"Hạn chế tối đa phim ma, phim kinh dị" có hợp lý ?

28/08/2007 21:29 GMT+7

Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh cho biết, không chỉ lần này Cục mới đưa ra khuyến cáo đối với phim ma, phim kinh dị, mà trước đây cũng từng có những khuyến cáo khi số lượng nhập khẩu, sản xuất các phim nặng về tình dục, bạo lực có xu hướng tăng lên và được các hãng chấp hành.

Riêng lần này, công văn khuyến cáo "hạn chế tối đa phim ma, phim kinh dị" đã thực sự gây ra những lo lắng, hoang mang cho các hãng nhập khẩu và đặc biệt là hãng sản xuất phim. Ông Sinh, trong bài trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 28.8 nói rằng, sở dĩ phải ra khuyến cáo vì "các cơ sở có xu hướng khai thác đề tài phim ma, phim kinh dị nhiều hơn so với trước đây", và Cục thấy cần nhắc nhở để "tránh tình trạng tỷ lệ dòng phim này quá nhiều, gây đơn điệu cho điện ảnh trước nhu cầu phong phú, đa dạng của người xem". Còn trong Công văn 308ĐA/PDB của Cục thì khẳng định, các phim kinh dị, phim ma đã được trình duyệt tại Hội đồng Trung ương duyệt phim truyện trong những tháng đầu quý III "có nội dung ít mang tính giải trí, gây khó hiểu cho đa số khán giả xem phim, nhiều trường đoạn gây phản cảm, nhiều cảnh ly kỳ, rùng rợn gây cảm giác hoảng loạn cho người xem, vi phạm những điều cấm mà Luật Điện ảnh đã quy định".

Việt Nam, như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cũng có những chuẩn mực riêng trong việc kiểm duyệt và cho phép lưu hành các tác phẩm điện ảnh. Cục Điện ảnh, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, đưa ra những nhắc nhở trong những giai đoạn cụ thể là việc cần thiết. Tuy nhiên, những lý do mà Cục đưa ra để khuyến cáo "hạn chế tối đa" phim ma, phim kinh dị ở thời điểm này chưa thực sự thuyết phục. 

Thứ nhất, thật ra số phim ma, kinh dị nước ngoài đã được trình chiếu ở các rạp là rất ít so với số lượng phim tình cảm, hành động, hài (những thể loại phim đang chiếm lĩnh màn ảnh lớn) và hầu hết là những phim cũ, không thu hút đông người xem vì những người thích thể loại này đã xem đĩa lậu cả rồi. Việc sản xuất phim ma, kinh dị lại càng ít ỏi hơn. Cách đây mấy năm, ngay từ khi hãng phim tư nhân được phép thành lập, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn đã nghĩ ngay đến việc làm phim ma, phim kinh dị như một cách "đổi món" cho khán giả. Nhưng đến nay, chỉ mới có phim nhựa Mười của Hãng Phước Sang hoàn thành, còn Ngôi nhà bí ẩn, Suối oan hồn của Hãng Chánh Phương mới chỉ là 2 tập đầu trong loạt phim truyền hình dự kiến kéo dài 50 tập, và khán giả cũng chưa hề được xem phim nào trong số các phim này. Chính khuyến cáo "hạn chế tối đa" lúc này mới gây tác động khiến khiến nhu cầu thưởng thức điện ảnh phong phú, đa dạng của người xem bị giới hạn. 

Thứ hai, công văn cho rằng những phim ma, kinh dị được trình duyệt vừa qua "ít có tính giải trí, gây khó hiểu cho đa số khán giả khi xem phim". Tính giải trí, hiểu theo nghĩa thông thường là giúp người xem thư giãn, là một chức năng quan trọng của điện ảnh, nhưng tiếc thay lại không phải mục tiêu của thể loại phim ma, phim kinh dị. Một bộ phim ma, kinh dị khiến người xem thấy thoải mái, nhẹ nhàng, thư giãn là một phim thất bại. Dù kết thúc "có tính nhân văn, lên án cái ác, bảo vệ cái tốt đẹp" như yêu cầu của ông Cục trưởng, thì trong suốt  quá trình chiếu, nó phải khiến người xem tò mò, hồi hộp, sợ hãi mới thành công. Mà muốn được như thế, thì các đầu dây mối nhợ, các nguyên do gây tò mò hồi hộp phải được "giấu" rất kỹ. Nếu ngay từ đầu phim, người xem đã "à, con ma do người sống đóng giả ấy mà" thì hỏng bét. Bởi vậy, lý do "gây khó hiểu cho đa số khán giả khi xem phim" để hạn chế phim ma, kinh dị cũng chưa phù hợp.

Việc Cục Điện ảnh nhận xét rằng những phim vừa qua "có quá nhiều cảnh ly kỳ rùng rợn gây cảm giác hoảng loạn cho người xem" nên phải "hạn chế tối đa" lại khiến người ta nhớ đến một đề tài đã được nhắc đến từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện: tiến hành phân loại phim, như đã được nhiều nước áp dụng, phù hợp với quan điểm về đạo đức, văn hóa của nước đó. Có lẽ, phân loại phim với những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng phù hợp với từng lứa tuổi khán giả là cách tốt nhất để ngăn chặn những tác động tiêu cực của tác phẩm điện ảnh đối với những đối tượng khán giả đặc biệt (ở nước ta trẻ em dưới 16 tuổi hay được xếp vào diện này), đồng thời tạo điều kiện cho các nhà làm phim sáng tạo một khi đã xác định đối tượng khán giả cụ thể của mình.

Những điều cấm trong Luật Điện ảnh cũng như nhắc nhở của công văn, theo nhiều nhà sản xuất, còn rất chung chung, sẽ gây khó khăn cho họ trong việc làm phim ma, kinh dị sau này, dù ông Cục trưởng "trấn an" rằng, chỉ nhắc nhở chứ không ngăn cản! Việc vận hành của các hãng phim, nhà nhập khẩu phim (đặc biệt là tư nhân) không chỉ tuân theo định hướng của Cục, mà còn chịu sự chi phối của thị trường. Nếu phim ma, phim kinh dị "quá nhiều, thiếu tính nhân văn, gây phản cảm, gây đơn điệu" như nhận xét của Cục thì tất yếu sẽ không được khán giả đón nhận, và các hãng sẽ phải tự động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhập khẩu của mình. Có lẽ đây cũng là điều cần được Cục Điện ảnh lưu tâm trước khi ban hành các công văn khuyến cáo.         

 Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.