10 năm trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký: Một điển hình xã hội hóa giáo dục của cả nước

28/08/2007 21:41 GMT+7

10 năm về trước, tháng 9.1997, lễ khai giảng đầu tiên của trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký chỉ vỏn vẹn có 450 học sinh của TP.HCM với non 100 giáo viên, cán bộ công nhân viên. 10 năm sau, trường tổ chức lễ khai giảng cho 2.800 học sinh của 25 tỉnh, thành trong cả nước và 480 giáo viên, cán bộ, nhân viên.

Năm đầu, trường có 1 cơ sở để dạy và học tại đường Bành Văn Trân (Q.Tân Bình) có diện tích 1.600m2. Cách đây 5 năm, thêm cơ sở 21 Trịnh Đình Trọng (Q.11) rộng gấp 10 lần với 60 phòng học, 450 chỗ ở nội trú, 1 khu thể thao 10.000m2 bao gồm bể bơi, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, bóng rổ, phòng tập thể dục dụng cụ... Trong những năm đầu mỗi lớp học có 45 học trò còn bây giờ mỗi lớp chỉ có 35 em và từ 2 - 3 năm tới sẽ phấn đấu mỗi lớp còn 25 học sinh. Chính con số đó khẳng định sự phấn đấu vươn lên một đẳng cấp mới tức là đảm bảo một lớp học ít học trò, tăng cường hiệu quả dạy và học. 

Cũng như ở trong đá bóng, người xem nhìn vào kết quả cuối cùng đó là tỷ số thắng thua thì trong giáo dục, khi đánh giá một trường học, phương diện được quan tâm nhiều nhất là kết quả tốt nghiệp. Khi còn kỳ thi tốt nghiệp THCS, con số quen thuộc của trường Trương Vĩnh Ký là 100% học sinh đạt tốt nghiệp, trong đó loại khá và loại giỏi không bao giờ dưới 70%. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm đầu không có học sinh thi, 9 năm sau kết quả đều trên 93%, trong đó 4 năm liên tục gần đây 100% tốt nghiệp và khoảng 40% học sinh đỗ vào các trường ĐH - CĐ...

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường lưu ý đến 2 môn học mang tính mũi nhọn đột phá đó là Tin học và Ngoại ngữ (tiếng Anh). Môn Tin học được trường đưa vào chương trình giảng dạy như môn chính khóa với hệ thống trên 400 máy vi tính. Riêng về tiếng Anh, ngoài số tiết dạy theo quy định, nhà trường tăng từ 2 - 4 tiết để học sinh làm quen, giao tiếp với giáo viên nước ngoài. Tuy vậy, ấn tượng của trường Trương Vĩnh Ký để lại cho học sinh phải kể đến 2 ngày lễ hội lớn. Đóá là lễ hội truyền thống 6.12  - ngày sinh của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, toàn trường ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của nhà bác học Trương Vĩnh Ký để rút ra bài học về nhân cách. Và vào tháng 5 hằâng năm, trường tổ chức "Lễ trưởng thành và tri ân" cho học sinh lớp 12. Có thể nói ngày lễ đã tác động rất tốt đến tình cảm học sinh và được phụ huynh học sinh hoan nghênh. 

Do đặc điểm của trường tư thục, dân lập, phần lớn học sinh có trình độ văn hóa không cao, học lực không khá. Đây chủ yếu là con em gia đình có thu nhập cao, quen với nếp sống tiêu xài, ít chịu gò bó trong cuộc sống tập thể kỷ cương, kỷ luật. Nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng trường dân lập là nơi đến để bỏ tiền "mua chữ" vì thế họ chỉ quan tâm kết quả học tập còn chuyện gò bó con em họ như không đeo nữ trang, mang điện thoại và tiền nhiều đến trường... như trường Trương Vĩnh Ký quy định là không thể chấp nhận. Giải thích cho những thắc mắc trên, GS - NGƯT Trần Hữu Tá, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Việc quy định chặt chẽ như vậy để bảo vệ an toàn cho học sinh trước những hành vi xâm phạm, độc hại. Bên cạnh đó để các em khi đến trường có ý niệm dân chủ, bình đẳng...". Ngoài ra, trường phát động hành động cụ thể theo chủ đề "Sống có trách nhiệm" như không gian dối trong học tập, thi cử. Tiếp theo là phải ứng xử có văn hóa, không nói tục, không xả rác. 

Có thể nói, trường tư thục Trương Vĩnh Ký là một điển hình về xã hội hóa giáo dục của cả nước thành công nhất trong 10 năm qua. Bí quyết quan trọng tạo nên sự thành công của ngôi trường là sự đoàn kết giữa chủ doanh nghiệp với Ban giám hiệu nhà trường - một điều mà nhiều doanh nhân có vốn đầu tư trường và nhiều nhà giáo có uy tín tham gia quản lý nhà trường hiếm khi đạt được. 

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.