Lợi ích vé điện tử quá lớn
Nếu như từ ngày 12.2.2007 trở về trước, những hành khách đi lại bằng máy bay của PA đều sử dụng vé giấy truyền thống mua tại các đại lý bán vé của PA thì kể từ ngày 13.2.2007, tất cả các hành khách sử dụng dịch vụ bay và đại lý vé của PA đều truy cập vào trang web http://pacificairlines.com.vn để đặt chỗ, mua vé và tìm hiểu các thông tin cần thiết liên quan đến các dịch vụ bay của PA. “Đó cũng chính là thời điểm đánh dấu PA chuyển đổi sang hình thức hoạt động mới là hãng hàng không giá rẻ, cùng với việc đưa dịch vụ TMĐT vào hoạt động”, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc PA cho biết.
Khi sử dụng hệ thống vé giấy, các hãng hàng không Việt Nam phải đặt in vé tại nước ngoài, với chi phí trung bình cho mỗi tấm vé là khoảng 5-7 USD. Bên cạnh đó, họ phải thiết lập một hệ thống phòng vé rộng khắp với đông đảo đội ngũ nhân viên bán vé, cùng một đội ngũ kế toán đông không kém chỉ để... đếm vé, ghi chép vào sổ... “Tính tổng thể, chi phí mỗi tấm vé giấy khi đến tay khách hàng là khoảng 10 USD. Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ với các hãng hàng không, đặc biệt là những hãng hàng không quy mô còn nhỏ và tuổi đời còn trẻ như PA”, ông Nam nói.
Còn khi chuyển sang vé điện tử (e-ticket), theo ông Lê Hải Bình, Trưởng phòng CNTT của PA, tổng chi phí cho vé của hãng hàng không này đã giảm một cách vô cùng ấn tượng: giảm chi phí in ấn, chi phí nhân công, chi phí thuê địa điểm bán vé... “Tổng chi phí cho mỗi tấm vé điện tử hiện nay chỉ là khoảng 1 USD, tức là giảm được tới 10 lần so với trước kia”, ông Bình tính toán. Còn ông Lương Hoài Nam thì khẳng định: “Lợi ích vé điện tử mang lại quá lớn, cùng với việc xác định chuyển đổi toàn bộ vé sang loại hình vé điện tử để nhanh chóng ổn định hoạt động và phát triển, nên chúng tôi đã chuyển ngay lập tức sang phương thức bán vé điện tử”.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Cùng với việc bán vé điện tử, PA giờ đây được gắn với hình ảnh một “hãng hàng không giá rẻ” tại Việt Nam. “Nhưng để thực sự trở thành một hãng hàng không giá rẻ, nền tảng công nghệ ứng dụng lại cần phải rất hiện đại. Có hiện đại thì mới giảm được chi phí xuống”, ông Nam nói.
Đầu tư hạ tầng công nghệ cho hệ thống bán vé điện tử, các lãnh đạo của PA đã tìm hiểu và quyết định lựa chọn giải pháp kết nối mạng Megawan kết hợp với dự phòng IPSec VPN trên nền Internet. Thiết bị được sử dụng chính cho mô hình này bao gồm tường lửa SSG (Secure Service Gateway) của Juniper Networks kèm chức năng của bộ định tuyến cho PA, tạo ra kết nối an toàn sử dụng công nghệ IPSec VPN cho các chi nhánh về trung tâm mà không phụ thuộc vào môi trường truyền là Internet hay Megawan.
“Tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam hiện khá thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Hơn nữa, TMĐT phải giải quyết được trọn gói vấn đề từ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ, mua - bán, và thanh toán. Ở Việt Nam, có rất nhiều website công bố họ làm TMĐT, nhưng thực chất, có rất ít webiste làm TMĐT theo đúng nghĩa”, Tổng giám đốc Pacific Airlines - Lương Hoài Nam. |
Trước đây, chi phí cho hạ tầng công nghệ bán vé của PA là khoảng 1 triệu USD mỗi năm, trong đó riêng chi phí thuê đường truyền hàng năm (của hãng SITA) chiếm khoảng 50%. Còn chi phí đầu tư cho hệ thống bán vé điện tử của PA chỉ khoảng 500 ngàn USD, trong đó đầu tư cho hạ tầng mạng chỉ khoảng 300-350 ngàn USD.
Trở lại với câu chuyện xây dựng hệ thống bán vé điện tử, ông Lương Hoài Nam khẳng định đây thực sự là một “cuộc cách mạng”, làm tăng khả năng cạnh tranh và nâng sức phát triển của PA lên rất nhiều. Hệ thống vé điện tử mang lại một sự minh bạch tuyệt đối (khách hàng có thể biết chuyến bay còn thừa chỗ hay không và có thể đặt vé được ngay), và một sự bình đẳng, văn minh.
Nhờ tính minh bạch và sự công khai nên lượng khách của PA luôn được lấp đầy kể từ khi hãng triển khai hệ thống bán vé điện tử. Theo số liệu thống kê của PA, tăng trưởng vận chuyển hành khách của hãng trong 6 tháng đầu năm 2007 so với cùng kỳ năm trước là 38%. Nếu trước kia, hệ số sử dụng ghế chỉ đạt khoảng 70-72%, thì hiện nay đã đạt khoảng 85%. “Trong mấy tháng hè này, hệ số sử dụng ghế còn cao hơn, như tuyến bay Hà Nội - TP.HCM thường xuyên đạt hệ số sử dụng ghế khoảng 96%”, ông Lương Hoài Nam lạc quan.
Tìm lời giải bài toán con người
Những lợi ích và hiệu quả mà ứng dụng CNTT đem lại các nhà quản lý của PA đều tính toán được khá dễ dàng, nhưng giải bài toán “lao động dôi dư” khi ứng dụng TMĐT lại không hề đơn giản. “Không một doanh nghiệp nào có thể làm tốt được TMĐT nếu không giải quyết hiệu quả vấn đề lao động dôi dư trong doanh nghiệp”, ông Nam khẳng định.
Theo tính toán của lãnh đạo PA, ứng dụng bán vé điện tử đã khiến lực lượng lao động dôi dư (nhân viên bán vé, nhân viên tài chính...) của hãng hàng không này lên tới khoảng 500 người, mà không thể “xếp” vào vị trí nào được nữa.
Không chỉ có chuyện động viên, lãnh đạo PA cũng rất uyển chuyển trong những chính sách hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư. Bên cạnh việc áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động, họ đã áp dụng một số chế độ đặc thù để giảm bớt thiệt thòi cho những lao động dôi dư, cụ thể như hỗ trợ thêm 3 tháng thu nhập thực tế của người lao động. Như vậy, những lao động giản đơn được hỗ trợ 10-12 triệu đồng/người; có những nhân viên được hỗ trợ 50-70 triệu đồng/người.
Ông Lương Hoài Nam cũng cho biết trong thời gian tới, PA sẽ triển khai thêm các dịch vụ TMĐT như đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm du lịch... trên website của hãng. Đồng thời phối hợp với các ngân hàng để tích hợp thêm các loại hình thẻ thanh toán vào hệ thống, tạo thuận lợi cho hành khách trong việc mua vé (sắp tới là dùng thẻ thanh toán Fast Access, Connnect 24...).
N.C
Bình luận (0)