Đầu tư vào đâu, như thế nào để hạn chế rủi ro?

10/08/2007 21:33 GMT+7

Sau 3 phiên tăng liên tục, chỉ số VN-Index ngày cuối tuần 10.8 đã giảm nhẹ 2,53 điểm, còn 935,68 điểm. Thị trường chứng khoán (TTCK) đang trải qua giai đoạn biến động khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) mất ăn mất ngủ. Phải đầu tư vào đâu, theo cách nào để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất?

Trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng Standard Chartered Bank nhận định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8,25% trong năm nay. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đang niêm yết cũng rất khả quan, doanh thu 6 tháng đầu năm của các DN này đều tăng từ 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi theo thông lệå, kết quả kinh doanh trong 2 quý cuối năm đều cao hơn 2 quý đầu năm... Đây là cơ sở để nhiều chuyên gia nhận định TTCK dù sụt giảm trước mắt nhưng về dài hạn vẫn tăng trưởng tốt theo đà tăng trưởng kinh tế chung.

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường biến động phức tạp hiện nay, việc chọn cổ phiếu (CP) nào để đầu tư là điều quan trọng nhất đối với NĐT. Ông Trịnh Hoài Giang - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) - cho rằng NĐT nên lựa chọn CP của các công ty có quản lý tốt và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Đồng quan điểm này, giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phân tích thêm, nếu chỉ dựa trên chỉ số P/E thì giá CP tại Việt Nam đều đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại có tốc độ phát triển rất cao, vì vậy tỷ suất lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết cũng đạt cao hơn các DN ở những thị trường khác. Vì vậy NĐT nên chú ý nhiều hơn đến mức lợi nhuận kỳ vọng sẽ đạt được trong tương lai của DN.

Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, NĐT trong nước đang dần dần lấy lại tâm lý bình tĩnh sau khi VN-Index tăng lên trên 900 điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10.8, lượng giao dịch toàn thị trường đã tăng lên với 6 triệu chứng khoán (CK), tương ứng tổng giá trị 653,7 tỉ đồng (tăng 131,7 tỉ đồng so với phiên trước). Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào nhiều hơn với 1,2 triệu CK (tổng giá trị 178 tỉ đồng) và chỉ bán ra 584.830 CK (tổng giá trị 81,2 tỉ đồng). Tại sàn Hà Nội, có 1,4 triệu CK được giao dịch tương ứng 143 tỉ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 555.800 CK với tổng giá trị 46,3 tỉ  đồng và bán ra 183.700 CK tương ứng 27,9 tỉ đồng.
Cũng theo ông Trịnh Hoài Giang, một số ngành có tiềm năng phát triển tốt hiện nay như địa ốc - xây dựng, thực phẩm, dược phẩm, năng lượng. "Các công ty dược đang niêm yết trên thị trường đều có mức lợi nhuận khá cao. Nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và các công ty trong nước này cũng có lợi thế về giá cả nếu so với thuốc nhập khẩu. Tương tự như nhu cầu về nhà cửa, văn phòng, năng lượng như gas, khí đốt... đều tăng nên hoạt động của các công ty này đều có mức tăng trưởng tốt", ông Giang nói.

Trước đó, Công ty chứng khoán Rồng Việt cũng đã phân tích và giới thiệu 8 ngành nghề để NĐT tham khảo gồm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản, năng lượng, bất động sản và xây dựng, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và y tế, vận tải và dịch vụ vận tải, công nghệ thông tin. Các chuyên gia trên đều cho rằng trong số các công ty đang niêm yết, chỉ có khoảng 40 công ty có tình hình kinh doanh tốt đáng để NĐT quan tâm.

Ông Trịnh Hoài Giang cho rằng không thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh và có phần đột biến của TTCK như ở 3 tháng đầu năm vừa qua. Do đó NĐT cá nhân nên tính đến chuyện đầu tư lâu dài thì sẽ an toàn hơn. "Đối với các NĐT tổ chức, thông thường các khoản đầu tư của họ đều kéo dài từ 3 năm trở lên. Riêng đối với các NĐT cá nhân, tôi nghĩ rằng nên đầu tư trên 1 năm. Nếu đã xác định đầu tư lâu dài, thì không nên sử dụng vốn vay vì dễ bị áp lực trả nợ mà đôi khi phải bán tháo CP khi đến hạn", ông Giang nói.

Từ trước đến nay, lời khuyên của các chuyên gia chứng khoán luôn đưa ra cho NĐT cá nhân là mua khi thị trường xuống gần các mức hỗ trợ. Chính bản thân các NĐT phải xác định được điểm mốc quan trọng này để đưa ra quyết định cho riêng mình. Vị giám đốc quỹ đầu tư nước ngoài ở trên cho rằng NĐT trong nước cần sự bình tĩnh, không nên chạy theo mua những CP đã tăng giá liên tục trong một thời gian với mức tăng hơn 10%. Đặc biệt, NĐT trong nước phải có sự kiên nhẫn  vì đồng vốn bỏ ra không thể sinh lời ngay một sớm một chiều. Sự kiên nhẫn đó cũng sẽ giúp NĐT có thể vượt qua được những thời điểm thị trường điều chỉnh theo chiều hướng xuống.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.