Tổng thống Nga V.Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và 4 nguyên thủ quốc gia Trung Á thuộc SCO hôm 17.8 đã đến Chelyabinsk (Nga) để thị sát cuộc tập trận chung có quy mô không tiền khoáng hậu kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 2001. Sự kiện trên là đỉnh điểm của cuộc tập trận kéo dài 9 ngày mang tên "Sứ mệnh hòa bình 2007", bắt đầu tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Hồi Hột Tân Cương (Trung Quốc) và sau đó di chuyển đến Chelyabinsk, vùng núi Urals của Nga. Cuộc tập trận lần này huy động khoảng 6.500 quân và 80 máy bay quân sự đến từ 6 nước thành viên, trong đó quân đội Nga cử 2.000 lính và 36 máy bay, thiết giáp, vũ khí hạng nặng; Trung Quốc cử 1.700 lính cùng trực thăng, chiến đấu cơ... Mục đích của cuộc diễn tập lần này là nhằm đối phó trường hợp khủng bố tấn công các cơ sở năng lượng trong khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực và thế giới.
Cuộc tổng diễn tập quy mô trên được diễn ra sau khi Hội nghị thượng đỉnh SCO bế mạc hôm 16.8 tại Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan - vốn được nhật báo Izvestia của Nga gọi là hội nghị "chống NATO". Các nhà lãnh đạo đã cùng nhấn mạnh những biện pháp chống khủng bố, buôn lậu ma túy, từ đó bảo đảm an ninh cho toàn khu vực. Bên cạnh đó, nguyên thủ các quốc gia giàu dầu mỏ như Nga, Kazakhstan đưa ra đề nghị thành lập "câu lạc bộ năng lượng", tạo một đường ống nối Nga, Kazakhstan, Trung Á và Trung Quốc, xây dựng nền tảng cho một thị trường năng lượng chung SCO.
Viễn cảnh SCO kiểm soát các nguồn năng lượng dồi dào tại khu vực chiến lược Trung Á cũng chính là điều khiến Mỹ lo ngại. Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, lãnh đạo SCO đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo các thế lực ngoài khu vực hãy để Trung Á tự quyết định sự ổn định và an ninh của mình. Đây chẳng khác nào yêu cầu Mỹ tránh xa khu vực có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên này. Theo đánh giá của giới phân tích, việc kêu gọi tiếp cận đa phương đối với những vấn đề nan giải trên thế giới chính là phản ứng gián tiếp của SCO đối với ảnh hưởng của Mỹ.
SCO đã nổi lên sau sự sụp đổ của Liên Xô nhằm giải quyết tình trạng bất đồng đường biên giới giữa Nga, các quốc gia Trung Á và Trung Quốc. Đến nay, mục đích hàng đầu của tổ chức này chính là tăng cường các mối quan hệ kinh tế, quân sự, từ đó tạo nên một đối trọng đối với NATO. Trong khi Kazakhstan và Uzbekistan có nguồn tài nguyên năng lượng chưa được khai phá thì vị trí chiến lược quan trọng của Kyrgyzstan và Tajikistan liên tục được nâng tầm trở lại sau khi Mỹ đổ quân vào Afghanistan từ năm 2001. Khỏi phải nói đến 2 quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn là Nga và Trung Quốc. Trong tương lai, nếu SCO kết nạp thêm các quan sát viên hiện giờ là Ấn Độ, Pakistan, Iran, Mông Cổ thì vị thế của tổ chức này sẽ được mở rộng và nâng cao hơn nữa. Đã đến lúc Trung Á khẳng định lại tầm quan trọng của mình trên bàn cờ thế giới sau hơn một thế kỷ bị lu mờ.
Thụy Miên
Bình luận (0)