Xóm vắng đàn ông
Tôi tìm về UBND xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để hỏi đường vào xóm Gia Hội. Anh Trần Minh Tâm, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của xã xởi lởi: "Ở đây, Gia Hội là xóm dân cư nổi tiếng nhất. Nhất về số lượng thương binh liệt sĩ và cả nhất về số các mẹ, các chị sống đơn chiếc. Lâu rồi, Gia Hội được "phong" là xóm góa phụ...". Vừa nói, anh Tâm vừa cười gượng chua chát.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thanh Đông, chị Nguyễn Thị Nhị tiếp lời sau một thoáng nhẩm tính trên đôi bàn tay: "52/54 hộ ở Gia Hội là gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng. Xóm có 6 mẹ Việt Nam anh hùng và 23 góa phụ. Dù có sự chênh lệch về giới như vậy, nhưng nhiều năm qua, Gia Hội là xóm dân cư xuất sắc, luôn đi đầu trong các phong trào. Mỗi khi có dịp hội họp gì, hô là có ngay các mẹ, các chị. Mọi người đều sống và cổ súy cho phong trào rất tốt".
Bình Thanh Đông mặc dù nằm gần kề Khu kinh tế Dung Quất, nhưng là xã thuần nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Ngay cả như anh Tâm là cán bộ xã biên chế hẳn hoi vẫn mang đôi dép nhựa mòn nhẵn. Anh Tâm ngồi lên chiếc xe máy cũng rất cũ kỹ đưa tôi vào xóm Gia Hội. Cách một hai ngôi nhà, anh lại chỉ vào một "địa chỉ góa phụ". Chưa có chuyến đi thực tế nào khiến tôi day dứt nhiều nỗi niềm đến thế. Khung cảnh làng quê thật vắng vẻ.
Trên con đường đất nhỏ len qua xóm, thi thoảng mới xuất hiện bóng người. Ở những vuông ruộng lúa đang độ vào mùa cũng chỉ toàn là "tóc dài". Xóm vắng đàn ông, nên mọi việc từ nhà ra đồng, đều do các mẹ, các chị đảm đương hết. Họ dường như đã quen với cuộc sống trống vắng và có phần "so le" như vậy.
Ở xóm góa phụ, việc đồng áng luôn do phụ nữ đảm đương - Ảnh: Đình Phú |
Khi được hỏi vì sao xóm lại vắng bóng các "đức ông", anh Tâm cho biết: "Những năm chiến tranh, Gia Hội là vùng "đất đỏ" (ý nói giàu truyền thống cách mạng). Hòng kiểm soát địa bàn, địch dùng mọi biện pháp dồn dân lên Bình Hiệp, Bình Long (Bình Sơn). Người già, trẻ con, phụ nữ đều rời xóm ra đi. Các anh dân quân, cán bộ nằm vùng bám trụ lại lần lượt đều hy sinh. Hòa bình lập lại, mọi người lũ lượt về làng. Riêng đàn ông, con trai thì hầu như chẳng còn ai".
Tôi rảo bước quanh làng cả giờ đồng hồ mới tình cờ gặp được cụ Hoa. Năm nay cụ đã ngoài 80 tuổi. Cụ là một trong hai người đàn ông may mắn sống sót trở về Gia Hội sau chiến tranh, và sống ở nơi này từ đó đến nay. Cụ Hoa khá buồn rầu khi kể về cuộc sống của mình. Với tuổi của cụ, sớm hôm rất cần bạn già trà dư tửu hậu, bàn luận chuyện con cháu. Thật khổ, đi mòn cả gót chân, cụ cũng chẳng kiếm đủ cái gọi là "trà tam rượu tứ"!
Những mong ước xa xăm
Sự đời trắc trở đôi khi khiến những mong ước dù giản dị nhất cũng chẳng thể nào đạt được. Với người phụ nữ lâm vào tình cảnh như thế, cuộc sống của họ càng hẩm hiu hơn. Tôi thấy chạnh lòng khi vào thăm nhà bà Phê. 80 tuổi đời, bà Phê lọm khọm trong ngôi nhà cấp bốn nằm ven bờ ruộng. Bà là một trong số hàng chục bà mẹ nặng mang nỗi niềm cô quạnh nhất mấy mươi năm qua ở Gia Hội. Chồng bà Phê thoát ly và đã hy sinh.
Hai người con gái của bà (chị Công và chị Thảo) từng tham gia cách mạng thời xuân sắc đến nay vẫn chung cảnh sống đơn chiếc. Cả nhà được 4 sào ruộng (tiêu chuẩn mỗi người 1 sào, cộng thêm 1 sào của suất liệt sĩ). Chẳng có ai sức dài vai rộng để nương nhờ, chị Công và chị Thảo phải lăn lộn trên 4 sào ruộng ấy để mưu sinh. Hai chị có nuôi mấy con heo, bò để kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh bùng phát nên dù mãi rao bán cũng chưa thấy ai đến hỏi mua. Những người trong xóm kể, ngày trước, hai chị rất xinh xắn, việc chồng con tưởng như chẳng có vấn đề gì. Nào ngờ...
Tôi hỏi chị Thảo: "Sao hồi đó chị không "tranh thủ" kiếm tấm chồng. Trong làng không có con trai, thì mình... tìm ở làng khác?". Chị Thảo tâm tình: "Hồi ấy về làng cực khổ lắm, nhà cửa không có, chữ nghĩa cũng không. Đàn ông con trai tìm "đỏ mắt" cũng không ra. Mấy mẹ con bảo nhau làm lụng sống qua ngày rồi từ từ tính chuyện lấy chồng. Nhưng cũng do "tính chậm" quá nên lẻ loi đến giờ".
Chị Thảo là thương binh hạng 3/4. Trên gương mặt khắc khổ, lam lũ của chị vẫn còn hằn in nhiều thương tích. Tay chân thì bị dị tật. Chị bảo, trong phổi vẫn còn "dính" mấy mảnh bom. Những cơn đau cứ hành hạ suốt mỗi khi trái gió trở trời. Chị Công cũng không khá hơn. Sức khỏe của chị èo uột bởi chứng đau cột sống, tim mạch. Cuộc sống khó khăn nên chẳng lấy đâu ra tiền lo chạy chữa, đành phó mặc cho số phận. Với hai người phụ nữ này, bao mong ước hạnh phúc lứa đôi giờ đã quá xa xăm.
Ngôi nhà Đại đoàn kết của bà Mai Thị Đãi (68 tuổi) vẫn còn khá mới, nhưng nỗi quạnh quẽ luôn hiển hiện bên trong. Ngày lại ngày, bà Đãi côi cút một mình bên bếp lửa. Bà không con và cũng không có cháu chắt gì sống chung cho vơi bớt nỗi cô đơn tuổi già. Bà kể hồi còn trẻ có một người yêu rất lý tưởng. Hai người thề non hẹn biển sẽ chung sống với nhau trọn đời. Thời gian yêu nhau, bà Đãi từng tích cóp tiền lo chuyện áo xống để cưới chồng.
Thế rồi anh người yêu lên đường tham gia kháng chiến và không may hy sinh. Một mình ở hậu phương với nỗi đau khôn nguôi trong cảnh ly biệt. Bà khóc đến mờ cả mắt. Những năm sau chiến tranh, nhiều anh trai làng đến dạm hỏi nhưng bà đều không thuận lòng. Bà bảo vì muốn giữ vẹn nguyên kỷ niệm mối tình đầu trong thời buổi gian khó ấy nên những thiệt thòi của ngày hôm nay cũng chẳng sá chi...
Những cảnh đời góa phụ ở Gia Hội se thắt cùng năm tháng. Họ lặng lẽ sống và cũng thật lặng lẽ vượt qua những thách thức lớn lao trong đời. Nỗi khao khát tình mẫu tử ruột rà đã vuột trôi. Không ai dám nhận con nuôi vì khó nghèo. Sự thèm muốn bế bồng trẻ nhỏ của các bà, các mẹ cũng chẳng thể nào đáp ứng được. Cả xóm Gia Hội chỉ có vài phụ nữ đang độ sinh con đẻ cái, mà vài ba năm mới có một cháu bé chào đời. Tuổi già nương dựa tuổi già, còn gì buồn hơn?...
Phóng sự của Đình Phú
Bình luận (0)