Tín hiệu đáng mừng
Sáng thứ bảy ngày 9.9, rất đông cánh nam giới đã đến Bệnh viện ĐH Y Dược (TP.HCM) để nghe các bác sĩ trình bày về đề tài cai thuốc lá và những căn bệnh liên quan đến hút thuốc lá khiến các phòng tư vấn chật kín. Trong số người hiện diện có cả các chị em phụ nữ - họ là người thân của các quý ông ghiền thuốc lá.
Theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - giảng viên ĐH Y Dược, TP.HCM, kiêm Trưởng Trung tâm Chăm sóc hô hấp (Bệnh viện ĐH Y Dược, TP.HCM): "Trong số 21 ngàn bệnh nhân đến khám, điều trị tại trung tâm chúng tôi từ năm 2000 đến nay, có tới 6.897 bệnh nhân (chiếm gần 1/3) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), mà nguyên nhân gây bệnh này do hút thuốc lá chiếm đến 90%. So với trước đây, phần lớn những người mắc bệnh do thuốc lá gây ra đến bệnh viện ở tuổi từ 50 trở đi, thì nay đã có rất nhiều người từ 40 tuổi đã đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, phòng bệnh. Đó là điều rất đáng mừng!".
Thêm tác hại mới của hút thuốc lá Những ai hút thuốc lá dễ có nguy cơ bị ung thư vùng đầu và cổ, bao gồm các bệnh ung thư thanh quản, mũi, vòm miệng, vòm họng... Theo Hãng tin Tân Hoa Xã, các nhà khoa học thuộc Viện ung thư quốc gia Mỹ đã rút ra kết luận kể trên sau khi tiến hành nghiên cứu trên hơn 476.000 người gồm cả nam lẫn nữ trong khoảng thời gian từ 1995 tới 2000. Kết quả cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn tới các căn bệnh ung thư vùng đầu và cổ. Khoảng 75% số phụ nữ mắc các chứng bệnh kể trên là do hút thuốc lá trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 45%. H.Y
"1 năm", là thành công!
Tại Trung tâm Chăm sóc hô hấp Bệnh viện ĐH Y Dược, việc cai thuốc lá được tiến hành làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, các bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi trắc nghiệm đối với người cai thuốc (như: buổi sáng thức dậy, ông hút điếu đầu tiên khi nào; hút bao nhiêu điếu/ngày...) để đánh giá mức độ nghiện và sự quyết tâm của người cai; đo nồng độ CO trong hơi thở; đưa ra những tư vấn và biện pháp trị liệu trong khoảng 1 tuần. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ tuần lễ thứ 2 đến tuần thứ 9, bác sĩ sẽ xem hiệu quả của việc cai thuốc thế nào, có xuất hiện khó chịu gì không... và đưa ra tư vấn, biện pháp trị liệu tiếp và hẹn tái khám sau 2-4 tuần. Giai đoạn 3 kéo dài từ tuần lễ thứ 10 đến tuần thứ 52, sau đó bác sĩ sẽ xác định hiệu quả của việc cai thuốc hoàn toàn chưa, các tình huống tái nghiện là gì...
Anh N.T, 46 tuổi, là giáo viên đến từ tỉnh Bình Dương cho biết mình nghiện thuốc lá từ năm 24 tuổi. Bình quân mỗi ngày anh "đốt" 15 điếu thuốc. Kết quả đo nồng độ CO trong hơi thở ra của anh T. là 32 ppm, trong khi chỉ số này ở người bình thường chỉ dưới 5ppm! Nữ bác sĩ tư vấn cho anh T. dặn dò anh: "Trong quá trình cai thuốc lá, thời gian đầu không thể ngắt ngay thuốc được, anh cần thực hiện theo cách: không mua thuốc nguyên cả gói, hay mua số nhiều, mà mua từng điếu một để hút, khi nào muốn hút nữa thì đi mua một điếu khác, cứ thế... Mục đích là để tạo ra tình huống khó khăn trong việc hút thuốc lá. Mỗi lần hút, nên... ghi lại nhật ký vì sao hút, động cơ hút, để khi tái khám, bác sĩ biết nhằm có những hướng dẫn hỗ trợ thích hợp cho người cai thuốc...".
Những biểu hiện có thể gặp ở người cai thuốc lá: - Thèm thuốc dữ dội ở tuần đầu tiên (chiếm khoảng 23% số người cai); đến tuần thứ 4 chỉ còn khoảng 2% và tuần thứ 9 thường không có. |
Tại buổi trình bày, bác sĩ Lê Khắc Bảo - bộ môn Nội trường ĐH Y Dược, TP.HCM cho rằng: "Thành công của việc cai thuốc lá, ngoài việc tư vấn, áp dụng phương pháp trị liệu của thầy thuốc, thì điều rất quan trọng đó là sự quyết tâm của người được cai. Khi nào bỏ thuốc liên tục (không hút thuốc lại) trong vòng từ 1 năm trở lên thì mới gọi là cai thuốc lá thành công. Còn chỉ mới bỏ thuốc được 2, 3... tháng thì chưa xem là thành công".
Thanh Tùng
Bình luận (0)