Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng

04/08/2007 15:48 GMT+7

* Đưa hơn 5.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí vào ngân sách (TNO) Sáng nay 4.8, kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XII đã họp phiên bế mạc tại hội trường Ba Đình, sau nửa tháng làm việc.

Trước khi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc, QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Có 337/474 (tỷ lệ 68,36%) các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (100 ĐB không tán thành và 37 ĐB không biểu quyết). Đây là lần bỏ phiếu có tỷ lệ phiếu tán thành thấp nhất trong các vấn đề được bỏ phiếu trong kỳ họp lần này (tỷ lệ số phiếu tán thành thông qua các nghị quyết, các vấn đề về nhân sự khác tại kỳ họp lần này phần lớn đều trên 90% - TNO).

Nhiều ĐB tỏ ý băn khoăn vì tại khoản 2, Điều 73 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng có quy định bổ sung: “Ban chỉ đạo tỉnh, TP thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương”. Và, khoản 2 Điều 74 về giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, quy định thêm việc “Ủy ban tư pháp của QH trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng”.

Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): “Nếu Chủ tịch UBND tỉnh, TP làm Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân làm thành viên thì vô tình can thiệp vào tính độc lập của các cơ quan tư pháp”.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng nêu ý kiến:“Nếu QH tán thành thông qua Luật này thì tôi đề nghị để Chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”.    

Trước đó, với tỷ lệ 95,13% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa XII từ 5 năm xuống còn 4 năm. Theo nghị quyết, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII sẽ diễn ra trong tháng 5.2011 thay vì tháng 5.2012.

Với 94,73% số phiếu đồng ý, QH cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2005.

Điều đáng chú ý nhất trong việc thông qua quyết toán ngân sách lần này là Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH đã thống nhất với Chính phủ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đưa phần lợi nhuận sau thuế để lại cho Tập đoàn Dầu khí là 5.025 tỉ đồng vào tổng thu ngân sách Nhà nước. Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2005 được cộng thêm 5.025 tỉ đồng.

Đây là khoản lợi nhuận được chia trong hoạt động liên doanh khai thác dầu khí và lợi nhuận của giá bán các sản phẩm dầu khí tăng lên so với dự toán. Khoản này ban đầu không được Chính phủ đưa vào cân đối ngân sách mà định rót thẳng cho Tập đoàn Dầu khí để thực hiện một số dự án lớn. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH và nhiều ĐBQH đã phản đối việc này và coi đó là lợi nhuận của việc  bán tài nguyên của quốc gia chứ không phải là lợi nhuận của doanh nghiệp.

Sau khi  được QH và Chính phủ nhất trí đưa vào cân đối ngân sách quốc gia, khoản tiền trên vẫn được tính là một khoản chi của ngân sách đầu tư vào các công trình dầu khí: Thủy điện Nhơn Trạch, Cụm công trình khí –điện- đạm Cà Mau... mà Tập đoàn Dầu khí đang triển khai thực hiện.

Phát biểu kết thúc kỳ họp thứ nhất QH khóa XII, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng  nói, lãnh đạo QH đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, thiết thực của cử tri tại kỳ họp này, “Chúng tôi hứa sẽ cùng các cơ quan hữu quan nghiêm túc xem xét, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng, nguyện đem hết khả năng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó”.

Phát biểu về công tác nhân sự, một công tác trọng tâm tại kỳ họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: “QH trân trọng, nhất trí cao những ý kiến phát biểu tâm huyết của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và chương trình hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Ông nhấn mạnh: “QH tin tưởng và mong rằng các vị vừa được QH tín nhiệm bầu hoặc phê chuẩn để đảm đương các trọng trách trong bộ máy Nhà nước sẽ phát huy cao nhất năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm của mình trước QH, trước nhân dân”.

Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH  đề nghị: “Ngay sau kỳ họp này, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các vị ĐBQH tập trung thực hiện 5 công việc trọng tâm, gồm: Một là, tổ chức, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, sửa đổi lề lối làm việc phù hợp yêu cầu mới. Hai là, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý, điều hành. Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa QH, Chính phủ, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bộ – ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý Nhà nước về kinh tế – xã hội. Bốn là, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ủy ban thường vụ, Hội đồng dân tộc, các ủy ban, các đoàn ĐBQH. Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ đức, đủ tài, xứng đáng là công bộc của dân”. Chủ tịch cũng đánh giá kỳ họp thứ nhất QH khóa XII đã thành công tốt đẹp.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.