Mộng tinh
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như – Trưởng đơn vị Nam khoa (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM): mộng tinh là tình trạng xuất tinh xảy ra trong lúc ngủ ban đêm. Nhiều người (đàn ông) khi ngủ thường nằm mơ, mộng mị, thấy đang âu yếm, hay giao phối với một người phụ nữ nào đó mà họ thích hay mến cảm, yêu thương. Cũng có trường hợp không mơ thấy người phụ nữ nào, nhưng vẫn bị xuất tinh, là do họ bị căng thẳng, lo âu, hay sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tình trạng này có thể xảy ra một tuần một lần, hay hai đến ba lần.
Mộng tinh thường gặp ở những người trẻ (từ trên 10 tuổi đến trên 20 tuổi); hay lo âu, căng thẳng; trên 30 tuổi cũng có thể gặp, nhưng ít hơn... Nhiều người bị mộng tinh thường tỏ ra xấu hổ, mặc cảm, lo sợ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thành Như: “Mộng tinh là tình trạng sinh lý bình thường, cho thấy cơ thể của người nam đó phát triển, mộng tinh không được xem là bệnh lý. Tinh xuất ra chủ yếu là từ túi tinh, tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, rất nhiều người mắc phải thường rơi vào trạng thái lo lắng quá mức, càng làm cho mộng tinh xảy ra nhiều hơn, dày hơn. Cứ thế thành cái vòng luẩn quẩn, càng bị nhiều càng lo lắng, càng lo lắng lại càng bị nhiều hơn nữa!”.
Di tinh
Di tinh là một biểu hiện khác với mộng tinh. Di tinh thường xảy ra khi người nam đó chỉ mới gần người bạn gái, phụ nữ; cũng có khi không gần ai cũng bị di tinh. Nó không biểu hiện bằng xuất tinh ra bên ngoài nhiều như mộng tinh, mà chỉ là những giọt tinh rỉ ra làm ươn ướt... chiếc quần. Theo bác sĩ Thành Như, di tinh xảy ra ở những người thần kinh có tính dễ bị kích thích. Cũng giống như mộng tinh, di tinh thường xảy ra ở những nam giới trẻ dưới 30 tuổi. Thỉnh thoảng cũng xảy ra ở những người trên tuổi 30, đã có gia đình, nhưng ngoài tuổi 40 thì gần như không gặp. Thông thường di tinh và mộng tinh hay đi kèm với nhau.
Chữa trị ra sao?
Bình quân, trong số khoảng 100 bệnh nhân đến khám tại đơn vị Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) mỗi ngày, có khoảng 5-10 trường hợp đến bệnh viện vì lý do bị mộng tinh và di tinh. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như: trên thế giới, ở phương diện Tây y thì không có khái niệm mộng tinh hay di tinh, mà di tinh Tây y gọi là tình trạng “Tăng tiết dịch niệu đạo”. Ở trường hợp mộng tinh, về nguyên tắc, không cần chữa trị thuốc men gì nhiều, chủ yếu là chữa trị về tâm lý, bác sĩ cần giải thích cho người mắc phải hiểu rõ vấn đề.
Một số trường hợp có thể cho sử dụng thuốc chống lo âu. Đối với thuốc ức chế sinh dục - nhằm để không xuất tinh, thì không có lợi về mặt phát triển của cơ thể. Tuy vậy, trong thực tế cũng có một số trường hợp chữa trị rất khó khăn, do người mắc phải lo lắng nặng nề quá mức. Nhiều trường hợp lo sợ đến nỗi không học hành, làm việc được, đi chữa trị nhiều nơi, nhưng đến khi lập gia đình thì lại hết! Còn ở người bị di tinh, việc chữa trị cũng giống như trên – chủ yếu cũng thiên về chữa trị tâm lý.
Nhiều người hay lầm tưởng di tinh với viêm niệu đạo, viêm bàng quang, hay viêm túi tinh, nên hướng việc điều trị theo những nguyên nhân đó (cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm...), nhưng tình trạng di tinh vẫn không giảm. Cần phân biệt, nếu viêm do lậu, thì tinh có màu vàng, đục; còn viêm do vi trùng, thì tinh có màu trong. Đặc điểm, nếu do viêm nhiễm, thì gần như lúc nào tinh cũng ra. Còn di tinh, thì phần lớn chỉ bị khi có sự kích thích như đã nói ở trên...
Vì vậy, điều quan trọng là, nam giới chớ quá lo lắng khi gặp phải mộng tinh, di tinh. Cần đến bác sĩ để được hướng dẫn, điều chỉnh thích hợp.
Thanh Tùng
Bình luận (0)