Vì sao lại “hạn chế tối đa” phim ma?

27/08/2007 22:22 GMT+7

Vừa qua, Cục Điện ảnh đã có công văn số 308 ĐA/PĐB yêu cầu "hạn chế tối đa phim ma, phim kinh dị" gửi các hãng sản xuất phim, các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa.

Công văn đề nghị "cần lựa chọn kỹ đề tài, nội dung có cốt truyện và chủ đề rõ ràng để sản xuất, nhập khẩu phim, cần hạn chế tối đa việc sản xuất hoặc nhập khẩu những thể loại phim trên" (phim ma, phim kinh dị - NV), tránh tình trạng phim được sản xuất hoặc nhập khẩu khi trình duyệt sẽ không được phép phổ biến rộng rãi tại Việt Nam".

Công văn đã gây hoang mang cho không ít nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong tình hình có không ít dự án phim ma, phim kinh dị đang được tiến hành và sắp ra mắt, gây ra nhiều luồng ý kiến trái ngược. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh - người đã ký công văn - xung quanh vấn đề trên. Ông Sinh cho biết:

- Đây chỉ là công văn có nội dung nhắc nhở đối với các hãng sản xuất phim và các cơ sở nhập khẩu phim trước một thực tế là họ có xu hướng khai thác đề tài phim ma, phim kinh dị nhiều hơn so với trước đây. Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh, Cục thấy cần lưu ý các cơ sở để tránh tình trạng tỷ lệ dòng phim này quá nhiều, gây đơn điệu cho điện ảnh trước nhu cầu phong phú, đa dạng của người xem. Và điều cần nhấn mạnh là chúng tôi khuyến cáo hạn chế những phim có nội dung khó hiểu, không có giá trị nghệ thuật hay ý nghĩa nhân văn, tạo nên tâm lý hoang tưởng về chuyện ma quái...

* Cục có xem phim ma và phim kinh dị là một thể loại điện ảnh không? Nếu đó cũng là một thể loại điện ảnh thì tại sao lại "cần hạn chế tối đa"?

- Trong điện ảnh có dòng phim mang màu sắc thần bí, ma quái, giả tưởng, được gọi là phim kinh dị (horror film). Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ điện ảnh, những phim này thường xử dụng kỹ xảo để tạo nên yếu tố ly kỳ, rùng rợn, nhằm gợi tính tò mò của khán giả. Có nhiều người thích xem lọai phim này, nhưng cũng không ít người từ chối loại phim đó.

Trong văn học, chuyện cổ tích hàm chứa rất nhiều yếu tố thần bí với những nhân vật là dị nhân, phù thủy, ma quái... nhưng đều có kết cục là cái thiện thắng cái ác, ca ngợi những giá trị cao đẹp của con người, và vì thế nó trường tồn. Điện ảnh cũng vậy thôi, những bộ phim ma nhưng giàu chất nhân văn, lên án cái ác bảo vệ những giá trị tốt đẹp thì đáng được quảng bá. Chúng tôi khuyến cáo hạn chế những phim thiếu tính nghệ thuật, thiếu tính nhân văn, có nội dung khó hiểu, yếu tố kinh dị tới mức rùng rợn và có thể gây tâm lý hoang mang, hoảng loạn, khiến người ta tin vào ma mãnh hay những điều thần bí, hoang tưởng, không có thực, chứ không nhằm ngăn cản dòng phim này.

* Vài năm gần đây các hãng tư nhân đã tích cực chọn lựa thể loại, đề tài mới để đáp ứng nhu cầu của khán giả, trong đó có việc nhập khẩu và sản xuất phim ma, kinh dị - loại phim đạt doanh thu cao ở các nước khác không kém các thể loại phim khác. Ông có nghĩ công văn sẽ là rào cản đối với hoạt động của họ?

- Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong phạm vi có thể để mọi thành phần tham gia vào khâu sản xuất phim, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến việc làm sao để các tác phẩm điện ảnh (dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu) vừa phong phú đa dạng về thể loại, đề tài, vừa có giá trị nghệ thuật, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một năm chúng ta sản xuất trên dưới 10 bộ phim nhựa, nếu có tới hơn một nửa là phim ma, phim kinh dị thì sẽ như thế nào? Việc khuyến cáo nhằm giúp các hãng có thêm thông tin để tính toán kế hoạch kinh doanh của mình cho hợp lý, vì nếu cứ để họ thoải mái nhập quá nhiều phim ma với nội dung vi phạm điều cấm của luật điện ảnh thì cũng sẽ không thể phát hành được.

* Như vậy, số phận phim kinh dị Mười (Hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc) và hai phim Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn (Hãng Chánh Phương) sẽ ra sao?

- Mười vẫn được phép phổ biến với điều kiện cấm trẻ em dưới 16 tuổi, vì thấy rằng nội dung không phù hợp với trẻ em Việt Nam lứa tuổi này. Điều này là hết sức bình thường, như đã từng thực hiện với những phim khác cần phải hạn chế độ tuổi.

Còn Hãng phim Chánh Phương có gửi bản nháp in trên băng video VHS của hai bộ phim Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn nhờ Cục Điện ảnh tư vấn trước khi trình duyệt. Cần phải nói rõ: đối với những phim sản xuất bằng nguồn kinh phí không thuộc ngân sách Nhà nước cấp, chúng tôi chỉ thẩm định đầu ra, tức là bộ phim đã hoàn chỉnh, sản xuất bằng chất liệu nào thì thẩm định bằng chất liệu đó. Trong Quy chế hiện hành không có khâu duyệt nháp. Nhưng thông cảm với ý muốn của hãng là muốn được tư vấn để sửa chữa kịp thời, tránh tình trạng khi đã hoàn thành bản đầu rồi đưa trình duyệt, nếu phải sửa chữa thì rất khó khăn và tốn kém, nên chúng tôi vẫn xem và đưa ra những ý kiến tư vấn. Đây chỉ là ý kiến tư vấn để tránh những vấn đề nhạy cảm có thể vi phạm điều cấm trong Luật Điện ảnh thôi, chứ đâu có phải là ý kiến của Hội đồng thẩm định ngăn cản không cho ra. Có lẽ tới đây chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy chế hiện hành thôi, không xem tư vấn như thế này nữa để tránh sự hiểu lầm. Các hãng tư nhân cứ làm phim theo nhu cầu của mình và hội đồng sẽ thẩm định bản phim hoàn chỉnh, theo đúng tinh thần Luật Điện ảnh.

* Xin cám ơn ông.

Trâm Anh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.