Bên trong chợ thuốc phiện Afghanistan

30/08/2007 14:50 GMT+7

Thoạt nhìn thì Shaddle Bazzar trông cũng giống như những khu chợ bình thường khác với khoảng 30 sạp hàng hóa bên trong. Nhưng thật ra đó là một trong những khu chợ thuốc phiện lớn nhất Afghanistan tấp nập người bán, kẻ mua…

Kiosk bằng bùn

Shaddle Bazzar nằm ở tỉnh Nangarhar, trên vùng biên giới đầy bất ổn với Pakistan. Đông đảo nông dân từ tỉnh Nangarhar và cả những tỉnh lân cận ngày ngày mang thuốc phiện đến đây để bán lấy tiền nuôi vợ nuôi con. Cái cách mà họ gieo trồng, gặt hái và cuối cùng là bán thuốc phiện chẳng khác nào bán cà phê, thóc lúa. 


Mua bán thuốc phiện tại Shaddle Bazzar (Ảnh BBC)

Và hàng ngàn ký hàng cấm được giao dịch mỗi ngày ở Shaddle Bazzar.

Ngồi trong một trong những kiosk đắp bằng bùn ở Shaddle Bazzar, bạn có thể thấy rõ rằng người bán, kẻ mua chẳng phải ra vẻ bí mật, thậm thụt gì cho lắm. Những cuộc cãi vã lớn tiếng về giá cả cũng như chất lượng hàng diễn ra liên tục.

Giữa kiosk có một cái cân rõ to. Trong lúc người giúp việc bở hơi tai liên tục khuân hàng lên cân thì ông chủ Gul Mohammad cũng vã mồ hôi đếm tiền trả cho những người bán thuốc phiện.

Mỗi ngày, ông thu mua đến vài tạ hàng cấm. Thứ mùi đặc trưng của nó nồng nặc khắp nơi.

Trước kiosk của Mohammad, xe cộ ra vào tấp nập. Khách hàng nào cũng được đón tiếp nhiệt tình bằng những ly nước chè xanh thơm mát.

Chẳng cần phải chú ý gì nhiều mới nhìn thấy những điều khác thường ở đây. Hầu hết những người mua bán thuốc phiện đều giắt súng trường trong người. Họ bảo làm như thế là để bảo vệ an toàn cho bản thân. Cảnh những người đàn ông vác những bao tải to tướng chất đầy tiền cũng chẳng phải là chuyện lạ.

Bay sang châu u

Để đến được Shaddle Bazzar, nhiều dân làng đã phải đi bộ vượt qua những quãng đường dài đầy trắc trở. Abdullah Jan, 18 tuổi, là một ví dụ. Sự căng thẳng, mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt cậu. Nếu cậu bị cảnh sát hay bị cướp chặn giữa đường thì toàn bộ số “tài sản” để nuôi sống cả nhà cậu trong suốt một năm trời sẽ đi tong.


Những đợt tiêu hủy thuốc phiện như thế này vẫn không giúp cải thiện tình hình (Ảnh BBC)

“Tôi ra khỏi nhà vào lúc 4 giờ sáng và đến đây sau 4 giờ. Tôi vác theo 10 kg thuốc phiện thu hoạch từ cánh đồng của mình để đem đi bán”, Jan kể.

Sau một lúc lâu kỳ kèo bớt một thêm hai, Jan đồng ý bán cho Gul Mohammad 10 kg thuốc phiện với giá 1.400USD. Quả là một loại hoa màu đáng giá hơn bất kỳ một thứ cây trồng nào khác! 

Từ khu chợ Shaddle Bazzar nhỏ bé này, những bao thuốc phiện sẽ còn vượt qua một hành trình dài đằng đẵng trước khi đến tay các con nghiện, phần lớn nằm ở tận châu u xa xôi.

Chúng sẽ được đóng gói lại cẩn thận, được đưa đến các “nhà máy” ở những khu vực đồi núi lân cận để chế biến thành heroin. Những “nhà máy” này do chính những kẻ buôn bán thuốc phiện xây dựng lên. Từ đây, mạng lưới  buôn lậu heroin với đầy đủ những thủ đoạn tinh vi nhất sẽ tỏa đi khắp nơi, gieo rắc cái chết trắng trên các đường phố u châu, Trung Đông và tất nhiên là trên  cả chính mảnh đất Afghanistan tan hoang này.

Dưới thời Taliban, thuốc phiện được bày bán công khai tại chợ Shaddle Bazzar vì Taliban cho phép trồng cây thuốc phiện đại trà.

Đến khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001, khu chợ này đã bị kiểm tra nhiều lần nhưng nó vẫn cứ thản nhiên tồn tại cho đến ngày nay.

Trong những tháng gần đây, lực lượng đặc nhiệm chống ma túy của Afghanistan cùng phối hợp với các lượng lượng quân sự nước ngoài cũng nhiều lần bố ráp Shaddle Bazzar, bắt giữ nhiều kẻ buôn bán hàng cấm, thu giữ thuốc phiện và cả heroin với số lượng lớn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bao giờ thành công trong việc xóa bỏ vĩnh viễn Shaddle Bazzar.

Bàn tay mafia

Năm ngoái, cây thuốc phiện lại nở rộ trên các cánh đồng ở Afghanistan và số lượng thuốc phiện thu hoạch được đã ở mức kỷ lục.


Hoa thuốc phiện vẫn đang nở rộ trên các cánh đồng ở Afghanistan (Ảnh BBC)

Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều con nghiện ngắc ngoải hơn trên các đường phố châu u, Trung Đông và ở quê hương Afghanistan.

Sản lượng thuốc phiện đã tăng đến 25% trong năm 2006, một con số khiến nhiều người phải giật mình. 4 năm sau khi liên quân Anh-Mỹ bắt đầu cuộc vật lộn phá bỏ cây thuốc phiện ở đất nước Nam Á này, Afghanistan vẫn là nơi sản xuất ra 90% số thuốc phiện được đem đi bán trên khắp thế giới.

Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Afghanistan hơn 10 tỉ USD nhưng phần lớn số tiền kể trên được chi cho công tác an ninh hơn là các kế hoạch làm thay đổi nguồn kiếm sống của người dân Afghanistan.

Với Gul Mohammad, buôn bán thuốc phiện là phương tiện sinh sống của ông ta. “Nếu chúng tôi có đường xá, bệnh viện, nhà máy và nếu có cơ hội kiếm việc làm, tôi sẽ không làm cái việc này nữa”, Mohammad nói.

Trong một thập niên qua, người đàn ông 45 tuổi này đã chứng kiến đến mấy đời chính quyền khác nhau, kiosk của ông cũng năm lần bảy lượt bị cảnh sát ập đến. Nhưng nó rồi nó vẫn cứ mở cửa trở lại và bản thân ông ta chưa bao giờ bị bắt.

Mohammad vẫn thản nhiên ngày ngày đếm tiền mỏi tay để mua thuốc phiện với đủ loại giá khác nhau, có thể là 10.000 Afghanis (khoảng 200USD) cho một ký thuốc phiện khô hay 5.500 Afghanis (khoảng 110USD) cho một ký tươi.

Giới chức Afghanistan  than phiền rằng bàn tay mafia quá hùng mạnh nên họ chẳng làm gì được.

Tướng Daud Daud, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách chống ma túy than thở: “Ở cái vùng đồi núi Achin và các ngôi làng khác ở biên giới, bọn chúng có tất cả: từ súng máy hạng nặng đến súng phóng lựu. Bọn chúng cũng có nhiều xe xịn hơn và nhiều tiền hơn chúng tôi”.

Còn những nông dân trồng loại cây chết người này nói gì? Hãy nghe ý kiến của Haji Deen Gul- người vừa bán 20kg thuốc phiện cho Mohammad: “Họ (chính phủ) nên bắt giữ những người bán ma túy cho các nước phương Tây thì hơn. Tôi bán cây thuốc phiện tôi trồng để nuôi sống gia đình và người ta có thể chế tạo ra thuốc trị bệnh từ số thuốc phiện của tôi. Khi tôi được tiếp cận với nước nguồn nước và đường xá ngon lành, tôi sẽ ngưng trồng thuốc phiện ngay”.

Bản thân ông này thừa nhận ông chẳng bao giờ muốn trồng thuốc phiện và cũng chẳng muốn con cháu mình sa vào đây: “Tôi không muốn con cháu mình bị lôi vào những cuộc mua bán như thế này và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, thế giới sẽ giúp chúng tôi. Chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể ngưng buôn bán thuốc phiện”.

Đoan Nhật (Theo BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.