Rủ nhau đến Việt Nam
Qua sự giới thiệu của Bình, vốn là một du học sinh Trung Quốc và hiện làm việc ở khu công nghiệp Bình Dương, chúng tôi đến khu nhà trọ của du học sinh Trung Quốc tại Làng đại học Thủ Đức. Có hơn 20 du học sinh Trung Quốc đang trọ ở đây. "Sống tập trung như thế này để dễ dàng giúp đỡ nhau học tập, tìm việc làm, động viên nhau những lúc nhớ nhà...", Bình nói. Phần lớn những du học sinh này đến từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong căn phòng nóng, ẩm, chưa đầy 15m2, 5 người đang chụm đầu chăm chú tìm việc trên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng (tiếng Hoa).
Người đến trước chỉ cho người đến sau. Được bạn bè giới thiệu, Lô Thiệu Tiến, Đường Lệ Yến, Cam Tùng Thành, Trương Khoa Kiện cùng nhóm bạn vừa tốt nghiệp bậc cao trung (tương đương THPT ở nước ta) rủ nhau qua Việt Nam học thêm khóa tiếng Việt ngắn hạn 4 tháng tại khoa Ngữ văn Trung Quốc, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (trước đó họ đã học 4 tháng trong nước). Học xong, một số về nước làm phiên dịch, quản lý hay kinh doanh... còn đa số ở lại Việt Nam tìm việc. Theo du học sinh Hứa Siêu Kiệt: "Việt Nam đang hội nhập với thế giới và phát triển mạnh, có thêm nhiều khu công nghiệp. Vì thế cơ hội tìm được việc ở Việt Nam rất cao". Những khóa trước đã có nhiều người tìm được việc tại các khu công nghiệp của Việt Nam với mức lương từ 300-500 USD/tháng. Những công việc ít đi lại như trợ lý, thư ký, kế toán... được du học sinh chọn nhiều nhất. Tuy nhiên thời gian gần đây, ngày càng có nhiều du học sinh sang Việt Nam tìm việc nên để có được công việc phù hợp với khả năng, trình độ và mức lương như mong muốn không phải là điều dễ dàng.
Kiên trì tìm việc
Gần 3 tháng trở lại Việt Nam (sau lần thứ nhất sang học) Lô Thiệu Tiến vẫn đang trong thời gian chờ việc. Tiến không nhớ nổi đã đi bao nhiêu nơi và dự phỏng vấn bao nhiêu lần. Mới đây Tiến được nhận vào làm công nhân một công ty in trong khu công nghiệp Đồng An. Làm chưa được 1 tuần thì phải xin nghỉ vì không chịu được áp lực từ công việc (thường xuyên tăng ca 12 tiếng/ngày). Tuy nhiên, Tiến quả quyết: "Khi nào tìm được công việc ưng ý mới thôi!". Còn với Hứa Siêu Kiệt, sau hơn 1 tháng làm tại một công ty nọ, Kiệt buộc phải thôi việc vì không đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại Kiệt nộp hồ sơ vào công ty chuyên đóng bàn máy vi tính (khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai) và đang chờ kết quả.
Theo các du học sinh, có nhiều nguyên nhân khiến họ khó tìm được việc làm như ý muốn. "Tụi mình học ngôn ngữ, cách giao tiếp tiếng Việt trong thời gian ngắn quá, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn nên không tự tin khi tìm việc. Trong khi đòi hỏi từ phía các công ty lại cao...", Lục Mỹ Liên (sắp tốt nghiệp khóa tiếng Việt) tâm sự. Một cản trở lớn khiến các du học sinh sau khi học xong khó có cơ hội tìm việc tại Việt Nam là vấn đề visa. "Khi được nhận vào làm, các công ty đòi hỏi phải có giấy tạm trú, tạm vắng. Giấy này nhà trường giữ, học xong mới trả lại cũng là lúc tụi mình hết hạn ở lại Việt Nam. Vì vậy muốn làm việc phải đến lãnh sự quán hoặc về nước xin giấy gia hạn khác. Mỗi lần đi, về mất rất nhiều thời gian và tiền bạc", Đường Lệ Yến cho biết.
Khó khăn là vậy nhưng vẫn có du học sinh không nản lòng và đã tìm được công việc phù hợp. Sau nhiều lần phỏng vấn, Cam Kiến An được nhận vào làm trợ lý trong công ty giày da ở khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) với mức lương khởi điểm 300 USD. "Phải kiên trì vừa làm vừa học để tiếp thu thêm kinh nghiệm và tri thức thì mới mong có được mức lương cao", Kiến An tiết lộ bí quyết.
Văn Chính
Bình luận (0)