Đánh giá về hiệu quả CCHC, Phó chủ tịch thường trực UBND, Trưởng ban chỉ đạo CCHC TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho rằng, trong 8 tháng đầu năm, lĩnh vực CCHC của TP đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Tài liệt kê một loạt các vấn đề làm được, như đã rà soát bãi bỏ 90 văn bản, quy định không còn phù hợp, đang xem xét 23 văn bản khác; nghiên cứu bổ sung 57 thủ tục và đề xuất 72 ý kiến với Trung ương...; ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, tra cứu các công việc liên quan đến dân; tổ chức làm việc ngày thứ bảy và đặc biệt là áp dụng mô hình một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính. "Vừa rồi chúng ta thí điểm làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trong lĩnh vực cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất... đã cho kết quả rất tích cực. Trước đây những hồ sơ nào đã giải phóng đền bù xong cũng mất thời gian từ 1-2 năm, bây giờ chỉ còn 20 ngày thôi. Những hồ sơ liên quan đến đất đai chưa giải phóng mặt bằng toàn bộ thì thời gian tối đa khoảng 40 ngày" - ông Tài nói về mô hình một cửa liên thông tại TP.
Làm thủ tục nộp thuế tại quận Tân Bình (ảnh: D.Đ.Minh) |
Lãnh đạo đơn vị "điển hình" về hiệu quả CCHC, Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê cho biết thêm: "8 tháng qua chỉ riêng bộ phận đăng ký kinh doanh của Sở đã làm hơn 35 nghìn đầu việc, trong đó hoàn tất hồ sơ thành lập mới 10.939 công ty, hơn 4.100 chi nhánh... với thời gian được rút ngắn hơn trước...". Tuy vậy, ông Rê cũng thừa nhận cách bố trí làm việc còn thiếu khoa học. "Từ 4.9, chúng tôi sẽ sắp xếp nhận hồ sơ vào buổi sáng và trả hồ sơ buổi chiều; đồng thời tách bộ phận hướng dẫn ra để giảm áp lực quá tải, chờ đợi" - ông Rê nêu biện pháp khắc phục và mong muốn người dân nên tham khảo, đăng ký kinh doanh qua mạng vì "Hiện chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin rất cao và khoảng 50% hồ sơ thời gian qua được cấp, trao đổi qua mạng... người dân chỉ 1 lần đến Sở nhận kết quả".
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Bạch Yến phản ánh "dân vẫn còn kêu nhiều lắm". Theo bà Yến, một trong những vấn đề dân kêu nhiều nhất là thời gian giải quyết hồ sơ được quy định rút ngắn nhưng là kể từ khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ hoàn chỉnh, còn thời gian trước đó rất vất vả để thực hiện theo yêu cầu của cán bộ. Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo nêu đích danh các lĩnh vực dân còn kêu thủ tục rườm rà, cần lưu ý là: đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách và xã hội; xin giấy phép xây dựng, có công trình trễ đến 10 tháng; làm giấy tờ nhà đất và thuế. "Theo điều tra xã hội, trong 1 năm một doanh nghiệp phải mất đến 1.959 giờ để lo việc thuế thì nhiêu khê quá!" - bà Thảo nói và ông Nguyễn Thành Tài tiếp thu: "Đúng là còn rất nhiều việc mà tổ chức, cá nhân chưa hài lòng". Ông Tài cho biết vừa rồi có đi kiểm tra ở Sở TN-MT và Sở Xây dựng, thấy lượng hồ sơ phải bổ sung, trả lại tương đối lớn. "Tôi đã yêu cầu 2 sở này và các sở khác cần nghiên cứu rút ra những vấn đề thường vấp phải để hướng dẫn, minh bạch thông tin cho dân biết" - ông Tài nói. Về lâu dài, ông Tài khẳng định TP tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho cấp sở, tạo sự liên thông tốt hơn, thực hiện thanh tra công vụ để đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức...
Không được ép học sinh mua đồng phục Gần một nửa thời gian buổi đối thoại liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới 2007-2008. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Huỳnh Công Minh cho biết mặc dù toàn TP hiện còn thiếu 1.300 giáo viên, cơ sở hạ tầng một số nơi quá tải... nhưng TP cố gắng để ngày 5.9 tới đây thực sự là ngày hội đến trường của các em. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng khẳng định: "TP không để bất cứ hoàn cảnh, số phận nào của các em đến TP sinh sống, dù ở dạng thức nào, mà không có đủ điều kiện đi học". Liên quan đến những lo lắng của phụ huynh trước thềm năm học mới như học phí, đồng phục..., ông Huỳnh Công Minh khẳng định Sở đã có thông báo từ đầu tháng 8 tới tất cả các trường: mức thu học phí năm học 2007-2008 vẫn như các năm học khác, không được nâng lên. Việc quy định đồng phục của các trường là do sự thống nhất giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường nhằm quản lý, giáo dục học sinh tốt hơn, chứ Sở không quy định chung toàn TP. "Mỗi trường có đồng phục khác nhau, nhưng không phải năm nào cũng thay đổi đồng phục gây khó khăn cho gia đình học sinh... Tôi cũng phải nói rõ, nếu em nào không có điều kiện sắm đồng phục cũng không bắt ép mà không cho các em đến trường" - ông Minh khẳng định. |
Đức Trung
Bình luận (0)