Dự án khu công nghiệp Tân Phú Trung (TP.HCM): Doanh nghiệp bức xúc vì bị xử ép

31/08/2007 23:30 GMT+7

Bị thu hồi đất đã mua để xây dựng nhà xưởng sản xuất tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM), 71 doanh nghiệp (DN) làm đơn khiếu nại. Tháng 3.2007, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo UBND TP.HCM xử lý giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.2007. Thế nhưng cho đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa báo cáo kết quả. Ngày 19.7, Văn phòng Chính phủ lại một lần nữa đề nghị UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ việc khiếu nại này trước ngày 16.8 nhưng sự chậm trễ này cũng lặp lại. Vì sao?

Quá nhiều bất hợp lý

Dự án khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung tại xã Tân Phú Trung và xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi được UBND TP.HCM ký ban hành quyết định thu hồi đất (552,3 ha) ngày 19.1.2004 và tạm giao toàn bộ diện tích đất này cho Quỹ Đầu tư và phát triển đô thị TP chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN. Ngày 16.12.2004, UBND TP ký Quyết định 6332 giao việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung cho Công ty cổ phần Song Tân (nay được đổi tên là Công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc - SCD).


Các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng tại KCN Tân Phú Trung - ảnh: D.Đ.M

Theo đơn khiếu nại của tập thể 71 DN, hưởng ứng chủ trương của UBND TP.HCM về việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra ngoại thành, từ các năm 1995 -2003, nhiều DN đã tiến hành mua đất ở Tân Phú Trung trước khi TP có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng KCN tại đây. Trong số này, có 48 DN đã xây dựng nhà xưởng và hoạt động, một số hiện đang tiến hành san lấp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, trong hai năm qua, các DN liên tục nhận được thông báo của SCD với nhiều nội dung rất bất hợp lý.

Theo đó, điều kiện để các DN có thể "tồn tại" trong phạm vi KCN như sau: DN đã có đất trong khuôn viên KCN mà chưa xây dựng nhà xưởng sản xuất thì phải nhận tiền đền bù 65.000đ/m2 và sau đó muốn vào KCN thì phải thuê lại đất trong vòng 50 năm với giá 47 USD/m2. Trong khi đó, nhiều DN đã phải tự thương lượng mua đất tại đây từ trước với giá từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/m2 để xây dựng nhà xưởng. Với các DN đã có nhà xưởng sản xuất, SCD đưa ra phương án là phải đóng 3,5 tỉ đồng/ha (chưa bao gồm thuế VAT) gọi là thanh toán chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN. Bất hợp lý ở chỗ, mặc dù nhiều DN đã có các văn bản pháp lý để tiến hành xây dựng nhà xưởng từ trước khi có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng KCN Tân Phú Trung nhưng vẫn phải chịu mức giá chi phí đầu tư hạ tầng do SCD đơn phương áp đặt. Chẳng hạn như DN Hải Thành có 4.437m2 đã có quyết định giao đất của UBND TP từ năm 2000 và cũng trong năm 2000 đã có văn bản chấp thuận địa điểm của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nêu rõ "Việc dự kiến đầu tư xây dựng công trình của DN Hải Thành là phù hợp". Sau đó DN Hải Thành xây dựng nhà xưởng thì bị "vướng" vào quy hoạch KCN. Công ty liên doanh Quán Hảo - Quán Quân thì đã được UBND TP.HCM ký quyết định giao 10.000m2 đất từ năm 1997, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà xưởng thì bị ách tắc từ khi có chủ trương quy hoạch KCN đến nay. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong một danh sách thống kê các trường hợp đã có quyết định giao đất - thuê đất trước khi hình thành KCN Tân Phú Trung do Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM lập, có 44 DN đã được giao-thuê đất, trong đó có 39 quyết định do UBND TP.HCM ký và 5 quyết định do UBND huyện Củ Chi ký. Và trong số này, có rất nhiều trường hợp đã có ý kiến thỏa thuận địa điểm của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM trong các năm 2000 - 2002 cho phép đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Tại sao không đối thoại?

Mặc dù các DN đã có đơn khiếu nại lên Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP.HCM nhưng từ gần một năm nay, vấn đề giải quyết các khiếu nại của DN vẫn "dẫm chân tại chỗ". Theo trình bày của các DN thì cả 2 phương án mà SCD đưa ra đều không phù hợp. Thứ nhất, đối với các DN đã được giao đất, có nhà xưởng đang hoạt động từ trước khi có quy hoạch KCN, họ cũng đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở sản xuất của mình, việc đóng thêm 3,5 tỉ đồng/ha để xây dựng hạ tầng là không thuyết phục. Thứ hai, đối với các DN mua đất nhưng chưa kịp xây dựng nhà xưởng nay bị áp giá đền bù 65.000 đồng/m2 rồi sau đó phải thuê lại đất trong KCN để sản xuất với giá 47 USD/m2 là bất hợp lý. Ông Dương Chí Cần -Giám đốc DNTN Thành Đạt bức xúc: "Tôi mua 6 ha đất từ năm 2000 với giá 200.000 đồng/m2. Sau đó, tôi xin phép và đã được Kiến trúc sư trưởng TP chấp thuận cho xây dựng nhà xưởng trên diện tích 9.000m2 vào năm 2000, phần đất còn lại tôi dự định sau này sẽ mở rộng sản xuất nhưng từ đó đến nay tôi xin phép hợp thức hóa không được. Trong khi đó, SCD lại thông báo yêu cầu đóng tiền xây dựng hạ tầng, phần đất nông nghiệp còn lại thì đòi bồi thường với giá 65.000 đồng/m2. Tôi không hiểu giá này căn cứ trên cơ sở nào?". 

Theo tài liệu chúng tôi có được, tháng 11.2003, UBND huyện Củ Chi đã có một cuộc khảo sát giá trước khi đề xuất giá đền bù dự án KCN Tân Phú Trung, trong đó tại khu vực mặt tiền kênh Thầy Cai thuộc xã Tân Phú Trung được xác định giá chuyển nhượng trong năm 2002 là 200.000 - 300.000 đồng/m2. Còn tại khu vực mặt tiền giáp kênh Thầy Cai thuộc xã Tân Thông Hội thì được xác định giá năm 2001 là 300.000 đồng/m2. Tất cả mức giá này đều nằm tại các khu vực đất của những DN đang khiếu nại vì bị áp giá đền bù  chỉ có 65.000 đồng/m2. Đây chính là bất hợp lý lớn nhất khiến cho hàng chục DN đầu tư tại Tân Phú Trung bức xúc và không hợp tác với SCD cũng như UBND huyện Củ Chi trong việc triển khai đền bù trong phạm vi dự án KCN. Thậm chí, có trường hợp như ông Huỳnh Quang Hùng - Giám đốc Công ty dệt Xuân Hương, do quá bức xúc việc UBND huyện Củ Chi gửi các văn bản (quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường hỗ trợ thiệt hại) bằng đường bưu điện đến nhà riêng nên đã làm văn bản gửi UBND huyện Củ Chi với nội dung nêu rõ: Không nhận các quyết định của UBND huyện Củ Chi, không chấp nhận đơn giá bồi thường quá lỗi thời, không thi hành những quyết định có tính áp đặt do UBND huyện Củ Chi gửi đến. 

Cũng theo các DN, chỉ có một lần SCD và Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM (Hepza) mời 8 DN lên dự họp vào ngày 20.10.2006 nhưng do quá sốt ruột về số phận đất đai, nhà xưởng của mình, có khoảng 70 DN dù không được mời vẫn lên dự họp. Cuộc họp không đạt được kết quả vì SCD không giải quyết, không trả lời được các chất vấn của các DN. Sau đó, Hepza có mời gặp riêng từng DN nhưng chủ yếu để phổ biến hợp đồng nguyên tắc, trong đó yêu cầu DN cam kết thanh toán 3,5 tỉ đồng/ha đất xây dựng hạ tầng và thanh toán 50% ngay khi ký hợp đồng.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Lê Văn Thành - Phó tổng giám đốc SCD - cho biết: "Căn cứ để tính mức chi phí xây dựng hạ tầng 3,5 tỉ đồng/ha là để đầu tư đường sá, điện nước và các công trình phúc lợi trong KCN. Nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào đóng khoản chi phí này. Còn về giá đền bù 65.000 đồng/m2 là mức giá do UBND TP.HCM phê duyệt". Ông Thành cũng cho rằng việc gửi các hợp đồng nguyên tắc vào năm 2005 để các DN cam kết đóng góp chi phí hạ tầng (3,5 tỉ đồng/ha) là do chủ đầu tư "áng chừng" như vậy và hiện nay SCD đang trình Hepza duyệt mức chi phí này cũng với giá 3,5 tỉ đồng/ha. Ông Thành cho biết hiện tại, Hepza và SCD đang tiếp tục hoàn chỉnh văn bản gửi UBND TP.HCM để xử lý, giải quyết các khiếu nại của các DN đầu tư tại KCN Tân Phú Trung. 

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.