Những con số “ẩn”
Từ khi cho nổ 2 quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đến nay, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ đã gây tác hại trên cơ thể những người tham gia vào việc chế tạo bom, khai thác uranium và những ai hít phải bụi phóng xạ trong các vụ nổ thử nghiệm. Báo Rocky Mountain News số ra ngày 31.8.2007 đã thu thập và thống kê những thiệt hại theo số liệu từ chính phủ. Tuy vậy, các con số này chỉ mới phản ảnh những trường hợp đã được chính quyền chấp nhận bồi thường. Nhiều người từng tham gia vào việc chế tạo bom, chẳng hạn những người làm việc ở Nhà máy Rocky Flats gần thành phố Denver, bang Colorado, không bao giờ nộåp đơn đòi bồi thường thiệt hại hoặc bị từ chối vì họ không thể chứng minh rằng bệnh tật của họ phát sinh từ công việc từng làm. Do đó, con số nạn nhân thực sự còn cao hơn nhiều.
Nhật báo Rocky Mountain News đã công bố những con số đầu tiên căn cứ vào hồ sơ bồi thường từ 4 chương trình do Bộ Lao động, Bộ Tư pháp và Cựu chiến binh Mỹ đảm trách. Trong số 36.500 người này có hơn 15.000 là công nhân tham gia việc chế tạo khoảng 70.000 quả bom nguyên tử kể từ năm 1945 và nhiều người chỉ mới được bồi thường gần đây. Họ đã bị nhiễm phóng xạ hoặc hóa chất độc hại và sau đó bị các chứng ung thư hoặc bệnh phổi. Các nạn nhân khác là thường dân sinh sống gần khu vực thử nghiệm bom tại các sa mạc thuộc tiểu bang Nevada; những quân nhân, công nhân tại các bãi thử nghiệm và các công nhân khai thác quặng uranium đã hít phải bụi phóng xạ cho đến năm 1972, khi chính quyền liên bang chấm dứt việc mua uranium.
Chiến binh trên bãi thử
Quân nhân Mỹ kiểm tra hiện trường chỉ vài tuần sau một vụ nổ vào năm 1945 - Ảnh: USDoE |
R.J. Ritter – người hiện đang điều hành Hiệp hội Cựu chiến binh nguyên tử quốc gia và vận động trợ cấp cho các cựu quân nhân bị nhiễm bệnh – thừa nhận: “Vào thời điểm đó, chúng tôi đang huấn luyện quân nhân cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Bộ Quốc phòng hẳn phải biết tác hại đối với các quân nhân thuộc hải, lục, không quân được triển khai nhiều giờ trong “vùng nóng”. Nhưng không ai có chút manh mối về những gì đã xảy ra nhiều năm sau này cho những ai hít phải các chất độc hại đó”.
Các quân nhân tham dự được bảo vệ như thế nào? Hãy nghe họ kể lại. Pierson – một quân nhân thủy quân lục chiến (đã chết vì ung thư phổi năm 2000) nói rằng, ông chẳng có chút ý niệm gì khi được xe tải chở từ California đi vào sa mạc vào năm 1957 để chứng kiến một vụ nổ thử nghiệm hạt nhân chỉ cách vị trí của ông chưa đầy 5 km. Lúc đó, Pierson đứng dưới một cái mương và được chỉ dẫn là phải che mắt lại và quay mặt đi. Ông đâu biết rằng đó là vụ thử một quả bom hydro – vũ khí hạt nhân lớn nhất được cho nổ thử trong nội địa Mỹ mà sức công phá lớn gấp 5 lần quả bom được thả xuống Hiroshima.
Pierson cũng không biết là trong vụ thả bom xuống Hiroshima năm 1945, tất cả mọi vật trong bán kính 5 km đều bị hủy hoại. Một phi công cũng chứng kiến vụ thử này đã kể lại trong cuốn sách American Ground Zero rằng áp lực của vụ nổ đã thổi ông ta bay đi hơn 10m với cảm giác như đang ở trong một hỏa lò. Một lính thủy quân lục chiến khác nằm trong toán quân được lệnh tiến vào vùng trung tâm sau vụ nổ nhiều phút thì đã tự hỏi: Sao lại có lệnh tấn công vào ngay vùng bên dưới cột nấm khói cao ngất trời? Còn có gì ở đó đâu mà tấn công?
Theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, có khoảng 200.000 quân nhân đã hoạt động tại khu vực thử nghiệm bom trong nhiều năm và trong nhiều thập niên, song vì lý do an ninh quốc gia, họ không được tiết lộ những gì trông thấy với bất cứ ai.
Cả gia đình bị ung thư
Vào năm 1951, khi bắt đầu các cuộc thử nghiệm bom nguyên tử ở sa mạc của tiểu bang Nevada, giới chức phụ trách đã trì hoãn tiến hành cho đến khi gió đổi hướng, không thổi về phía các thành phố Los Angeles và San Francisco đông đúc dân cư của tiểu bang California. Và kết quả là cư dân sống ở St.George, thuộc bang Utah – nơi ngược chiều gió với California đã lãnh đủ.
Chỉ tính riêng tại nhà máy chế tạo vũ khí hạt nhân Rocky Flats ở gần Denver, đã có 856 công nhân được bồi thường thiệt hại, trong đó ít nhất 174 người đã chết vì các bệnh do nhiễm phóng xạ. |
Một trong những cảnh báo đầu tiên xảy ra 2 năm sau đó: 4.500 trong đàn cừu 14.000 con đã chết đồng loạt. Các khoa học gia phục vụ cho chính quyền vào thời điểm đó đã khẳng định là chẳng có mối liên hệ nào, nhưng tài liệu được công khai vào năm 1980 xác nhận là những nhà khoa học đó thực ra đã phát hiện lượng phóng xạ chết người trong cơ thể cừu.
Irma Thomas, một người dì của Dennis, bắt đầu lập bản đồ những cư dân St.George bị ung thư hoặc các chứng bệnh kỳ lạ, trong đó có cả chồng và chị của bà. Vợ của Dennis nhớ lại: “Trở lại thời đó, thật là chẳng khôn ngoan chút nào khi lên tiếng chống đối chính quyền. Dì ấy nhanh chóng bị quy là cộng sản”. Rồi việc gì đến đã đến: Mẹ của Dennis chết vì ung thư não ở tuổi 47. Người cha thì không sống nổi vì ung thư phổi và xương. Kế đến là người chị - phó biện lý ở Salt Lake City chết vì ung thư ruột kết. Em trai của Dennis thì chống chọi với chứng ung thư bọng đái và u bạch huyết bào. Còn Dennis đã sống sót qua chứng ung thư da.
Còn nhiều nữa những nạn nhân, như trường hợp hai anh em Thomas Atcitty và Chester Atcitty là công nhân khai thác và vận chuyển quặng uranium. Theo lời ông Thomas, là người ít học, khó kiếm việc làm vào năm 1949 lúc 21 tuổi nên khi một người bạn cho ông công việc lái xe tải chở quặng từ New Mexico đến Utah với tiền công 4 USD/ngày vào thời điểm đó, với ông là may lắm rồi. Thomas không biết là ông đã chở quặng uranium và trong những ngày đầu, ông vẫn hốt bằng tay.
Ông đã làm việc ở mỏ quặng uranium tại Grand Junction 10 năm nên được nhận khoản tiền bồi thường do thiệt hại về sức khỏe. Hay như Cliff Hemphill - người từng phục vụ trên hàng không mẫu hạm USS Princeton, chứng kiến 9 lần Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân ở nam Thái Bình Dương vào những năm 60 thế kỷ trước để về sau này cơ thể của ông nhiễm lượng phóng xạ cao gấp 110 lần lượng tối đa cho phép đối với những người làm việc liên quan đến hạt nhân.
Mãi đến những năm 80, chính quyền Mỹ mới thừa nhận việc nhiều người đã bị bệnh do ảnh hưởng của các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, các chương trình bồi thường đầu tiên quy định tiêu chuẩn ngặt nghèo nên rất ít người được nhận tiền bồi thường. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cùng với việc kết thúc Chiến tranh lạnh, nhiều thông tin bí mật trước đây được đưa ra ánh sáng và dần dà, các cựu binh đã vận động để được bồi thường thỏa đáng.
Tuyết Linh
(từ California)
Bình luận (0)