Trong sân trường, tôi thấy một dàn trống được làm bằng... những cái thùng nhựa dùng để chứa nước. Tiếp theo là những chai nhựa Coca-Cola loại lớn được gắn thêm những van xe, những vành bánh xe hơi, không biết đã được "gọt giũa" thế nào mà khi gõ vào cũng tạo ra ngân nga tiếng nhạc. Rồi một hàng ống hơi được cắt dài ngắn khác nhau ghép lại thành một kiểu nhạc cụ, chỗ khác là một loại đàn kiểu đàn T'rưng của Việt Nam, được làm bằng những mảnh kim loại và gỗ ghép lại với nhau. Dưới gốc cây, những thanh đá nhỏ nằm đều nhau cũng là một loại nhạc cụ khác.
|
Tôi cũng có dịp chứng kiến một buổi biểu diễn ngoài trời được tổ chức ở trường. Các nhạc công người gõ thùng nước, kẻ gõ thanh kim loại, kẻ khác dùng những miếng cao su vỗ vào những ống hơi (tôi thấy gần giống như kiểu nhạc cụ của các dân tộc Tây Nguyên được ghép bằng ống nứa mà khi vỗ tay sẽ tạo ra tiếng nhạc), người đập những chai Coca-cola vào nhau, tạo ra những âm thanh vô cùng sôi động. Sau buổi biểu diễn, các nhạc công chỉ cho tôi cách đập chai Coca-Cola thế nào để ngân rung từng nốt nhạc khác nhau, các mảnh kim loại được "chế tác" thế nào để ghép vào nhau có thể tạo ra bảy nốt nhạc đô, rê, mi, fa, son, la, si. Cũng thật ngạc nhiên là những loại nhạc cụ này hoàn toàn do các nhạc công tự chế tạo nhằm phục vụ công việc giảng dạy nghệ thuật trong nhà trường và cộng đồng.
|
Ở ta có nghệ sĩ Mai Đình Tới chế tạo nhạc cụ từ chai lọ, ống nước, bóng đèn... Có đoàn nghệ thuật Hàn Quốc từng sang Việt Nam biểu diễn âm nhạc từ nồi, niêu, xoong, chảo... Những nhạc cụ của trường Memory ở Yeoju lại cho một sự ngạc nhiên thú vị khác: người xưa có thể làm nhạc cụ từ cây trúc, ống nứa, trái bầu khô thì hôm nay các nghệ sĩ có thể chế tạo ra những nhạc cụ bằng vành bánh xe hơi, ống hơi, chai nhựa, mảnh kim loại... Quả thực, những ý tưởng sáng tạo là vô bờ bến !
Quang Thi (từ Seoul)
Bình luận (0)