạn - dịch thuật triết học và sách kinh điển đã hình thành nên một quan hệ hiệu quả, một "hợp đồng" xứng đáng chưa?

* Trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn có phát biểu rằng: "…[hiện tượng có nhiều độc giả quan tâm đến triết học] là điều đáng mừng vì điều này chứng tỏ đất nước đang dần trở lại bình thường. Bình thường ở đây là biết nhiều thứ, biết thiên hạ đang nói gì và mình nên suy nghĩ gì …". Cá nhân ông là một người quan tâm nghiên cứu triết học, ông nghĩ gì về nhận định đó?

- Anh Bùi Văn Nam Sơn không chỉ đúng trong nhận định này mà còn đúng trong thái độ khiêm tốn của một nhà triết học. (Tôi cũng từng nghĩ rằng nếu không tin vào lý tính phổ quát của con người, chắc các triết gia không công bố các chủ thuyết hay ít nhất là các mệnh đề triết học của mình). Chắc anh ấy còn ngụ ý một điều nữa mà anh từng nói ở một chỗ khác, đại để là nước Nhật từng tuyên bố sẵn sàng làm học trò một hai thế hệ (để không mãi mãi là học trò) khi quyết định dịch bằng hết sách kinh điển về tư tưởng và triết học của nhân lọai. Cái bình thường nói ở đây còn có nghĩa là ta đã sẵn sàng làm học trò về phương diện tư tưởng - triết học trước thế giới.

* Theo ông, chất lượng những ấn phẩm triết học trên thị trường sách Việt Nam hiện nay đang ở mức nào?

- Theo tôi, những cuốn sách triết học mang tầm vóc "đền đài" của nhà xuất bản Tri Thức, công ty Phương Nam, nhà sách Thời Đại, công ty Gia Vũ... có chất lượng khá tốt, từ khâu hiệu đính, biên tập đến hình thức, in ấn. Bộ truyện tranh triết học nhập môn của NXB Trẻ được chăm sóc khá kỹ về nội dung. Tuy nhiên, chất lượng dịch thuật và biên soạn sách triết đây đó vẫn chưa được chú ý đúng mức, một phần lớn do không có người biên tập. Vấn đề thuật ngữ, danh từ và các khái niệm triết học chưa thống nhất ở Việt Nam cũng đang gây khó cho người đọc.

* Với kinh nghiệm cá nhân của chính ông, việc quan tâm nghiên cứu triết học mang lại cho ông điều gì?

- Tôi say mê triết học từ hồi trung học. Nhưng sau đó trên hai mươi năm tôi gần như không thể tìm thấy "đối tượng" của mình đâu nữa, cho nên có thể nói việc quan tâm đến triết học mang đến cho tôi nhiều hối tiếc và đau khổ, nhưng cuối cùng chắc tôi sẽ tìm được sự thanh thản với nó. Trong thường ngày, ảnh hưởng của triết học khiến tôi luôn luôn dằn vặt giữa việc trừu tượng hóa mọi thứ và việc truy nguyên nguồn gốc mọi hiện tượng; giữa tự do và tất yếu. Nghĩ ngợi hoài về tự do đến mức nảy ra "tư tưởng" này:

Tự do...

Là thoát khỏi mọi sự trói buộc...

Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí...

* Nếu một người trẻ bắt đầu dấn thân vào việc nghiên cứu triết học, họ nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Tôi nghĩ các bạn ấy nên bắt đầu bằng cách tìm cho được những bậc thầy đích thực, họ sẽ chỉ cho bạn một hướng đi và truyền cho bạn niềm đam mê, vạch ra chương trình học tập khổng lồ, ý chí mạnh mẽ, sự khiêm tốn để bạn lao vào một trong những cuộc hành trình khó khăn và quyến rũ nhất trên đời này. Ở TP HCM tôi nghĩ đang có một vài bậc thầy như thế.

* Để làm công tác dịch thuật nói chung và dịch triết học nói riêng, người dịch cần những phẩm chất gì?

- Tôi chỉ xin nói một điều băn khoăn về việc dịch thuật triết học ở nước ta. Không biết Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh có đề ra mục tiêu đào tạo các dịch giả triết học trẻ không? Theo như tôi biết, hiện nay số người có đủ trình độ "một mình một ngựa" dịch và chú giải các tác phẩm triết học kinh điển có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi cứ hay nghĩ, không hiểu từ đâu ra một người thông thạo nhiều ngoại ngữ, rành rẽ tiếng Việt và am tường triết học đến mức "thần sầu" như Bùi Văn Nam Sơn. Nhưng tôi cũng không hiểu bằng cách nào để có khoảng mười người ngang tầm anh Sơn trong nhiều năm tới để cùng nhau "tát cạn cái bể triết học kinh điển" mênh mông ngoài kia.

* Ngoài những tác phẩm dịch về triết học, ông vừa mới cho ra mắt cuốn "101 triết gia" khá dày dặn, vậy kế hoạch sắp tới của ông là gì?

- Tôi đang dịch một tác phẩm của triết gia duy tâm George Berkeley: "Một nghiên cứu về các nguyên tắc của giác tính con người", sau đó có thể là một cuốn của triết gia hoài nghi David Hume. Cả hai cuốn kinh điển này đều phải nhờ đến sự giúp sức của anh Bùi Văn Nam Sơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng thích làm những cuốn sách công cụ về triết học, triết học nhập môn, như một thôi thúc từ vô thức của một kẻ không được đào luyện tốt trên con đường đến với triết học. Trong tinh thần (vừa làm vừa học) đó, tôi có dự định dịch hoặc biên soạn một cuốn tự điển danh từ triết học phổ thông.

 

(Theo evan.com.vn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.