Trong trường học, hàng chục năm liền, trường lớp dù chật hẹp nhưng vẫn phải có một bếp ăn tập thể để phục vụ cho các lớp học bán trú. Đã có bếp bán trú tất nhiên phải có người quản lý, có bộ phận cấp dưỡng và nhiều tiêu chuẩn đi kèm như quy trình bếp ăn một chiều, khu dọn rửa, sân phơi... Chưa kể đến việc Ban giám hiệu phải thường xuyên phân công nhau đi làm thật sớm để kiểm tra khâu tiếp phẩm và lúc nào cũng canh cánh bên mình chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ. Sao ta không mạnh dạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa khâu ăn uống của học sinh bán trú từ bậc tiểu học? Việc giữ lại bếp bán trú nghi ngút khói ngay trong khuôn viên nhà trường vốn không rộng mấy, theo tôi, chỉ giải quyết một việc: thức ăn nóng sốt, các em được ăn nhiều hơn vì thức ăn nấu ra bao giờ cũng rẻ hơn so với đi mua. Tại sao không thử nghiệm phục vụ suất ăn công nghiệp, đúng giờ xe chở tới, mỗi em học sinh nhận một khay cơm và một ly nước? Cách làm này sẽ gọn nhẹ mà an toàn cho học sinh. Mà cũng còn có thể một phương án khác nữa để lựa chọn. Ấy là chấp nhận cả khay cơm chung song song tồn tại với khay cơm riêng. Gia đình nào không thích con em mình dùng suất ăn công nghiệp có phần đồng loạt này sẽ tự chuẩn bị một suất ăn hoàn toàn theo khẩu vị riêng của từng gia đình. Như vậy, chỉ với việc thay một khâu ăn uống trong chuỗi hoạt động bán trú, cùng một lúc ta có thể giải quyết được nhiều việc: học sinh được an toàn, nhà trường tập trung hơn vào hoạt động chuyên môn dạy và học, giúp phát triển ngành nghề suất ăn công nghiệp...
Trần Diễm
Bình luận (0)