Lập nghiệp trên giàn khoan xứ người

01/08/2007 17:25 GMT+7

Có những người Việt trẻ đang âm thầm làm việc trên những giàn khoan tại nhiều quốc gia xa xôi trên thế giới. Vượt qua áp lực, khó khăn trong công việc và nỗi nhớ nhà, họ đang chứng tỏ khả năng người Việt không thua kém bất cứ bạn bè các nước cũng như cố gắng học hỏi, hòa nhập vào nền văn hóa nước bạn.

Mồ hôi trên giàn khoan

Áp lực thời gian cùng khối lượng công việc gần như "vắt kiệt sức" là điểm chung dễ thấy nhất khi nói về công việc của những người trẻ nơi giàn khoan tại những đất nước xa lắc xa lơ. "Với những ai trực tiếp làm ngoài giàn khoan thì 3 ngày không tắm là chuyện bình thường, thậm chí nếu làm việc trên giàn khoan ngoài biển thì 48 tiếng đồng hồ không chợp mắt là chuyện nhỏ", anh bạn Khoa Nguyễn, 26 tuổi, người Việt duy nhất đang làm việc tại Công ty khai thác dầu khí Schlumberger tại Mexico cho biết.

Khác với VN, đa phần các giàn khoan tại đây ở trên đất liền, có khi ở trên núi và công việc chính của Khoa là trám xi măng cho các giếng khoan. Mỗi khi các giếng được khoan xong sẽ có một chuỗi các ống thép được thả xuống để ngăn ngừa các loại dung dịch pha tạp vào nhau làm ô nhiễm mạch nước ngầm hay các lớp đất đá xung quanh... Lúc đó, những kỹ sư như Khoa sẽ bơm loại dung dịch đặc biệt gọi là vữa xi măng để trám dính các ống chống đó vào thành hệ đất đá. "Ngoài phần việc trí óc của một kỹ sư, làm việc trên giàn khoan còn đòi hỏi lao động chân tay rất nhiều, như trộn dung dịch xi măng với mỗi thùng hóa chất nặng ít nhất 20 kg hay lắp đặt thiết bị nặng hàng chục kg trước khi bắt đầu công việc...", Khoa kể. Mệt đến nỗi "được vài ngày nghỉ phép, ngày đầu tiên luôn là ngày để... ngủ".

Là nữ kỹ sư Việt duy nhất từng làm việc cho bộ phận REW (đo các số liệu của đất đá dưới mặt đất để cung cấp cho quá trình minh giải, xác định vỉa dầu khí) của Công ty Slb tại giàn khoan ở sa mạc Syrie, cô bạn 24 tuổi Lâm Trà Mi  phải tự xử lý nhanh nhiều vấn đề về sự cố máy móc để bảo đảm thời gian và chất lượng của số liệu đo được. Thời gian làm việc không cố định, đang ngủ 2 giờ sáng có điện thoại là bật dậy đi ngay, 24 giờ luôn trong tư thế sẵn sàng "trực chiến", thậm chí không nghỉ thứ bảy hay chủ nhật. "Không ngủ 3 ngày, không tắm, đi vệ sinh 1 lần/ngày là rất bình thường, hạn chế uống nước, ăn không đúng bữa, bỏ bữa - bình thường. Cực nhưng bù lại mức lương rất hấp dẫn (từ 7.000 - 10.000 USD - PV) nên mình chấp nhận thử sức", Mi thổ lộ. 

Bài học "hội nhập"


Trà Mi cùng đồng nghiệp nước ngoài nơi giàn khoan

Làm việc xa nhà, trong môi trường quốc tế cũng mang đến nhiều cơ hội học hỏi và hội nhập cho những bạn trẻ Việt. Trong quá trình làm việc, Khoa Nguyễn đã  tự bồi đắp thêm những kỹ năng "mềm"  như: kỹ năng trình bày, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, quan hệ với khách hàng và đồng nghiệp... "Chưa kể có cơ hội đi công tác, đi học nhiều, nếu khéo sắp xếp, đàm phán với sếp có thể đi đến nơi bạn bè mình đang du học, tranh thủ du lịch, một công được cả đống chuyện", anh chàng bật mí.

Còn Võ Lâm Nghi Thủy, 28 tuổi,  kỹ sư đo đạc địa chất giếng khoan cho một công ty dầu khí tại Abu Dhabi (UAE) thì thấy ấn tượng với cường độ làm việc của các đồng nghiệp nước ngoài, vì "có người làm việc liên tục từ sáng đến tối mịt và tập trung cao độ, chỉ biết có công việc", đó là chưa kể lợi thế về thể lực và khả năng ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng. "Phải luôn học hỏi và tìm cách cải thiện được những điểm chưa bằng bạn bè các nước để người Việt mình không thua ai cả", Thủy cho biết. 

Và kỷ niệm "nhớ đời"

Trà Mi không sao quên "cú sốc" do sự khác biệt về phong tục trên đất nước đạo Hồi: "Có một hôm dậy sớm tập thể dục, chạy trên đường nhỏ gần biệt thự, bị chọi đá chảy máu chân - mình điếng người không hiểu gì hết. Sau đó hỏi ra mới biết phụ nữ mà chạy bộ như thế là "khoe khoang thân thể, khêu gợi". Mà Mi mặc quần thể dục dài, áo thun đàng hoàng đấy!". Chưa kể có lần cô từng nằm chờ ngoài sa mạc suốt 3 ngày cùng với thiết bị cồng kềnh bị kẹt dưới giếng khoan để nhờ đồng nghiệp đến "giải cứu". 

Trong lúc đó, anh bạn Khoa Nguyễn kể tỉnh rụi: "Bên này không có nhiều người Việt, không có nhà hàng hay chợ búa... nên có thèm ăn món Việt Nam cũng chẳng có gia vị để nấu. Mỗi lần nghỉ phép về VN rồi trở qua lại, 70 kg hành lý chỉ toàn đồ ăn, gia vị... Đi mà cứ nơm nớp sợ hải quan các nước không cho qua. Đem qua rồi, dù có quá hạn chút đỉnh cũng không sao - ăn ngon lành!".

Vân Anh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.